Bình Chánh phải xây dựng quy hoạch địa điểm kinh doanh VLXD trên địa bàn huyện để quản lý theo pháp luật.
Mới đây, UBND huyện Bình Chánh (TP.HCM) đã có Thông báo số 1135 thu hồi, hủy bỏ Thông báo số 443 (ngày 22-4-2010) về tạm ngưng cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD) tại ba xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Bình Hưng.
Trái quy định và gây bất bình đẳng
Ngày 19-6-2010, báo Pháp Luật TP.HCM có bài viết “Sợ xây dựng không phép, cấm đủ thứ”, phản ánh thông tin UBND huyện Bình Chánh ban hành Thông báo 443 nêu trên ảnh hưởng đến quyền kinh doanh của các hộ dân. Lãnh đạo huyện Bình Chánh giải thích: Ba xã này được xem là điểm nóng về xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp. Mặt hàng VLXD có liên hệ mật thiết với hành vi xây dựng không phép, dễ tạo thành một vòng tròn khép kín “phân lô đất nông nghiệp, tập kết vật tư, xây dựng trái phép và mua bán”. Để chấn chỉnh tình hình vi phạm xây dựng tại ba xã này, huyện buộc phải tạm ngưng giải quyết cấp phép đăng ký kinh doanh mặt hàng này, kể cả ngành trang trí nội thất, mua bán sơn bột, gạch lát nền...
Sau khi báo đăng, tháng 6-2010, Sở Tư pháp TP có văn bản trao đổi về tính hợp pháp của Thông báo 443, Sở Tư pháp nhận thấy Thông báo có dấu hiệu trái pháp luật. Cụ thể, theo Nghị định 59/2006 quy định chi tiết Luật Thương mại thì VLXD được quy định là loại hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện, địa điểm đặt cơ sở kinh doanh phải phù hợp với mạng lưới phát triển kinh doanh, hàng hóa, dịch vụ có điều kiện. Tại TP.HCM, UBND TP đã ban hành Chỉ thị số 17/2008 giao UBND các quận, huyện phối hợp các sở, ngành liên quan thực hiện quy định khu vực, đường phố, địa điểm kinh doanh VLXD phù hợp quy hoạch.
Thông báo tạm ngưng cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh VLXD tại xã Bình Hưng đã được huyện Bình Chánh bãi bỏ. (Ảnh chụp chiều 11-10) Ảnh: HTD |
“UBND huyện Bình Chánh chưa có quy định về khu vực, đường phố, địa điểm kinh doanh VLXD làm cơ sở điều chỉnh cho hoạt động này nhưng lại ngưng không cho đăng ký kinh doanh... Trong khi đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư vẫn tiến hành giải quyết cho các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh VLXD nếu đủ hồ sơ hợp lệ, không loại trừ doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trên địa bàn ba xã này” - Sở Tư pháp phân tích. Từ đó, Sở Tư pháp nhận xét: Huyện Bình Chánh ra văn bản thông báo tạm ngưng cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngành VLXD tại ba xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B và Bình Hưng là gây ra sự bất bình đẳng trong kinh doanh.
Ngoài ra, theo Sở Tư pháp, các dịch vụ trang trí nội thất hoặc các ngành liên quan đến VLXD nhưng không phải là hàng hóa dịch vụ kinh doanh có điều kiện cũng bị tạm ngưng đăng ký kinh doanh là ảnh hưởng đến quyền đăng ký kinh doanh. “Nghị định 88/2006 về đăng ký kinh doanh nghiêm cấm việc ban hành và quy định không đúng thẩm quyền về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện… HĐND và UBND các cấp không được ban hành các quy định về đăng ký kinh doanh áp dụng riêng cho địa phương mình” - Sở Tư pháp dẫn thêm cơ sở pháp lý.
Phải lập quy hoạch ngành VLXD
Cuối tháng 8, Sở Tư pháp đã tổ chức cuộc họp với sự tham dự của đại diện của huyện Bình Chánh và Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương về Thông báo 443. Tại cuộc họp, Phòng Tư pháp huyện Bình Chánh trình bày bức xúc của địa phương trước tình hình xây dựng không phép tại ba xã này nên cho rằng cần phải có những biện pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, đại diện huyện Bình Chánh báo cáo vẫn sẽ chủ động thu hồi, hủy bỏ thông báo trên.
Ngay sau đó, Phòng Tư pháp huyện đã có báo cáo và Văn phòng UBND huyện Bình Chánh sau cùng đã quyết định thu hồi, hủy bỏ Thông báo 443 như đã nói trên.
Ông Đoàn Nhựt, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết huyện đang thực hiện việc lập, ban hành quy định về khu vực, đường phố, địa điểm kinh doanh VLXD trên địa bàn. Về địa điểm kinh doanh VLXD thì huyện chủ trương không quy định diện tích mà quy định vị trí cách trường học, cơ sở y tế, giao lộ… “Trước mắt, huyện đã giao Phòng Công thương soạn dự thảo này, tuy nhiên phòng chưa làm xong” - ông Nhựt nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: