Dự kiến, tổng nhu cầu chuyển đổi đất lúa sang các mục đích khác giai đoạn 2009-2030 sẽ tiếp tục tăng, lên tới 500 ngàn ha, bất chấp những biến động liên tục của đất lúa đã được cảnh báo qua nhiều thống kê của liên bộ Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Áp lực bảo đảm an ninh lương thực
Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá về những con số mới nhất về nhu cầu cần đất lúa chuyển đổi dự kiến cho phát triển kinh tế sắp tới do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thống kê rằng, sự chuyển đổi trên sẽ gây áp lực lớn đối với việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và nhu cầu xuất khẩu trong tương lai.
Nhận định trên của Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn toàn có cơ sở. Vì theo kết quả nghiên cứu và dự báo của Uỷ ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc (IPPC) và Ngân hàng Thế giới, Việt Nam sẽ là một trong năm nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc biến đổi khí hậu.
Trong 100 năm tới, nước biển sẽ dâng 1 m, nhiệt độ sẽ tăng thêm 2 độ C. Theo đó, vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ có 1,5-2 triệu ha và vùng đồng bằng Sông Hồng có 0,3-0,5 triệu ha đất nông nghiệp, trong đó chủ yếu là đất lúa bị ngập hoặc nhiễm mặn không thể sản xuất. Biến đổi khí hậu cũng làm gia tăng thiên tai khiến năng suất cây trồng giảm. Nếu nhiệt độ tăng thêm 1 độ C, năng suất lúa giảm 10%.
Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) vừa công bố nghiên cứu mới nhất về biến đổi khí hậu tại tỉnh Cà Mau. WWF chỉ rõ, ngập lụt trên diện rộng và các hệ sinh thái nước ngọt bị mặn hoá đang là thách thức lớn do biến đổi khí hậu gây ra cho tỉnh Cà Mau nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung trong vòng 25 năm tới. WWF khuyến cáo Việt Nam cần điều chỉnh quy hoạch đất đai phù hợp hơn với biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, chỉ trong vòng hai năm 2005-2007, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, diện tích đất lúa liên tục giảm với 59,5 ngàn ha, đặc biệt đất chuyên lúa nước chiếm tới 93% tổng diện tích đất lúa bị giảm với 55,2 ngàn ha. Cùng với đó là 90,5 ngàn ha đất lúa bị chuyển đổi mục đích sử dụng.
Diện tích đất lúa giảm tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng, vùng ven đô thị do chuyển đổi sang phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị hoá. Các vùng có diện tích đất lúa giảm nhiều lại nằm ở hai vựa lúa lớn nhất cả nước. Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 57% tổng diện đất lúa giảm, với 205,4 ha; Đồng bằng sông Hồng chiếm 14,4% với 52 ngàn ha đất lúa giảm; Đông Nam Bộ giảm 65,7 ngàn ha, chiếm 18,1%.
Đáng chú ý, khu vực Tây Nguyên diện tích đất lúa hạn chế nhưng giai đoạn 2000-2005 tốc độ giảm khá nhanh.
Trong khi đó, yêu cầu về đất lúa tối thiểu duy trì năng lực sản xuất lúa gạo đáp ứng nhu cầu trong nước (tính thêm 10% diện tích đất dự phòng thiên tai, sâu bệnh) vào năm 2010, 2015,2020, 2030 lần lượt là những con số lớn 3.288 ngàn ha; 3.242 ngàn ha; 3.199 ngàn ha; 3.185 ngàn ha.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chuyển đất lúa sang mục đích phi nông nghiệp cũng đem lại những hiệu quả nhất định. Giá trị GDP/ha đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp cao gấp 198 lần so với giá trị GDP/ha đất sản xuất nông nghiệp trên phạm vi cả nước vào năm 2007. Trong đó, tỉnh Hưng Yên cao gấp 96 lần, Thái Nguyên cao gấp 106 lần, Thanh Hoá cao gấp 122 lần, Đắc Lắc cao gấp 133 lần, Bình Dương cao gấp 146 lần, Phú Yên cao gấp 210 lần, Tiền Giang 232 lần.
Tuy nhiên, bộ này thừa nhận, việc đất lúa liên tục sụt giảm vài năm gần đây đã gây ra những tổn thất về mặt kinh tế khi việc lập quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị trên đất nông nghiệp nói chung và đất lúa nói riêng chưa sát thực tế; phát triển khu đô thị mới, khu vui chơi giải trí, sân golf gần nhau và bố trí trên vùng đất chuyên trồng lúa, đã có hệ thống thuỷ lợi hoàn chỉnh, thuận tiện giao thông nhưng khả năng thu hút đầu tư hạn chế.
Nhiều diện tích đất lúa gần các khu công nghiệp, khu chế xuất bị ảnh hưởng trực tiếp từ nước thải, khói bui, ánh sáng khiến sâu bệnh gia tăng, năng suất giảm 15-30%.
Một con số cụ thể hơn, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi ha đất nông nghiệp bị thu hồi ảnh hưởng đến việc làm của 10 lao động. Giai đoan 2001-2005, việc thu hồi đất nông nghiệp phục vụ các mục tiêu phi nông nghiệp đã ảnh hưởng đến việc làm và đời sống của 627 ngàn hộ dân, khoảng 950 ngàn lao động và 2,5 triệu nhân khẩu.
Trong đó, vùng đồng bằng sông Hồng có số hộ bị thu hồi đất lớn nhất với 300 ngàn hộ, vùng Đồng Nam bộ khoảng 108 ngàn hộ.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong 500 ngàn ha đất lúa có khả năng bị chuyển đổi sang mục đích khác giai đoạn 2009-2030 thì càng giai đoạn về sau, nhu cầu cần đất lúa chuyển đổi càng lớn.
Đất lúa cũng là di sản
Theo một thành viên của Ban soạn thảo quy hoạch tổng thể sử dụng đất lúa đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, rất đáng lo ngại nếu diện tích lớn đất lúa bị chuyển đổi nêu trên không được kiểm soát sử dụng đúng mục đích.
Quan điểm của đơn vị soạn thảo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đất lúa không thể thay thế và có ý nghĩa quyết định với an ninh lương thực quốc gia.
Mục tiêu cụ thể mà bộ này nhắm tới trong quá trình soạn thảo là duy trì diện tích đất lúa canh tác đến 2010, 2015, 2020 lần lượt là 4,05 triệu ha, 3,85 triệu ha, 3,7 triệu ha. Từ năm 2030 sẽ giữ ổn định lâu dài 3,6 triệu ha, trong đó đất chuyên lúa nước 3,2 triệu ha.
Trao đổi với VnEconomy, một chuyên gia thuộc Tổng cục Quản lý Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, mặc dù điều 74 Luật Đất đai năm 2003 đã quy định: "Nhà nước có chính sách bảo vệ đất chuyên trồng lúa nước, hạn chế chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng mục đích phi nông nghiệp. Trường hợp cần thiết phải chuyển một phần diện tích đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp thì Nhà nước có biện pháp bổ sung diện tích hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất chuyên trồng lúa".
Tuy nhiên, việc chuyển đổi đất lúa tuỳ tiện không theo quy hoạch trong nhiều trường hợp đã khiến tiến trình thực hiện những mục tiêu nêu trên không hề đơn giản.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, đất lúa cũng là di sản và việc đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát điều chỉnh các chính sách ưu đãi trong Luật Đầu tư và các văn bản khác về phát triển công nghiệp, dịch vụ, cơ sở hạ tầng, đô thị theo hướng hạn chế tối đa việc lấy đất chuyên lúa là điều rất cần thiết.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: