Top

Dân ‘kêu trời’ vì bị treo trong dự án hơn một thập kỷ

Cập nhật 08/02/2018 09:47

 Đã 12 năm trôi qua, những hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án vẫn không nhận được câu trả lời chính xác của chính quyền địa phương.

Dự án trường Mạc Đĩnh Chi khiến cho gia đình bà Khánh sống 12 năm với cảnh không biết bao giờ gia đình của mình bị giải toả

Một dự án đã được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt từ năm 2006, thế nhưng đến nay, đã 12 năm trôi qua, những hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án vẫn không nhận được câu trả lời chính xác của chính quyền địa phương về việc diện tích đất gia đình mình đang ở liệu có bị nhà nước thu hồi hay không?

Trong đơn khiếu nại gửi đến toà soạn Ngày Nay, bà Trần Thị Khánh – 76 tuổi trú tại số 66 phố Phó Đức Chính, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội cho biết: bà nguyên là giáo viên trường Mạc Đĩnh Chi (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội) đã nghỉ hưu. Hiện gia đình bà đang sinh sống trên diện tích đất khoảng 55m2 mà bà được nhà trường phân cho khi còn làm giáo viên tại trường từ năm 1979, nay là số nhà số 66 Phó Đức Chính.


Dự án trường Mạc Đĩnh Chi khiến cho gia đình bà Khánh sống 12 năm với cảnh không biết bao giờ gia đình của mình bị giải toả

Ngày 30/10/2006, theo quyết định số 4846/QĐ-UBND của Thành phố Hà Nội, gia đình bà Khánh là một trong 3 hộ gia đình thuộc diện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để giải phóng mặt bằng, phục vụ việc thực hiện dự án xây dựng trường THCS Mạc Đĩnh Chi. Trước chủ trương của nhà nước, gia đình bà Khánh cùng 2 hộ còn lại rất ủng hộ và sẵn sàng bàn giao đất, cũng như đồng ý với các phương án đền bù, tái định cư được chính quyền đưa ra.

Tuy nhiên, dù năm 2007, trường THCS Mạc Đĩnh Chi được xây mới 3 tầng khang trang nhưng 3 hộ gia đình này vẫn không nhận được thông báo về việc giải phóng mặt bằng từ chính quyền địa phương. Năm 2017, sau 10 năm xây dựng, dù công trình vẫn còn tốt, niên hạn sử dụng còn dài nhưng UBND quận Ba Đình tiếp tục tiến hành dự án cải tạo và xây dựng trường THCS Mạc Đĩnh Chi với quy mô 5 tầng được xây mới hoàn toàn.

Theo phản ánh, trong quá trình thực hiện dự án này, UBND Quận Ba Đình và UBND phường Trúc Bạch đã có nhiều vi phạm nghiêm trọng. Trong đó, UBND Quận cùng UBND phường không thực hiện quyết định của UBND Thành phố trong việc thu hồi đất do các hộ gia đình đang sử dụng để bàn giao cho Ban quản lý dự án theo quy định.

“Gia đình chúng tôi đã quá khổ sở suốt nhiều năm trời. Bây giờ tôi tuổi cao sức yếu rồi, cũng có nguyện vọng được sống trong căn nhà mới khang trang hơn. Vậy mà sửa chữa nhà không được, chuyển nhượng cũng không xong. Chính quyền không giải quyết bất kỳ nguyện vọng nào về cải tạo nhà ở của gia đình tôi chỉ vì nhà tôi thuộc diện giải phóng mặt bằng. Tôi chỉ mong chính quyền cho tôi và gia đình một câu trả lời chính xác rằng nhà tôi có phải di dời không và nếu có thì khi nào thực hiện?” – Bà Khánh chia sẻ.

Bà Khánh còn cho rằng, chính quyền địa phương tổ chức đo đạc và khảo sát hiện trạng không đúng thực tế, có dấu hiệu bỏ qua diện tích đất của gia đình bà Khánh và sử dụng số liệu từ năm 2007 để lập hồ sơ dự án. Và thông báo số 102/TB-UBND của UBND Quận Ba Đình về việc thu hồi đất để thực hiện dự án là không có căn cứ và không đủ thẩm quyền.


Công trình đã gần hoàn thiện nhưng việc giải phóng mặt bằng vẫn chưa được giải quyết thấu đáo

Cũng theo nội dung đơn, gia đình bà Khánh phản ánh thêm về việc, UBND Quận và UBND Phường không tổ chức bất kỳ cuộc họp cụ thể để thông báo triển khai dự án, hay lấy ý kiến cộng đồng dân cư nào. Dù có 3 hộ thuộc diện giải toả nhưng chỉ có duy nhất 1 hộ nhận được thông báo giải phóng mặt bằng, thu hồi đất từ chính quyền địa phương.

Kèm theo đơn khiếu nại, bà Khánh có gửi kèm theo văn bản số 2550/UBND-ĐT của UBND Thành  phố Hà Nội gửi Sở xây dựng với nội dung đồng ý với đề nghị của Sở xây dựng việc bố trí dự kiến các căn hộ số 1002, 1131 và 1512 tại nhà CT1B Khu đô thị thành phố giao lưu quận Bắc Từ Liêm để 3 hộ dân này thực hiện việc tái định cư. Thế nhưng chỉ duy nhất 1 hộ được chính quyền tổ chức giải phóng mặt bằng theo quy định. Còn gia đình bà Khánh và một hộ gia đình nữa vẫn sống trên đất có quy hoạch treo, không được phép sửa chữa, xây dựng hoặc mua bán.

Đại diện gia đình, anh Đinh Trần Quân – con trai bà Trần Thị Khánh bày tỏ: “Bố mẹ tôi đã lớn tuổi, nhưng luôn đau đáu nỗi lo về nhà cửa suốt hơn chục năm qua. Tôi cũng mong muốn xây sửa lại căn nhà khang trang hơn để bố mẹ tôi an hưởng tuổi già. Hoặc nếu có phải di dời thì cũng được thực hiện sớm để gia đình tôi được sống trong căn nhà mới, yên tâm còn lo đi làm ăn, ổn định cuộc sống. Trường thì đã xây được xong phần thô rồi mà nhà tôi thì vẫn bị quy hoạch treo trên đầu. Hàng ngày tiếng ồn, bụi bặm, đi kèm sự xuống cấp của nhà cửa làm tôi rất lo lắng cho sức khoẻ của các thành viên trong gia đình. Hiện nay gia đình tôi vô cùng mong chờ câu trả lời thoả đáng nhất từ các cơ quan chức năng có liên quan”.

Với những bức xúc này, hiện gia đình bà Khánh cũng như hộ gia đình còn lại rất mong chờ câu trả lời xác đáng của các cơ quan chức năng có liên quan để có thể có những phương án ổn định chỗ ở và yên tâm sinh sống.

DiaOcOnline.vn - Theo Ngày nay