Top

"Đất sạch" cho nhà đầu tư

Cập nhật 12/11/2007 14:00

Để chào mời đầu tư vào các dự án bất động sản, chính quyền TP.HCM đã giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.HCM, trực thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường, tạo quỹ “đất sạch” (đã giải tỏa mặt bằng).

Báo giới đã có cuộc trao đổi với ông Võ Công Lực, Phó giám đốc phụ trách lĩnh vực khai thác đất của trung tâm, về tình hình phát triển đất dự án trên địa bàn thành phố.

* Nhiệm vụ cụ thể của Trung tâm Phát triển quỹ đất là gì, thưa ông?

- Thành phố đang hướng tới việc phát triển những đô thị vệ tinh nhằm giảm áp lực dân số và quá tải ở khu vực trung tâm. Trong tương lai, TP.HCM sẽ hình thành những vùng đô thị lớn ở Nhà Bè, cảng Hiệp Phước, Bình Chánh, quận 9, Tây Bắc - Củ Chi...

Về chức năng, những khu đô thị - du lịch sẽ được xây dựng ở quận 9, Cần Giờ; khu đô thị - công nghiệp thì ở Củ Chi, Nhà Bè, Bình Chánh và nhiều khu dân cư ở các quận vùng ven.

Trung tâm Phát triển quỹ đất có trách nhiệm cơ cấu lại những khu đất rộng, tạo điều kiện để quy hoạch đồng bộ các khu đô thị mới và cung cấp quỹ đất sạch cho nhà đầu tư. Ngoài việc thu hồi, bồi thường giải tỏa những khu đất đã có quy hoạch sử dụng đất được công bố nhưng chưa có dự án đầu tư, chúng tôi còn được giao thu hồi những mặt bằng bị sử dụng sai mục đích, đất thuộc các dự án chậm triển khai, đất là tài sản dôi dư hoặc đang sử dụng lãng phí tại các cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước. Các dự án “đất sạch” sẽ được đem đấu giá, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách thành phố.

* Bồi thường, giải phóng mặt bằng là một nhiệm vụ khó khăn. Trung tâm sẽ làm những gì để thúc đẩy nhanh quá trình này?

- Khó khăn là do khung giá đất theo quy định luôn có sự chênh lệch lớn so với giá thị trường dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài. Gần đây, để giảm áp lực cho trung tâm, chính quyền thành phố yêu cầu chúng tôi thực hiện tái định cư cho dân trước khi bồi thường giải tỏa và cho phép được mua lại đất dự án đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Tuy nhiên, theo tôi, đây chưa phải là giải pháp căn cơ. Người dân vẫn muốn Nhà nước có phương thức bồi thường thỏa đáng, sát với giá đất thị trường và để tự họ lựa chọn phương án tái định cư. Do đó, thay vì áp dụng bảng giá đất của Nhà nước, chính quyền thành phố nên sử dụng dịch vụ định giá độc lập của một bên thứ ba để tính mức bồi thường giải tỏa.

* Ông có đề cập đến một trong những nguồn đất phát triển dự án là đất dôi dư hoặc bị sử dụng lãng phí tại các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. Thành phố có hướng sắp xếp lại quỹ đất này như thế nào?

- Ban chỉ đạo 09 của TP.HCM (tức Ban Xử lý tài sản dôi dư trong các cơ quan hành chính và doanh nghiệp nhà nước) xác định đây là nguồn đất khá lớn. Tuy nhiên, việc thu thập thông tin một cách đầy đủ và chính xác để làm cơ sở cho các quyết định thu hồi thường khó thực hiện nhanh.

Mỗi trường hợp tài sản muốn thu hồi cần có nhiều thời gian thu thập thông tin, lập hồ sơ, hội họp, kiến nghị xử lý... nhưng cán bộ Ban chỉ đạo toàn là người kiêm nhiệm. Tôi nghĩ cần phải có một ban chuyên trách để sắp xếp lại quỹ đất này.

* Còn với việc thu hồi các khu đất sử dụng sai mục đích thì sao?

- Năm ngoái, Sở Tài nguyên - Môi trường đã thành lập năm đoàn kiểm tra tình hình sử dụng đất trên địa bàn thành phố và đã kiến nghị xem xét thu hồi 86 khu đất sử dụng sai mục đích với tổng diện tích gần 20 héc ta. Hiện chúng tôi đang chờ thành phố có chỉ đạo cụ thể.

* Như vậy theo ông, công tác tạo quỹ “đất sạch” cho đến nay có được như ý không?

- Trong năm năm qua, trung tâm đã tạo được quỹ “đất sạch” gồm hơn sáu mươi khu đất, tổng diện tích khoảng 2.850 ha. Có thể nói việc thu hồi đất, giải tỏa mặt bằng là một vấn đề nhạy cảm, khó khăn vì đụng chạm đến quyền lợi của người dân và nhiều tổ chức nên thời gian bị kéo dài. Tuy nhiên, thành phố đã tạo được nhiều khu “đất sạch” nhằm giảm khó khăn cho nhà đầu tư trong việc phải đi tìm kiếm, giải tỏa mặt bằng để triển khai dự án.

Nếu trước đây, nhiều nhà đầu tư phải vất vả tự đi tìm đất thì nay, thành phố đã tạo kênh cung cấp thông tin trực tiếp về quỹ “đất sạch” trong các khu quy hoạch đồng bộ. Dựa trên những quỹ đất do trung tâm thực hiện, hai năm gần đây, thành phố đã tổ chức bán đấu giá và chuyển giao 13 khu đất dự án cho chủ đầu tư. Tổng trị giá các khu đất này gần 1.800 tỉ đồng.

* Thưa ông, các nhà đầu tư phải làm gì để có thể tiếp cận các thông tin về đất dự án?

- Trung tâm đang xây dựng trang thông tin trên mạng điện tử, dự kiến sẽ hoạt động vào cuối năm nay. Chúng tôi sẽ thông tin chi tiết về các quỹ đất đang được giao quản lý, về mặt quy hoạch, quy mô dự án, hiện trạng khu đất, tính pháp lý, tiến độ bồi thường giải tỏa mặt bằng, triển khai hạ tầng... Nói chung, có thông tin đến đâu, chúng tôi công khai hết đến đó.

Ngoài ra, ngay từ bây giờ, nhà đầu tư có nhu cầu cũng có thể liên hệ với trung tâm để tìm hiểu về quỹ đất dự án. Chúng tôi sẽ phân công thành viên ban giám đốc hoặc trưởng các phòng ban trực tiếp cung cấp thông tin.

Theo TBKT Sài Gòn