Theo nhận định của Bộ Xây dựng, những tháng cuối năm vẫn là thời điểm khó khăn cho địa ốc khi hàng loạt chính sách BĐS đã được khơi thông nhưng DN chưa thể lấy được lòng tin từ các khách hàng - yếu tố quan trọng trong việc phát triển và làm cho thị trường BĐS thêm sôi động.
Thống kê mới đây cho thấy lượng tồn kho của các Cty BĐS niêm yết nửa đầu năm 2012 chiếm gần 1/3 lượng hàng tồn kho của toàn bộ các DN niêm yết. Tiêu biểu, thị trường BĐS TP.HCM biểu hiện rõ rệt sự khó khăn và trầm lắng. Theo Hiệp hội BĐS TP.HCM, hầu hết các DN địa ốc đã làm mọi cách để có thể tồn tại nhưng hiệu quả thực tế vẫn không “khá khẩm” hơn: nhiều DN chấp nhận bán tháo lỗ tới 50% nhưng vẫn khó bán. Tại TP.HCM, giá căn hộ tại một số dự án của Hoàng Anh Gia Lai đã giảm tới 60%. Nhiều chủ đầu tư dự án chung cư khác cũng chấp nhận giảm mạnh giá bán để tăng thanh khoản cho sản phẩm, duy trì dòng tiền. Thị trường địa ốc tại Hà Nội thậm chí còn thê thảm hơn. Với hầu hết dự án căn hộ ở Thủ đô, ngoài các nhà đầu tư thứ cấp giảm giá bán nhằm cắt lỗ, chính các chủ đầu tư cũng đang hòa chung vào xu thế giảm giá bán. Gần đây nhất là trường hợp của Cty CP Coma 18, chủ dự án căn hộ cao cấp Westa (Q.Hà Đông) đã công bố giảm giá bán căn hộ tại đây khoảng 30% so với trước, xuống còn 17,9 - 21 triệu đ/m2 nhưng vẫn ế. Theo anh Hoằng - nhân viên kinh doanh của CEN Group - đơn vị phân phối, môi giới sản phẩm của Westa, thì phiên chào bán vừa rồi của chủ đầu tư đã thất bại hoàn toàn bởi lượng khách giao dịch chỉ đếm được trên đầu ngón tay (!).
Nhiều chuyên gia BĐS đều chung nhận định, thị trường càng thêm khó khăn bắt nguồn từ sự sụt giảm niềm tin của khách hàng. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự mất niềm tin của người tiêu dùng vào thị trường BĐS. Trong đó nổi lên là việc mất cân đối hàng hóa thị trường: sản phẩm cao cấp quá nhiều, sản phẩm phù hợp với túi tiền của người dân chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Cách làm ăn chụp giật của không ít chủ đầu tư, chậm tiến độ, vi phạm hợp đồng… dẫn tới việc khiếu kiện trở thành vấn đề được nói tới nhiều nhất giữa lúc khó khăn chồng chất. Vấn đề này cũng đã được những người tham gia trực tiếp vào thị trường BĐS cũng như các cơ quan quản lý thừa nhận. Cụ thể, ông Nguyễn Quốc Khánh - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Cty CP Đầu tư và Phân phối DTJ chia sẻ: Các chủ đầu tư, đơn vị phát triển dự án đã từng bước chuyên nghiệp hóa để nghiên cứu nhu cầu thị trường để đưa ra sản phẩm phù hợp. Tuy nhiên, thời gian trước, nhiều khách hàng và chủ đầu tư không xác định được đầy đủ cán cân cung - cầu. Về phần mình, ông Trương Chí Kiên - Phó TGĐ Cty CP Him Lam Thủ đô thẳng thắn phân tích: Thị trường đã thay đổi, việc cạnh tranh là cần thiết và bắt buộc. Theo đó, DN phải cam kết thực hiện đúng những gì mình đưa ra với khách hàng như chất lượng, tiến độ thì mới có thể tồn tại được. Chủ đầu tư muốn giữ sân chơi của mình lành mạnh thì phải thể hiện trách nhiệm DN mình đối với thị trường để xây dựng niềm tin khách hàng tốt hơn.
Hiện nay đã có nhiều dự án giảm giá mạnh mẽ - tiệm cận tới mức chấp nhận được của phân cấp khách hàng có thu nhập trên trung bình. Điển hình như dự án chung cư Đại Thanh (Xí nghiệp Xây dựng Tư nhân số 1 Lai Châu là chủ đầu tư) công bố mức giá 10 triệu đ/m2 cho căn hộ diện tích từ 42-66 m2 sau lần giảm giá cách đây vài tháng từ 15 xuống còn 13 -13,5 triệu đ/m2. Những trường hợp như dự án Đại Thanh rất hiếm hoi tại thị trường Hà Nội, ở phân khúc chung cư giá rẻ.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: