Theo Quy hoạch chung đến năm 2025, một trong hai hướng phát triển của TP Hồ Chí Minh là phía Nam tiến ra biển. Từ những năm 1990, thành phố đã xây dựng khu chế xuất Tân Thuận, Khu đô thị mới Nam Sài Gòn… và đầu năm nay đường Rừng Sác - Cần Giờ hoàn thiện - thêm một bước phát triển để TP Hồ Chí Minh tiến về phía Nam, đánh thức tiềm năng kinh tế biển.
Thành phố tiến ra biển
Cần Giờ những ngày đầu năm Tân Mão mang một bộ mặt mới khi con đường Rừng Sác được khánh thành. Tuyến đường bắt đầu từ bến phà Bình Khánh và kéo dài hơn 31km đến ngã tư 30-4 thuộc xã Long Hòa rộng 6 làn xe, 8 cây cầu với tải trọng 30 tấn. Huyện Cần Giờ đã được kéo gần về thành phố bởi thời gian từ đây vào trung tâm đã rút ngắn được một nửa, chỉ còn khoảng 60 phút.
Tuyến đường Rừng Sác hoàn thành đã góp phần đưa thành phố tiến ra biển. |
Theo Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình huyện Cần Giờ, đơn vị chủ đầu tư, tổng vốn làm đường kể cả đền bù giải tỏa là 1.561 tỷ đồng. Tuyến đường Rừng Sác hoàn thành đã góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông, đưa Cần Giờ về gần với thành phố và thành phố tiến gần biển hơn. Tại buổi lễ thông xe giai đoạn 1 vào đầu năm 2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đánh giá đây là công trình hết sức đặc biệt tạo ra nhiều chuyển biến mới cho huyện Cần Giờ và TP Hồ Chí Minh, là cánh tay nối dài của TP ra biển Đông.
Bộ GTVT cũng đã phê duyệt xây dựng cầu Bình Khánh dài 3,8km để xóa bỏ "chướng ngại" cuối cùng giữa Cần Giờ với thành phố là phà Bình Khánh hiện nay. Ông Đoàn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, các tuyến đường trong huyện kết nối các xã Bình Khánh, Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp, Thạnh An… cũng đang được nâng cấp mở rộng, trải nhựa…
Phát triển du lịch sinh thái
Qua phà Bình Khánh, đặt chân đến điểm đầu của tuyến đường Rừng Sác như cảm thấy một "thế giới" khác hẳn khi những ồn ào bụi bặm đã biến mất sau lưng, thay vào đó là những cánh rừng ngập mặn: rừng đước, mắm, bần… trải dài mang lại không khí thanh bình, yên ả. Thị trấn Cần Thạnh xinh xắn tạo cảm giác càng yên bình làm nên một sức hút mới cho Cần Giờ.
Cần Giờ có lợi thế du lịch sinh thái khi có tới gần 38.000ha rừng ngập mặn đa dạng, phong phú về thực vật, động vật. Năm 2000, Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận rừng ngập mặn Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển thế giới. UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã quy hoạch xây dựng huyện trở thành một khu đô thị du lịch biển có quy mô lớn, với nhiều mô hình sản phẩm vừa gần gũi với thiên nhiên để tận dụng khai thác nguồn sinh vật biển dồi dào, đa dạng; vừa mang ý nghĩa lịch sử của khu Rừng Sác…. Và tuyến đường Rừng Sác là bước đi đầu tiên cho những dự án lớn về du lịch biển.
Ông Huỳnh Cách Mạng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, trong năm 2011 có tới 30 dự án khu đô thị - du lịch - nhà vườn đi vào hoạt động, hàng chục dự án khu đô thị sinh thái khác đang tiếp tục triển khai. Dự án khu du lịch biển Cần Giờ (Saigon Sunbay) rộng 600ha tại xã Long Hòa (trong đó phần diện tích lấn biển là 200ha) với tổng đầu tư lên đến 600 triệu USD theo kế hoạch cũng sẽ hoàn thiện 100ha trong năm nay.
UBND huyện Cần Giờ đang tiếp tục kêu gọi đầu tư, trong đó ưu tiên cho du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, huyện cũng đang khuyến khích các cơ sở phục vụ du lịch hiện có nâng cấp dịch vụ tốt hơn để hài lòng khách du lịch có nhu cầu nghỉ dưỡng cao cấp.
Một trong những lo lắng của các nhà bảo tồn thiên nhiên là việc xây dựng các khu du lịch làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái của Cần Giờ. Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Cần Giờ nhiệm kỳ 2010-2015 mới đây, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân khẳng định, chủ trương của thành phố là bảo vệ sự nguyên vẹn của khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Vì vậy, những dự án đầu tư sẽ được chọn lựa kỹ theo hướng bền vững, phát triển kinh tế đi cùng với việc giữ gìn khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: