“Việc quản lý, sử dụng đất đai luôn được đánh giá là một trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ và biểu hiện tham nhũng”.
Việc tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng đất ở nhiều địa phương còn bất cập đã tạo kẽ hở tham nhũng, trục lợi cho nhiều tổ chức, cá nhân . Ảnh Đ.H.
|
Trên đây là ý kiến phát biểu của ông Lê Quốc Trung, Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên- Môi trường tại Hội nghị “Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng” do Bộ Tài nguyên- Môi trường tổ chức ngày 20-1.
Tại hội nghị, ông Lê Quốc Trung cũng cho biết: Trong thời gian qua, việc tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng đất ở nhiều địa phương còn bất cập đã tạo kẽ hở tham nhũng, trục lợi cho nhiều tổ chức, cá nhân như: Việc thực hiện giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất không theo quy hoạch mà chạy theo nhu cầu của nhà đầu tư; lợi dụng thẩm quyền để lập hoặc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng nhằm trục lợi.
Theo ông Trung: Trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dễ phát sinh hành vi tham nhũng của các cán bộ trong thực thi công vụ, đặc biệt, đối với cán bộ thuộc cấp huyện, thị xã, thị trấn, xã/phường ở các tỉnh/thành phố có tốc độ đô thị hóa cao. Các hành vi tham nhũng có liên quan tới chuỗi quy trình thực hiện việc cấp giấy chứng nhận như: Cán bộ thực hiện gây khó dễ; thời gian đánh giá và phê duyệt hồ sơ của quy trình này bị kéo dài so với thời hạn quy định.
Trong công tác thu hồi, giao đất cho thuê đất, bồi thường giải phóng mặt bằng tình trạng tham nhũng diễn ra khá phổ biến dưới nhiều hình thức khác nhau, như: Gian lận trong việc lập phương án bồi thường; xác nhận thời điểm sử dụng đất, vị trí đất, diện tích đất có sự thỏa thuận với người dân để chia lợi hoặc phê duyệt giá giao, cho thuê có lợi cho chủ đầu tư.
Việc xác định giá đất khi giao đất, cho thuê đất ở các địa phương chưa sát với giá thị trường đã làm lợi cho doanh nghiệp, tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.
Việc định giá trị tài sản của doanh nghiệp và quyền sử dụng đất khi thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp: Ở nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa, tài sản này bị thất thoát bằng nhiều hình thức như: Doanh nghiệp không tính hoặc tính thiếu giá trị sử dụng đất; sử dụng lãng phí, cho thuê, mượn sai quy định.
Đánh giá về tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, ông Lê Thanh Khuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên- Môi trường) cho biết: Hiện đất đai là một trong những lĩnh vực tham nhũng nhiều nhất. Để phòng ngừa tham nhũng trong lĩnh vực đất đai nên có sự phối hợp giữa các ngành có liên có quan. Bởi một dự án được đầu tư liên quan đến quy hoạch, kiến trúc, quy hoạch sử dụng đất… nên cần phải xác định tham nhũng ở đâu để có hướng xử lý.
Ông Khuyến cũng đánh giá: Theo Luật Đất đai 2013, quản lý đất đai được phân cấp cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh nên việc tự kiểm tra của các cán bộ cấp dưới vẫn không thể giải quyết tình trạng tham nhũng. Ngoài ra, các thủ tục liên quan đến đất đai vẫn còn rườm rà, phức tạp chưa thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp nên đã nảy sinh tham nhũng.
Theo ông Trung để giải quyết tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực đất đai cần công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, qua đó tăng cường tính công khai, minh bạch đảm bảo sự tham gia của người dân trong việc quản lý, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tăng cường giao đất có thu tiền sử dụng đất cho thuê đất đối với các tổ chức kinh tế, xã hội…
DiaOcOnline.vn - Theo Hải quan
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: