Theo tính toán của Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam thì có khoảng hơn 70% số lô đất tại Thủ Thiêm đã nằm trọn trong tay những đại gia địa ốc.
Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam vừa công bố báo cáo "Thủ Thiêm - thời điểm vàng", trong đó cho biết cách thức phổ biến nhất để tiếp cận quỹ đất tại Thủ Thiêm từ Chính phủ là thông qua hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), các lô đất được cấp cho các nhà đầu tư để đổi lấy việc xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu đô thị mới. 45% tổng diện tích có thể phát triển đã được chính thức phê duyệt thông qua hợp đồng BT.
Hình thức giao đất
Trong đó Đại Quang Minh (ĐQM), nhà đầu tư tiên phong vào Thủ Thiêm với một loạt những dự án lớn đang triển khai cả về hạ tầng lẫn khu dân cư thông qua hình thức BT. Về đầu tư hạ tầng, ĐQM sẽ chịu trách nhiệm xây dựng bốn tuyến đường chính.
Cụ thể là đại lộ vòng cung, đường ven hồ trung tâm, đường ven sông Sài Gòn và đường châu thổ qua khu lâm viên sinh thái phía Nam, cầu Thủ Thiêm 2 và cầu đi bộ. Dự án đầu tư xây dựng quảng trường trung tâm (quy mô khoảng 20 ha) và công viên bờ sông (khoảng 9 ha) đang được nhà đầu tư triển khai lập đồ án quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1:500.
Tương tự, Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) đã được nhận khoảng 90.000 m2 đất sử dụng ổn định lâu dài (để xây dựng nhà ở) và 6.000 m2 đất sử dụng 50 năm (để xây dựng văn phòng cho thuê), trả tiền thuê đất một lần cho toàn thời gian thuê. Đổi lại, CII sẽ đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc-Nam (đoạn từ chân cầu Thủ Thiêm 1 đến đường Mai Chí Thọ) trong khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt cũng đã được UBND cho phép nghiên cứu đề án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 nối khu đô thị Thủ Thiêm và đường Nguyễn Văn Linh, quận 7.
Ngoài ra, có thể tiếp cận quỹ đất Thủ Thiêm thông qua hình thức đấu thầu. Năm 2011, chính quyền thành phố bắt đầu đấu thầu các lô đất đầu tiên. Tính đến năm 2016, 10% diện tích có thể phát triển đã được chuyển giao thông qua quá trình đấu thầu cho các tập đoàn khác nhau, chủ yếu là các nhà đầu tư quy mô lớn.
Theo thông báo từ ban quản lý Thủ Thiêm, 16% trong tổng diện tích có thể phát triển sẽ được mời thầu trong thời gian tới đây, đáng chú ý nhất trong kế hoạch mời thầu này là năm lô trong khu chức năng số 2a.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất cản trở khu đô thị Thủ Thiêm phát triển thần tốc chính là việc thực hiện các thủ tục hành chính xin giấy phép đầu tư. Theo JLL, hiện vẫn còn khoảng 62% trên tổng diện tích sàn chưa được tiến hành xây dựng.
Hầu hết dự án đã xây dựng tại Thủ Thiêm hiện nay là các dự án nhà ở. Ngoài dự án thương mại phức hợp Thaco của ĐQM sắp được hoàn thành vào đầu năm 2018, vẫn chưa có thêm kế hoạch phát triển dự án thương mại nào được ghi nhận tại khu vực này.
Giá đất ở Thủ Thiêm đã tăng khoảng 30%-40% trong vòng ba năm trở lại đây.
|
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: