Top

Đất rừng lên ngôi

Cập nhật 05/10/2010 10:10

Xu hướng đầu tư rừng đang được nhiều doanh nghiệp bất động sản nhắm đến bởi giá trị sinh lời trên đất là rất cao trong khi không phải đầu tư quá nhiều tiền.

Mặc dù thời gian đầu tư đất rừng dài khoảng 5-10 năm mới có thể thu lợi nhưng nhiều đại gia vẫn mạnh tay vung tiền thuê hàng trăm ha để trồng rừng.

Một chủ đầu tư cho biết khi đầu tư vào đất trồng rừng thì các nhà đầu tư không quan tâm đến giá đất rừng thuê là bao nhiêu tiền mà chủ yếu họ thu lợi từ giá trị đất tức là những sản phẩm thu được từ đất. Tính bài toán đơn giản, hiện tại giá thuê rừng ở Sóc Sơn, Thái Nguyên… đang giao động khoảng 100 triệu/1 ha rừng với khoảng thời gian 50 năm. Nếu đầu tư trồng cây lấy gỗ như phi lao, keo, bạch đàn… giá cây giống chỉ khoảng 5.000 đồng/cây. Chỉ khoảng 5-7 năm, giá cây phi lao thành phẩm khoảng 160.000 - 200.000 cây. Như vậy, giá trị thu lời các loại cây gỗ sẽ rất lớn.

Qua tìm hiểu được biết, nhu cầu thuê đất trồng rừng hiện nay rất lớn và tại những khu vực ngoại thành Hà Nội như Sóc Sơn, Lương Sơn, Thái Nguyên,… diện tích đất rừng cho thuê đã chật kín.

Đơn cử như giá thuê đất rừng ở thôn Thanh Sơn - Minh Phú - Sóc Sơn là 200-250 triệu đồng/ha, đất trang trại có sổ đỏ chính chủ bán giá 300 triệu đồng/sào. Còn tại Thái Nguyên, giá thuê đất rừng 150 triệu/ha, còn rừng đã đi vào khai thác đang được các chủ đầu tư chào bán giá rất cao 1,5-2 tỉ đồng/ha.

Theo anh Nguyễn Đức Hùng - một doanh nghiệp tiên phong trồng rừng tại Thái Nguyên năm 2002 anh cùng gia đình nhận khoán trồng và chăm sóc 30 ha rừng cho một xí nghiệp trên địa bàn, ngoài lao động của gia đình, những lúc cao điểm thời vụ chăm sóc, anh thuê thêm công thợ bên ngoài. Thu nhập từ việc nhận khoán rừng của doanh nghiệp không chỉ đủ trang trải đời sống mà còn giúp gia đình anh Hùng tích lũy, mua thêm được 20 ha đất để trồng rừng cho riêng mình. Giữa năm nay, anh Hùng sẽ khai thác 5 ha rừng keo đầu tiên, với giá bán ước tính bình quân là 60 triệu đồng/ha...

Tại Thái Nguyên hiện có rất nhiều doanh nghiệp tham gia trồng rừng, có doanh nghiệp cách đây vài năm đã khai thác rất nhiều gỗ khoảng 10 ha bán cây gỗ nguyên liệu cho doanh nghiệp giấy với giá 75 triệu đồng/ha, nay diện tích này đã được trồng lại rừng chu kỳ 2.

“Hiện giá gỗ nguyên liệu đang tăng cao, cứ đà này chỉ vài năm nữa, thì những hộ này sẽ là tỉ phú. Bây giờ, hầu hết dân quanh khu vực này đều mê trồng rừng, vì thấy nguồn lợi lớn về kinh tế”, anh Hùng nói.

Rõ ràng, chủ trương giao đất giao rừng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân vì vậy tại nhiều tỉnh miền Bắc, nhiều doanh nghiệp cá nhân nỗ lực tham gia trồng và bảo vệ rừng.

Trong báo cáo tổng quát về vấn đề trồng rừng của Cục Lâm Nghiệp (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), 6 tháng đầu năm 2010, tình hình khai thác lâm sản đạt kết khá tốt do nhiều địa phương có diện tích rừng sản xuất đến chu kỳ khai thác (đặc biệt là rừng nguyên liệu giấy); thị trường tiêu thụ gỗ nhìn chung khá ổn định, trong đó có gỗ nguyên liệu giấy là sản phẩm chiếm tỷ trọng khá cao trong sản lượng gỗ khai thác, nhiều địa phương, doanh nghiệp tìm được thị trường xuất khẩu nên giá tiêu thụ sản phẩm gỗ và lâm sản khác tương đối cao.

Diện tích trồng rừng tập trung trên cả nước là 78,3 nghìn ha tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 38 % kế hoạch. Trong đó, nổi bật là các tỉnh miền Bắc với diện tích trồng rừng đạt gần 76 ha. Các tỉnh phía Nam do mua khô nên chưa tiến hành trồng rừng nhiều.

DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia