Trước ý kiến cho rằng đưa đơn vị nhà nước vào rồi rút khỏi liên doanh đầu tư dự án Sao Việt là để né đấu thầu, giao đất vàng đường Hoàng Hoa Thám (Nha Trang) cho tư nhân, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ông Nguyễn Chiến Thắng nói: "Cái đó do cấp dưới đề nghị. Nếu đóng tiền để liên doanh thì tiền đâu mà đóng...".
Dự án khách sạn Sao Việt nằm ở khu 'đất vàng' với 2 mặt tiền đường, chỉ cách bờ biển Nha Trang khoảng 300m
|
Mỗi năm chỉ trả 91 triệu đồng
Dự án Trung tâm Điện ảnh và Dịch vụ văn hóa Sao Việt (dự án Sao Việt) ở số 10 Hoàng Hoa Thám (Nha Trang) có tổng diện tích gần 1.000m2, vừa được Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa xác định đã cho tư nhân thuê với giá "cực bèo" so với vị trí của một khu đất vàng trong 50 năm (thuê đến 2063).
Số tiền thuê 4,56 tỉ đồng đã được trả hết một lần cho tỉnh. Tính ra, mỗi năm chủ đầu tư chỉ mất khoảng 91 triệu đồng để thuê gần 1.000m2 đất ở vị trí đắc địa của thành phố biển Nha Trang (2 mặt tiền số 10 Hoàng Hoa Thám và 22 Trần Văn Ơn, cách bờ biển 300m).
Được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 6.2013, dự án Sao Việt này ban đầu do Trung tâm Điện ảnh Khánh Hòa (thuộc Sở VH-TT-DL tỉnh, đơn vị quản lý khu đất) liên doanh liên kết với Công ty TNHH Tân Thịnh Phát đầu tư, pháp nhân là Công ty Sao Việt.
Tuy nhiên đến ngày 9.10.2014, UBND tỉnh Khánh Hòa có văn bản thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh khi đó là ông Nguyễn Chiến Thắng, đồng ý việc Trung tâm Điện ảnh Khánh Hòa không tham gia góp vốn đầu tư liên danh với Công ty TNHH Tân Thịnh Phát. Dự án Sao Việt chính thức trở thành dự án tư nhân do Công ty TNHH Tân Thịnh Phát làm chủ đầu tư.
Năm 2016, UBND tỉnh Khánh Hòa đồng ý cho Tân Thịnh Phát thuê thêm 96,6m2 ở số 22 Trần Văn Ơn, mở rộng diện tích dự án lên 1.088,8m2; đồng thời nâng từ 12 tầng thành 14 tầng nên diện tích sàn xây dựng tăng lên 11.081m2. Hiện tại, chủ đầu tư đã hoàn thiện và đi vào hoạt động khách sạn chuẩn 4 sao gồm 180 phòng, quán cà phê và rạp phim để kinh doanh.
Theo tính toán của Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa, giá thuê trên là dự án xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa và miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản nên đã được giảm 2,28 tỉ đồng.
Còn Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa thì giải thích, theo bảng giá đất năm 2013, giá trị khu đất tính theo mục đích sử dụng đất được giao tại số 10 Hoàng Hoa Thám là 11,25 triệu đồng (mặt tiền đường Hoàng Hoa Thám) x 1,1 (hệ số) x 30% (tính theo mục đích sử dụng đất) x 974m2 (diện tích sử dụng) là hơn 3,6 tỉ đồng. Giá trị khu đất dưới 20 tỉ đồng nên áp dụng theo Nghị định 46/2014/NĐ-CP.
Trong khi theo tìm hiểu thực tế, giá đất thị trường đường Hoàng Hoa Thám hiện được chào bán trên các sàn giao dịch rất cao vào mức 240 triệu đồng/m2 đối với vị trí mặt tiền đường còn đất trong hẻm khoảng 80 triệu đồng/m2.
"Cái đó do cấp dưới đề nghị"
Tương tự trường hợp Trường Chính trị tỉnh Khánh Hoà, khu đất vàng này của thành phố Nha Trang cũng được UBND tỉnh Khánh Hòa giao cho tư nhân thực hiện dự án Sao Việt mà không thông qua đấu giá.
Ông Nguyễn Bé - Phó Giám đốc Sở Tài chính Khánh Hòa giải thích, quy định trước đây cho phép đơn vị chủ tài sản trong liên doanh được tự lựa chọn đối tác để đàm phán, không cần qua đấu giá. Luật Tài sản công có hiệu lực từ năm 2018 đã chặt chẽ hơn, bắt buộc phải qua đấu giá.
Tuy nhiên theo NLĐO, thực tế vào thời điểm cấp giấy chứng nhận đầu tư, UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ căn cứ vào Luật Đầu tư năm 2005 mà bỏ qua Luật Quản lý sử dụng tài sản nhà nước được ban hành tháng 6.2008 và Nghị định hướng dẫn về luật này hay Luật Đất đai, Luật Đấu thầu... Tờ này còn cho biết đã liên hệ với Sở TN-MT tỉnh Khánh Hòa để tìm hiểu thêm về giá trị thuê đất và sử dụng đất của dự án này nhưng đến nay chưa có câu trả lời.
Ông Nguyễn Chiến Thắng đã đồng ý rút đơn vị nhà nước khỏi liên doanh đầu tư dự án Sao Việt, để lại cho tư nhân. |
Trong khi đó, PLO dẫn lời cựu chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ông Nguyễn Chiến Thắng, khi đương chức ông chỉ cho dự án Trung tâm Sao Việt làm khách sạn - nhà hàng ở phần sau khu đất. Việc cho thay đổi thiết kế, biến một dự án văn hóa thành tổ hợp khách sạn-nhà hàng là do nhiệm kỳ sau điều chỉnh. Ông thừa nhận dự án Trung tâm Sao Việt đã bán lại cho một chủ đầu tư khác nhưng phủ nhận việc có cổ phần. “Người ta cứ nghi tôi có cổ phần trong đó nhưng tôi không có!”, ông Thắng cho biết.
Trước ý kiến cho rằng đưa đơn vị nhà nước vào rồi rút khỏi liên doanh là để né đấu thầu, giao đất vàng cho tư nhân, ông Nguyễn Chiến Thắng nói: "Cái đó do cấp dưới đề nghị. Nếu đóng tiền để liên doanh thì tiền đâu mà đóng. Vấn đề là có sản phẩm cho xã hội mà không cần dùng ngân sách. Mình dùng ngân sách để lo những chuyện khác. Cái này chưa cần dùng ngân sách!”.
Và mục đích giao khu đất vàng trên cho tư nhân, theo ông là để thành phố Nha Trang phát triển, tạo việc làm, thu ngân sách nhà nước, thu được tiền sử dụng đất. “Để Nhà nước quản lý lãng phí lắm nên kêu gọi xã hội hóa để doanh nghiệp họ làm”.
Về việc cho thuê đất với giá quá thấp, ông Thắng nói: Giá thực hiện theo quy định, có hội đồng giá, cơ quan định giá, hội đồng thẩm định giá chứ không phải chủ tịch quyết định. “Hiện thanh tra đang làm. Mình còn giải trình nữa. Chính sách của mình hay thay đổi, lúc thì thế này lúc thế nọ. Mình lấy cái bây giờ soi cái lúc trước nó khập khiễng nhiều thứ”, ông nói.
Ông này cũng khẳng định: “Cái gì tốt, cái gì xấu, cái gì được, cái gì chưa được thì để cơ quan chức năng họ làm chứ mình mệt mỏi lắm! Làm sao mà đúng hoàn toàn 100% được. Tôi cũng tự nhận thế nhưng là vì sự phát triển của tỉnh thôi!” và rằng "Tôi nhận trách nhiệm hết. Để thanh tra họ làm rồi công bố".
Cũng theo NLĐO và PLO, hiện Thanh tra Chính phủ đang tiến hành thanh tra 35 dự án tại tỉnh Khánh Hòa. Đa số các dự án thanh tra lần này liên quan đến việc hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), giá đất cho thuê.
Ông Nguyễn Chiến Thắng từng bị yêu cầu... rút kinh nghiệm sâu sắc
Ngày 11.12.2014, HĐND tỉnh Khánh Hòa công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu trong nhiệm kỳ V (2011-2016). Có 46 đại biểu tham dự kỳ họp tham gia bỏ phiếu tín nhiệm cho 13 người do HĐND tỉnh bầu.
Kết quả, ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa khi đó lại là 1 trong 4 người có nhiều phiếu tín nhiệm thấp nhất, với vỏn vẹn 5 phiếu.
Ngày 26.10.2015, HĐND khóa V tỉnh Khánh Hòa mở phiên họp bất thường, trong đó thông qua nghị quyết miễn nhiệm chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đối với ông Nguyễn Chiến Thắng. Lý do là... nghỉ hưu theo chế độ.
Đầu tháng 7.2017, theo thông cáo báo chí về kỳ họp thứ 15 của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương, Ủy ban đã ra kết luận về việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng UBND tỉnh và ông Nguyễn Chiến Thắng, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.
Ban cán sự đảng UBND tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2011-2016 đã thực hiện chưa đầy đủ, chưa nghiêm túc Quy chế làm việc của Ban cán sự đảng UBND tỉnh. Báo cáo đề xuất Ban thường vụ Tỉnh ủy và chỉ đạo UBND tỉnh triển khai thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh sang đất ở tại Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh; chuyển từ trả tiền thuê đất hàng năm thành giao đất ở có thu tiền sử dụng đất với diện tích 64 ha chưa đúng quy định của Luật Đất đai.
UBKT Trung ương yêu cầu Ban cán sự đảng UBND tỉnh Khánh Hòa nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
Ông Nguyễn Chiến Thắng trong thời gian giữ cương vị Phó bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chịu trách nhiệm là người đứng đầu đối với các khuyết điểm, vi phạm của tập thể Ban cán sự đảng UBND tỉnh nêu trên. Ông đã trực tiếp ký văn bản chỉ định thầu 2 dự án đường Phong Châu và đường Cao Bá Quát - Cầu Lùng chưa đúng với nghị định của Chính phủ, Quy chế làm việc của Tỉnh ủy và ý kiến của Thủ tướng.
Sau khi xem xét, cân nhắc, UBKT Trung ương nhận thấy khuyết điểm, vi phạm của ông Nguyễn Chiến Thắng chưa gây hậu quả, chưa đến mức phải xem xét kỷ luật; UBKT Trung ương yêu cầu ông Nguyễn Chiến Thắng nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc.
DiaOcOnline.vn - Theo Một Thế giới
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: