Hai tuần đầu tháng 3, giao dịch địa ốc tại TP HCM xảy ra diễn biến trái chiều: căn hộ đứng giá, ít giao dịch còn đất nền lại tăng giá nhẹ. Theo các chuyên gia, tâm lý chờ giá căn hộ giảm thêm đang đè nặng thị trường.
Đất nền khu Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 đột ngột tăng giá nhẹ sau một thời gian nghỉ Tết im ắng. Ảnh: H.T.
|
Thống kê từ hệ thống sàn giao dịch bất động sản Vinaland, tuần đầu tiên của tháng 3 toàn thị trường không có diễn biến tăng giảm giá trên tổng số hơn 230 sản phẩm được cập nhật. Tuy nhiên, sang tuần thứ hai của tháng này, thị trường có sự dịch chuyển rõ rệt.
Gần 90% bất động sản trên tổng số hơn 230 sản phẩm dự án đất nền và căn hộ đứng giá, rơi vào các quận: 7, 8, 9, Bình Tân, huyện Bình Chánh, Nhà Bè. Thế nhưng, hơn 10% số lượng bất động sản còn lại bắt đầu có sự tăng giá nhẹ, chủ yếu rơi vào phân khúc đất nền.
Cụ thể, đất nền khu Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 tăng 0.1-0.3% tương đương 100-300 nghìn đồng mỗi m2. Khu Bình Trưng Đông tăng giá nhiều hơn. Đất nền dự án Đông Thủ Thiêm, Bình Trưng Đông Cát Lái tăng giá cao nhất là 1%, tương đương 1 triệu đồng mỗi m2. Các dự án đất nền thuộc phường Bình An, An Phú, An Khánh, quận 2 cũng tăng giá khoảng 0.3%.
Trao đổi với phóng viên, Tổng giám đốc Công ty đầu tư cổ phần đầu tư Mega, Nguyễn Xuân Châu nhận xét, tình hình kinh tế vĩ mô đang tác động rất lớn đến thị trường nhà đất, làm thay đổi quan niệm đầu tư, chuộng đất hơn nhà.
Theo ông Châu, thị trường căn hộ không có niềm tin vào khả năng sinh lời trong thời điểm này vì lãi suất cao. Trong năm 2010 thị trường TP HCM xuất hiện nhiều dự án căn hộ đồng cấp, cùng vị trí nhưng sản phẩm ra sau có giá "mềm" hơn.
Xu hướng giảm giá thành, dùng công nghệ kỹ thuật để tiết kiệm trong xây dựng nhằm đưa ra mức giá bán cạnh tranh đang ngày càng mạnh mẽ vào năm 2011. Điều này lý giải vì sao ngày càng có nhiều dự án giá thấp hơn, vừa túi tiền hơn tung ra thị trường. "Đây cũng là lý do khiến cho tâm lý nhà đầu tư né căn hộ và chuộng đất nền. Bởi lẽ, đất nền không giảm giá theo thời gian nhưng căn hộ đang có chiều hướng ngược lại", ông nói.
Ông Châu cho rằng, hiện nay đất có tính pháp lý ổn định, có sổ đỏ đang có sức hấp dẫn hơn nhà vì không bị giảm giá, luôn tăng giá theo năm thậm chí theo quý. Thị trường căn hộ đang chịu sức ép giảm giá để tăng tính thanh khoản.
Thị trường bất động sản TP HCM được dự báo sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong năm 2011. Ảnh: V.L.
|
Tuy nhiên, chuyên gia này nhận định rằng, câu chuyện giảm giá để có sản phẩm rẻ hơn không quyết định sự sôi động của thị trường vì sức mua bị chi phối bởi yếu tố tâm lý. Trong năm 2011, cùng với những bất ổn của kênh đầu tư vàng, chứng khoán, USD cộng thêm thắt chặt giải ngân bất động sản tạo nên những bất an, băn khoăn. Mức độ giải ngân của thị các thị trường tài chính liên thông đang chậm lại, bi quan.
Giám đốc Bộ phận tiếp thị nhà ở Công ty CBRE Việt Nam, Nguyễn Nguyên Thái thừa nhận, nhiều khách hàng vẫn có ý chờ đợi giá nhà sẽ giảm sau Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, giá thành của sản phẩm tùy thuộc vào suất đầu tư và được quyết ngay từ giai đoạn triển khai thực hiện dự án nên khó giảm thêm. Mặt khác, ông Thái phân tích thêm, lãi suất tăng cao, chi phí và vốn của các đơn vị phát triển nhà cũng sẽ phải tăng theo. Nếu giá bán sản phẩm giảm là đi ngược lại quy luật cơ bản: kinh doanh phải sinh lời.
Riêng Tổng giám đốc Công ty bất động sản Song Phát Trần Tấn Phát cho rằng, tâm lý chờ giá căn hộ giảm thêm sẽ đè nặng thị trường nhưng không khả thi. Hiện nay tất cả các chi phí đầu vào để thực hiện dự án bất động sản đều tăng, giá thành căn hộ đang ở mức không thể giảm thêm. "Nếu có dự án giảm giá hoặc đưa ra khung giá chào bán cạnh tranh hơn các dự án lân cận, đó là do chủ đầu tư chủ động cắt giảm chi phí, tiết kiệm từng gói thầu hoặc cắt lỗ để tránh bị thâm hụt tài chính trong thời buổi khó khăn", ông dự báo.
Nhiều chuyên gia bất động sản nhận định, các dự án căn hộ tuy gặp nhiều khó khăn và đất nền có vẻ hấp dẫn đầu tư hơn nhưng trên thực tế đất nền tại TP HCM không nhiều. "Cuối cùng, dù là đầu tư hay mua để ở, căn hộ mới là dòng sản phẩm chủ đạo tại TP HCM. Nếu muốn mua đất nền, có lẽ, người dân phải đi xa ra vùng ven thành phố, thậm chí là tận các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An...", một chuyên gia bất động sản nói.
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: