Top

Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ nguy hiểm: Đừng lần lữa mãi

Cập nhật 09/05/2011 15:40

Sau vụ sập ngôi nhà ngõ 49 Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa) và nhiều ngôi nhà khác trên địa bàn Hà Nội bị sụt lún, nghiêng... vấn đề cải tạo chung cư cũ đang trở thành mối quan tâm của rất nhiều người dân sống tại đây. Tuy nhiên, khi triển khai xây dựng mới khu chung cư, tập thể cũ, chủ đầu tư lại vấp phải nhiều khó khăn.

Nhiều khu tập thể cũ xuống cấp

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, rất nhiều khu chung cư cũ được xây dựng từ năm 1960 - 1970 trên địa bàn đã xuống cấp nghiêm trọng do lún, nứt, nghiêng. Thậm chí, nhiều khu nhà rơi vào tình trạng nguy hiểm cấp độ D (cấp độ cao nhất theo tiêu chuẩn do cơ quan quản lý ban hành) như B6 Giảng Võ, P3 Phương Liệt, I2, C1 Thành Công,… Ở những khu tập thể lắp ghép tấm lớn như Giảng Võ, Thành Công… do phương tiện, vật tư, kỹ thuật lúc xây dựng không bảo đảm, thiếu đồng bộ nên chất lượng các mối nối tấm ghép rất kém. Trải qua quá trình sử dụng hàng chục năm, các mối nối bằng thép đã han gỉ và bị đứt, có thể sập đổ nếu có lực xô ngang khi xảy ra động đất. Ngoài ra, do không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên quản lý lỏng lẻo, nên diễn ra tình trạng cơi nới "chuồng cọp", "chuồng chim".

Nhiều căn hộ được chủ nhân cơi nới đua ra hàng chục mét vuông để tăng diện tích sử dụng, làm cho kết cấu tổng thể, khả năng chịu tải của tòa nhà bị thay đổi. Tại khu tập thể (KTT) của Công ty CP Văn phòng phẩm Hồng Hà, phố Lò Đúc, tình trạng xuống cấp đến mức đáng lo ngại, bởi phần tường tiếp giáp giữa hai nhà đã xuất hiện những vết rạn nứt kéo dài.

Đánh giá về chất lượng các KTT cũ, đại diện Phòng Phát triển nhà, Sở Xây dựng cho biết, kết quả khảo sát trên địa bàn Hà Nội có khoảng 600.000m2 nhà tập thể cũ thuộc diện nguy hiểm cấp C. Nếu nhà nguy hiểm cấp D, luật đã quy định phải di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi tòa nhà để phá dỡ, xây dựng lại. Còn với nhà cấp C muốn xây dựng lại phải tiến hành các bước GPMB như dự án thông thường. Nhưng đến nay, việc cải tạo, xây dựng lại các khu nhà này rất khó khăn.

Khó cũng phải làm

Những năm qua, TP Hà Nội đã tập trung xây dựng lại nhiều tòa nhà lún, nứt nguy hiểm như C7 Giảng Võ, B4 Giảng Võ… nhưng tiến độ triển khai lại vấp phải nhiều rào cản. Một số chủ đầu tư bày tỏ, vướng mắc lớn nhất hiện nay đối với các dự án cải tạo tập thể cũ là chỉ tiêu quy hoạch. Hầu hết các khu tập thể cũ TP đều đã giao chủ đầu tư, nhưng quy hoạch vẫn chưa được phê duyệt. Vì nếu giữ quy mô, chỉ tiêu cũ thì chủ đầu tư lỗ nặng, không đủ chỗ cho người dân tái định cư. Nhưng nếu tăng chỉ tiêu, mật độ quy hoạch thì hạ tầng khu vực quá tải nghiêm trọng. Chính bởi luẩn quẩn với cái vòng: lợi ích chủ đầu tư - lợi ích người dân - quy định của Nhà nước mà nhiều dự án chung cư bị kéo dài thời gian thi công.

Tới nay, Hà Nội đã hoàn thành xong nhà tập thể cũ B14 Kim Liên, đang triển khai xây dựng nhà tập thể cũ I1, I2, I3 Thái Hà; nhà tập thể cũ B6 và C7 Giảng Võ; C4 Kim Liên. Tuy nhiên, do những khó khăn khác nhau, nhiều dự án lớn như cải tạo KTT cũ Nguyễn Công Trứ, Văn Chương, Giảng Võ… bị chậm tiến độ. Đơn cử, tại KTT Nguyễn Công Trứ được coi là dự án cải tạo, xây dựng lại tập thể cũ lớn nhất đang được triển khai. Cũng vì lẽ đó, dự án nhận được sự quan tâm của nhiều cấp, ngành và sự theo dõi sát sao của dư luận. Sau nhiều năm, chủ đầu tư mới thực hiện GPMB cơ bản xong khối nhà A1, A2 và đã tổ chức bốc thăm căn hộ tái định cư, diện tích kinh doanh tầng 1 cho các hộ dân thuộc 2 nhà này. Nhưng để đạt được kết quả đó, chủ đầu tư phải trải qua rất nhiều khó khăn, lớn nhất là việc thoả thuận giữa chủ đầu tư và người dân.

Cải tạo, xây dựng lại khu chung cư, tập thể cũ xuống cấp là mục tiêu lớn, vừa cải tạo đô thị hiện đại, vừa tăng quỹ nhà ở, đồng thời, cải thiện môi trường ở cho người sở hữu nhà. Vì lẽ đó, việc đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước - doanh nghiệp - người dân, cũng không nên quá cứng nhắc.

DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị