Top

Đại lộ Đông Tây đã nên hình

Cập nhật 01/05/2009 08:15

Trong ngày lễ 30-4, khoảng 1.500 công nhân và kỹ sư vẫn hối hả trên công trường để kịp đưa vào sử dụng đoạn đường dài hơn 13 km cuối năm nay.

Dự án giao thông đại lộ Đông Tây được xem là dự án lớn nhất của TPHCM. Ông Lê Toàn, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM kiêm Giám đốc Ban Quản lý dự án đại lộ Đông Tây và Môi trường nước TP, cho biết đến cuối năm 2009, đoạn đường dài 13,375 km kéo dài từ cầu Calmette (quận 1) đến nút giao thông Quốc lộ 1A (huyện Bình Chánh) sẽ được đưa vào sử dụng, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn TP.

Đang tiến về đích

Dù là ngày nghỉ lễ, nhưng không khí làm việc trên công trường đại lộ Đông Tây vô cùng khẩn trương và tấp nập. Theo ghi nhận của chúng tôi, trong ngày 30-4 có đến 400 công nhân tham gia thi công cầu Chà Và (một hạng mục của dự án) để kịp thông xe vào ngày 19-5.

Còn trên toàn tuyến có khoảng 1.500 công nhân và kỹ sư làm việc trên công trường. Ông Vương Hoàng Thanh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đại lộ Đông Tây, cho biết hầu như trong những ngày lễ, công trường đại lộ Đông Tây không hề nghỉ ngơi như một số dự án khác. Mục tiêu là hoàn thành càng sớm càng tốt dự án để đưa vào sử dụng tuyến đường huyết mạch này.

Từ lúc khởi công vào đầu năm 2005 đến nay, tiến độ của dự án đã đạt 80% và giải ngân được 60% tổng vốn đầu tư. Nói về kế hoạch đưa gói thầu số 1 “Đường phía Tây và mở rộng ven kênh” vào sử dụng, ông Thanh cho biết: “Ngày 2-9-2009 sẽ thông xe toàn bộ phần đường từ rạch Lò Gốm đến nút giao thông Quốc lộ 1A, bao gồm cả các cầu Nước Lên, Rạch Cây, Lò Gốm, cầu vượt nút giao thông Quốc lộ 1A.

Riêng phần đường từ cầu Calmette đến rạch Lò Gốm sẽ thông 3 làn xe phía ven kênh, 3 làn xe còn lại sẽ đưa vào sử dụng cuối năm 2009”. Hiện nay, tiến độ của gói thầu số 1 đã đạt 90%, vì vậy việc thông xe đoạn đường dài 13,375 km là trong tầm tay.



Thi công đại lộ Đông Tây đoạn trước cửa hầm
Thủ Thiêm (quận 1) trong ngày 30-4.


Còn đoạn đường từ ngã ba Cát Lái đến đường Trần Não, theo ông Thanh tuy có chậm hơn gói thầu số 1 nhưng việc thi công vẫn đang tiến hành bình thường. Nguyên nhân chậm do trước đây việc bàn giao mặt bằng bị kéo dài nên việc thi công nhánh cầu vượt B1 tại ngã ba Cát Lái, nối vào Khu Liên hợp TDTT Rạch Chiếc bị chậm theo.

Tính theo tiến độ báo cáo với UBND TP thì đến quý I/2010, đoạn đường dài 8 km với 14 làn xe trên sẽ được đưa vào sử dụng. Riêng hầm dìm Thủ Thiêm dự kiến đến quý III/2010 sẽ có những chuyến xe đầu tiên chạy qua hầm.

Từ 2 giờ xuống còn 45 phút

Theo ông Lê Toàn, đoạn đường dài 13,375 km kéo dài từ cầu Calmette (quận 1) đến nút giao thông Quốc lộ 1A (huyện Bình Chánh) đưa vào sử dụng cuối năm nay, khi đó lượng xe tải, xe container không còn đi xuyên qua nội thị. Do đó thời gian đi từ Đông qua Tây cũng sẽ giảm rất nhiều.

Ông Thanh làm phép tính: “Hiện giờ muốn đi từ xa lộ Hà Nội ra Quốc lộ 1A đã phải mất gần 2 giờ, còn nếu đi bằng đại lộ Đông Tây chỉ mất khoảng 45 phút”. Dĩ nhiên, ngoài việc tiết kiệm thời gian, nhiên liệu, đại lộ Đông Tây còn góp phần rất lớn vào việc giảm ách tắc giao thông xung quanh tuyến đường – một vấn đề nan giải của TP hiện nay.

Bên cạnh đó, việc di dời gần 7.000 hộ dân sống ven kênh vào khu tái định cư giúp cho môi trường cảnh quan dọc kênh Tàu Hũ – Bến Nghé (phía Bắc) đẹp hơn rất nhiều, không còn cảnh nhà lụp xụp, vứt rác xuống kênh gây ô nhiễm... Đại lộ Đông Tây cũng là cầu nối kết nối trung tâm TP hiện hữu với khu đô thị mới Thủ Thiêm, gián tiếp đẩy nhanh sự phát triển kinh tế, dân cư ở quận 2 và quận 9.

Trải dài qua 7 quận-huyện

Đại lộ Đông Tây là tuyến đường đi xuyên tâm TP, trải dài qua địa bàn các quận: 1, 2, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh. Toàn tuyến dài 21,89 km, điểm đầu giao với Quốc lộ 1A, huyện Bình Chánh; điểm cuối giao với xa lộ Hà Nội, quận 2. Tổng vốn đầu tư cho đại lộ Đông Tây là 9.863 tỉ đồng, trong đó vốn vay ODA từ Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản là 6.393 tỉ đồng.


Hai cây cầu lớn cũng đang dần về đích

Cầu Phú Mỹ sẽ được hợp long vào ngày 19-5 và dự kiến thông xe vào ngày 1-9-2009, rút ngắn thời gian hoàn thành so với tiến độ ban đầu 4 tháng. Đây cũng là công trình đầu tiên của TPHCM hoàn thành trước tiến độ. Cầu Phú Mỹ là cầu dây văng lớn nhất TP, dài trên 2.400 m, có 6 làn xe và 2 lề bộ hành, có thể chịu được động đất cấp 8, các loại tàu thuyền có trọng tải 30.000 DWT dễ dàng lưu thông qua cầu. Tổng mức đầu tư cầu Phú Mỹ là 2.077 tỉ đồng theo hình thức B.O.T do liên danh Bilfinger Berger (Đức) và Bauldestone Hornibrook (Úc) thi công. Sau khi đưa vào sử dụng, cầu Phú Mỹ sẽ giải quyết nhu cầu vận tải vượt sông Sài Gòn giữa khu vực quận 4, quận 7, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh và quận 2, quận 9, gắn kết đường vành đai phía Tây và phía Đông và nối kết trục Đông - Tây của TP.

Một dự án xây cầu không kém phần quan trọng là cầu Đồng Nai mới. Dự kiến lần hợp long nhịp cuối cùng sẽ diễn ra vào ngày 20-10-2009. Tổng Công ty Xây dựng số 1 – đơn vị thi công – đang cố gắng hoàn thành cầu vào cuối năm 2009 theo tiến độ mà Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng yêu cầu để “gánh” bớt lượng xe đang đè nặng cầu Đồng Nai cũ. Theo thiết kế, cầu Đồng Nai mới rộng 20 m, dài 461,6 m, gồm 5 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/giờ, tổng vốn đầu tư 313 tỉ đồng.


DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động