Đô thị hóa, thay đổi địa dư hành chính, mở rộng và mở mới nhiều tuyến phố, tuyến đường… khiến cho nhiều con phố ở Hà Nội không có số nhà hoặc có nhưng không theo thứ tự, gây không ít rắc rối cho người dân.
Việc UBND thành phố Hà Nội giao Sở Xây dựng chủ trì, lập đề án xây dựng Quy chế đánh số và gắn biển số nhà để hạn chế những lộn xộn nêu trên đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Tuyến phố Lê Văn Lương còn nhiều khu vực số nhà rất lộn xộn. Ảnh: Lê Tuấn
Anh Nguyễn Tuấn Hùng (nhân viên giao hàng của một công ty thương mại điện tử):
Số nhà đang được đánh rất lộn xộn
Làm trong doanh nghiệp chuyên giao dịch thương mại qua mạng, tôi thường phải trực tiếp đi giao hàng tận tay đến khách hàng. Cứ nghĩ công việc dễ dàng, thuộc phố, thuộc đường là xong, ai ngờ có đi mới biết sự lằng nhằng, lộn xộn trong cách đánh số nhà trên đường phố Hà Nội hiện nay. Cùng trên một mặt phố, số chẵn, số lẻ rất lộn xộn, thậm chí nhiều số nhà còn "nhảy nhót" tùy thích, vì vậy nhiều khi đi giao hàng, tôi thường phải gọi điện hỏi lại cho rõ: nằm bên hướng từ đường nào đi vào, địa chỉ gần tòa nhà hay công trình lớn nào để dễ đoán định. Đơn cử như ở phố Hoàng Quốc Việt, nếu đi từ đường Phạm Văn Đồng vào thì số 2 Hoàng Quốc Việt là Trung tâm Triển lãm Nông nghiệp Việt Nam, thế nhưng, từ đường Bưởi xuống, số 2 Hoàng Quốc Việt lại là một đơn vị khác… Với tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều khu đô thị mới được hình thành, nhiều tuyến đường mới được mở và cùng với đó là sự tùy hứng gắn số, gắn biển mà thiếu sự quản lý, kiểm soát của chính quyền địa phương, khiến người dân như bị lạc vào "ma trận" số nhà.
Bà Nguyễn Thanh Hải (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam):
Quy định chưa được thực hiện đến nơi đến chốn
Chính phủ, Bộ Xây dựng, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều nghị định, quyết định liên quan đến việc đánh số, gắn biển số nhà. Năm 2005, Chính phủ có Nghị định 91/2005/NĐ-CP ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng. Năm 2006, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chế đánh số và gắn biển số nhà, kèm theo Quyết định 05/2006/QĐ-BXD về việc giao trách nhiệm gắn biển số nhà cho UBND cấp quận thực hiện. Năm 2006, UBND thành phố Hà Nội cũng có Quyết định số 207/2006/QĐ-UBND ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng… Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện vẫn chưa được nghiêm túc, dẫn đến tình trạng tùy hứng đánh số nhà, nơi đánh theo thứ tự từ trái sang phải, chỗ thì ngược lại, thậm chí người dân thích số nào lấy số đó, nếu trùng thì thêm a, b, c... vào (!). Tại những tuyến phố mới mở rộng, các tuyến phố chạy qua nhiều phường, quận… việc gắn biển số nhà càng "tùy hứng". Thiết nghĩ, để thành phố trở nên văn minh, sạch đẹp, thì số nhà, tên phố phải rõ ràng, mạch lạc. Căn cứ theo thẩm quyền đã được giao, cơ quan chức năng cần kiểm tra, nếu phát hiện tuyến phố nào đánh số nhà linh tinh, phạt chính quyền địa phương đó. Nếu làm được như vậy, tôi tin rằng sự phức tạp trong việc đánh số nhà sẽ được giải quyết.
Ông Phương Văn Hiền (phường Xuân La, quận Tây Hồ):
Cần quản lý đô thị một cách khoa học
Tình trạng nhiều nhà có cùng một số, thứ tự số nhà không theo quy luật nào đã gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý đô thị, gây phiền toái trong cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Tôi rất mừng khi được biết thành phố đã giao cho Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và các quận, huyện, thị xã lập đề án và xây dựng Quy chế đánh số và gắn biển số nhà trên địa bàn Thủ đô, trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt trong quý II-2013. Hy vọng, với việc xây dựng hẳn một đề án về vấn đề này cùng với việc khảo sát thực tế để điều chỉnh, thống nhất trong cách ghi số nhà một cách khoa học, người dân sẽ không còn phải vất vả mỗi khi đi tìm địa chỉ nào đó. Việc gắn biển, đề tên phố, số nhà một cách khoa học, chính xác cũng góp phần làm đẹp đường phố Thủ đô, thuận lợi cho việc liên hệ, giao dịch của người dân và sự quản lý của Nhà nước trên từng địa bàn dân cư.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: