Nếu như cách đây 5 tháng, mua bán đất đấu giá đã trở thành một đề tài nóng bỏng với dân đầu cơ bất động sản thì vào thời điểm này, tại Hà Nội không ít tay buôn sừng sỏ nhất cũng phải than trời vì lỡ "ôm" đất đấu giá.
Quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn thiện những khu đất đẹp nhằm bán đấu giá, lấy kinh phí để nâng cấp hạ tầng cho chính địa phương có quỹ đất là một chủ trương đúng đắn của UBND thành phố Hà Nội. Nhưng vài năm qua, dân đầu cơ bất động sản đã tranh thủ chủ trương này, ồ ạt tham gia đấu giá, rồi bán "lướt sóng" khiến giá cả bị đội lên bất ngờ. Và chính họ, dân đầu cơ, đã phải trả giá cho cách kiếm tiền này.
"Đất đấu giá...cao quá mức tưởng tượng"
Một cán bộ công tác tại ban Quản lý dự án thuộc quận Hà Đông, là người từng trực tiếp tổ chức các cuộc đấu giá đất tại quận này đã phải thốt lên như vậy.Anh cho biết thêm: "Chúng tôi là những người trực tiếp thực hiện việc giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng và tổ chức đấu giá vậy mà cũng chưa bao giờ dự đoán đúng giá trúng. Giá mà người dân bỏ thầu cao hơn nhiều, quá mức tưởng tượng của chúng tôi".
Quả vậy, nếu ai đã từng tham gia đấu giá đất tại quận Hà Đông mới biết, giá bỏ thầu như lạc vào mê hồn trận. Đơn cử như đất đấu giá khu Ngô Thì Nhậm. Vào thời điểm "đáy" của thị trường bất động sản, khi mà cơn bão khủng hoảng kinh tế đang hoành hành là giữa năm 2008, giá mỗi m2 đất đấu giá nằm ở mức 25 triệu đồng thì tới năm 2009, đất ở đây đã vọt lên 40 triệu đồng và vào tháng 3-2010, đã đạt khoảng 60-70 triệu đồng/m2.
Không chỉ riêng quận Hà Đông, ngay tại huyện Gia Lâm, nơi mà thị trường nhà đất không nóng bỏng như khu vực phía Tây, vậy mà nhân dân địa phương đi đấu giá cũng thua cuộc vì chẳng hiểu sao, giá mà người ta thắng thầu lại cao như thế. Người trúng đất đấu giá, hầu hết là ở các quận khác đổ về Gia Lâm, thậm chí có người trúng tới 4 lô. Anh Bình, một người dân ở khu vực Trâu Quỳ cho biết: "Chúng tôi chờ đợi 5 năm nay, dự án đất đấu giá khu 31 ha Trâu Quỳ, Đặng Xá mới hoàn thành và đi vào đấu giá. Những tưởng sẽ mua được một lô đất ngay tại khu vực mình sinh sống để làm nhà, vậy mà cả nhà tôi đi bỏ thầu, đều trượt hết". Anh Bình cho biết, vào thời điểm huyện Gia Lâm thông báo đấu giá, anh và nhiều bạn bè cho rằng, cao lắm giá đất nhà vườn liền kề của dự án chỉ nằm ở mức 14 triệu đồng/m2, vì đất khu vực xung quanh đó đang được người dân bán ở mức 10 triệu đồng/m2. Vậy mà giá trúng thầu cao nhất lên tới 24 triệu đồng/m2 và thấp nhất cũng xấp xỉ 17 triệu đồng/m2.
Nhưng ngạc nhiên hơn nữa là câu chuyện từ chị Hương, người vừa đi đấu giá đất ở khu vực huyện Quốc Oai về. Chị kể: "Khu đất đấu giá xa tới mức chúng tôi đi từ Hà Nội phải mất mấy tiếng đồng hồ vì tắc đường quá. Đến nơi thấy ngỡ ngàng vì khu vực này còn hoang hóa, và "quê mùa" vô cùng, cái tên cũng rất lạ lẫm: đất đấu giá Vai Réo, Phú Cát. Vậy mà mức giá trúng đã làm hàng trăm người giật mình, giá đấu trúng thấp nhất là 17,5 triệu đồng/m2, cao nhất là 24 triệu đồng/m2". Cũng theo chị Hương, lần đấu giá trước đây cũng tại khu Vai Réo, xã Phú Cát, giá trúng cao nhất khoảng 10 triệu đồng/m2 đã làm nhiều người ngỡ ngàng, xôn xao, khi mà giá đất quanh khu này trước đó chỉ khoảng 5 triệu đồng/m2.
Làm giá đất đấu giá
Không khó để nhận ra, nguyên nhân chính khiến đất đấu giá tăng chóng mặt, tăng ảo chính là do bàn tay của giới đầu cơ nhà đất. Anh Tuấn, một nhân viên môi giới nhà đất ở khu Văn Quán cho biết: " Dân đi đấu giá đất ở Hà Đông chủ yếu là "cò" nhà đất. Họ đi đấu giá có bài bản nhằm găm giữ đất, sau đó thổi giá lên và bán lại cho người trượt, nếu không bán được thì bỏ thầu, bỏ cọc là xong". Quả vậy, nhiều cán bộ trong ban quản lý dự án ở quận Hà Đông cũng thừa nhận, không thể "đấu" nổi với giới "cò" nhà đất ở đây. Họ thường trả giá rất cao nhằm gạt những người khác ra và sau đó đăng tin trên mạng, hoặc gửi trực tiếp tại các văn phòng nhà đất bán lại suất trúng đấu giá cho người khác.
Tại khu đất đấu giá 31ha Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, anh Khánh, người mua lại một lô đất trúng đấu giá cho biết: "Hầu hết là cò đất bán lại, giá trúng là gần 17 triệu đồng/m2, người ta bán lại cho tôi giá 18 triệu đồng/m2, chênh lệch khoảng hơn 100 triệu đồng một lô". Tuy nhiên, điều đáng nói là người mua để xây nhà ở như anh Khánh rất ít, phần lớn người mua lại là dân đầu cơ, họ lại chờ cho giá lên một chút rồi tiếp tục bán. Chính vì mỗi một suất đất cứ bị bán đi, bán lại như vậy nên cuối cùng giá đội lên rất cao. "Giá cao nhưng là giá ảo thôi, vì toàn là dân buôn suất mua lại của nhau, một lúc nào đó, không có người chịu mua giá cao nữa thì thị trường sẽ "sập", anh Khánh nhận định.
"Mắc cạn" vì "lướt sóng"
Vào thời điểm hiện nay, chính dân đầu cơ đẩy giá đất lại đang chịu thất bại thảm hại khi mà thị trường "đóng băng", tính thanh khoản đất đấu giá rất thấp. Chị Thu, một người chuyên đi gom đất đấu giá tại Hà Đông tâm sự: "May mà tôi đã bán hết hàng từ tháng 5, chứ để đến giờ này là "chết". Chị Thu phân tích, mỗi một lô đất đấu giá khi mua lại của "cò" trúng đấu giá, ít nhất phải bỏ ra 300 trăm triệu cho tới cả tiền tỷ chênh lệch. Sau đó, chờ cho giá lên cao, tìm khách bán lại. Nhưng, giá rớt, thậm chí như hiện nay, thị trường "trăm người bán, không người mua" mà chủ đầu tư là quận Hà Đông lại giục đóng tiền thì rõ ràng người buôn đất như chị "mắc cạn". Chị Thu bật mý: "Cô bạn tôi ôm 2 lô, giờ có nguy cơ phải mất tiền chênh lệch lên tới hơn 1 tỷ bởi không bán lại được trong khi không có tiền đóng cho chủ dự án. Mà không đóng thì họ sẽ hủy kết quả trúng lô đất đó, thu hồi để bán đấu giá cho đợt sau". Việc bỏ cọc những lô đất trúng đấu giá ở Hà Đông đã được lãnh đạo UBND quận Hà Đông thừa nhận: "Tại khu đất đấu giá Ngô Thì Nhậm, có nhiều người trúng nhưng không hiểu vì sao bỏ cọc, không nộp tiền nhận đất, nên đúng quy định, sau một thời gian không nộp tiền chúng tôi hủy kết quả trúng thầu, để đấu giá lại".
Tương tự như vậy, UBND huyện Gia Lâm cũng thông báo: "Hộ dân nào trúng đất đấu giá nhưng quá hạn quy định mà không nộp tiền, sẽ cho hủy kết quả để đấu giá lại". Thực tế cho thấy, rất nhiều dân đầu cơ "lướt sóng" đất đấu giá ở Gia Lâm bị "mắc cạn". Một nhân viên môi giới nhà đất ở thị trấn Trâu Quỳ cho biết: "Có thời điểm, dân đầu cơ lướt sóng phải bỏ tới gần 1 tỷ đồng để mua lại suất trúng đấu giá. Nhưng từ tháng 6, thị trường đóng băng, không có khách hỏi mua, trong khi đó, tiền phải đóng cho chủ đầu tư là UBND huyện đã lên tới 2,5 tỷ đồng/lô. Không kịp bán lại, rất nhiều người mất trắng vài trăm triệu tới cả tỷ đồng tiền vốn mua chênh lệch. Buôn đất đấu giá đã hết thời rồi".
Chính vì "thua đau", nên gần đây, các phiên đất đấu giá của thành phố Hà Nội đã vắng hẳn dân đầu cơ. Điển hình nhất là hai phiên đấu giá đất vào cuối tháng 8 vừa qua tại xã Tráng Việt, Mê Linh. Cách đây đây 3 tháng, đất ở Mê Linh "sốt", giá tăng hàng ngày vậy mà giờ đây cả hai phiên đấu, số lượng người tham chỉ gần 70 người, giá sàn phê duyệt là 7 triệu đồng/m2, giá trúng thầu là 8,5 triệu đồng/m2. Phóng viên đã trò chuyện với một tay buôn bất động sản, chuyên đi đấu giá đất nhằm bán lại lấy lời. Trả lời câu hỏi tại sao không tham gia một số phiên gần đây, anh ta thẳng thắn: "Chúng tôi chẳng dại gì mà đi đấu giá vào lúc này bởi thị trường ảm đạm, bán lại cũng chẳng ai mua, mà bỏ vốn ra để nộp cho chủ đầu tư cũng tốn tới vài tỷ đồng mỗi lô, rất phí vốn".
Từ việc tìm hiểu hiểu thực tế những "chiếc bẫy" mà dân buôn đất giăng ra trong những phiên đấu giá, lời khuyên cho những người thực sự có nhu cầu mua đất đấu giá để xây nhà là hãy bình tĩnh và tỉnh táo chọn cơ hội. Người đi đấu giá hãy đánh giá đúng thực tế xem giá cả như thế nào thì tương xứng với lô đất đó, đừng bị cuốn theo giá của những tay "cò" đất bởi phần lớn dân "cò" đất trả giá cao để trúng nhưng sẵn sàng bỏ cọc khi không bán lại được. Chỉ những người có nhu cầu mua thực sự mới bị thiệt thòi bởi bỏ cọc thì tiếc tiền mà chấp nhận mua thì mua phải giá ảo mà "cò" đất đã thổi lên.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: