Top

Đại gia “bốc hơi” 600 tỷ đồng vì dịch, doanh nghiệp địa ốc thi nhau phá sản

Cập nhật 17/03/2020 09:00

Doanh thu sụt giảm lớn, trong khi chi phí duy trì hoạt động vẫn phải “đều đều” đang vắt kiệt sức doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

Cục quản lý đăng ký kinh doanh nhận xét, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tiếp tục phải đối mặt nhiều khó khăn, có thể dẫn đến xu thế một số doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường.

Doanh nghiệp "điêu đứng" vì dịch

Vật lộn trước khó khăn từ tác động của Covid-19, một doanh nghiệp bất động sản có quy mô lớn có trụ sở ở Hà Nội ước tính “bốc hơi” khoảng 600 tỷ đồng trong 3 tháng, tính từ thời điểm đầu năm nay.

Ngoài kinh doanh bất động sản phân khúc nhà ở, doanh nghiệp này “điêu đứng” khi lĩnh vực kinh doanh du lịch, khách sạn bị đóng băng khi là chủ hệ thống khách sạn lớn có mặt tại nhiều tỉnh thành.

Doanh thu sụt giảm lớn, trong khi chi phí duy trì hoạt động kinh doanh vẫn phải “đều đều” đang vắt kiệt sức doanh nghiệp.

Ông chủ tập đoàn này cho biết, 600 tỷ đồng là cho các chi phí duy trì, vận hành, nhân sự, điện nước và khoản đặt cọc booking phải hoàn trả lại cho các đại lý và khách vì lý do bất khả kháng...

Không thể phủ nhận, Covid -19 đã và đang tạo ra những mảng tối cho bất động sản. Trong đó, tác động mà Covid-19 rõ nhất tới bất động sản, đó là ở phân khúc bất động sản du lịch.

Báo cáo vừa công bố của CBRE cho biết, lượng khách quốc tế sụt giảm, du lịch Châu Á lao đao. Số lượng khách từ Trung Quốc và Hàn Quốc, nguồn khách chủ yếu của thị trường du lịch Việt Nam (chiếm đến 56% lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam năm 2019) sẽ giảm đi đáng kể do việc hạn chế các chuyến bay đến từ vùng dịch.

Khách du lịch nội địa cũng sẽ tạm hoãn lại các kế hoạch du lịch (trong nước lẫn nước ngoài) của họ. Ban cố vấn Du lịch Việt Nam dự đoán mức thất thoát doanh thu du lịch có thể từ 7 đến 15 tỷ USD.

“Thị trường khách sạn Việt Nam sẽ phải chịu ảnh hưởng lớn trong quý 1/2020. Mặc dù hai tháng đầu năm được xem là mùa cao điểm của thị trường khách sạn”, CBRE cho biết.

Các phân khúc bất động sản khác cũng không hề “miễn dịch” trong thời điểm này. Một số khách thuê văn phòng đã hoãn lại các quyết định thuê mặt bằng, các cửa hàng bán lẻ đang chịu áp lực từ việc sụt giảm đáng kể lượng khách mua sắm và những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, kho vận đang chật vật với các đơn hàng...

Bản thân các doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó, còn các nhà đầu tư thì đang chuyển sang tâm thế chờ đợi xem tình hình sẽ như thế nào trước khi đưa ra quyết định.

Số liệu thống kê chưa đầy đủ của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam thì có tới khoảng 500 sàn giao dịch phải tạm dừng hoạt động một phần vì vẫn còn hàng để bán và còn hợp đồng đã ký kết với chủ đầu tư. Số sàn hoạt động tốt chỉ khoảng 150-200 sàn. Có khoảng 300 sàn phải đóng cửa do chủ đầu tư không mở bán sản phẩm vì lo ngại dịch bệnh Covid-19.

“Không có hàng bán thì cũng phải cho nhân viên nghỉ, có hàng nhưng dịch bệnh hoành hành không bán được thì cũng phải nghỉ để tiết giảm chi phí, duy trì sống sót đến khi hết dịch”, lãnh đạo Hội môi giới nói về tình trạng khó khăn của thị trường bất động sản.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản rời bỏ thị trường

Theo báo cáo mới nhất của Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, trong 2 tháng đầu năm 2020, kinh doanh bất động sản là một trong 3 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2019.

Không chỉ giảm số lượng doanh nghiệp "chào đời", trong danh sách doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tuy chiếm tỷ trọng nhỏ (2,6%) nhưng có tỷ lệ tăng cao nhất, lên tới 75,5%.

Về tình hình doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 2 tháng đầu năm 2020, một thông tin khá buồn, bất động sản lại tiếp tục là lọt top ngành kinh doanh chính có số lượng doanh nghiệp giải thể tăng.

Cụ thể theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, lĩnh vực bất động sản tuy chiếm tỷ trọng có 5,2% trong tổng số doanh nghiệp giải thể nhưng có tỷ lệ tăng cao nhất, lên tới 53,7%.

“Số liệu này cùng với số liệu doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng có thời hạn nêu trên cho thấy doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tiếp tục phải đối mặt nhiều khó khăn, có thể dẫn đến xu thế một số doanh nghiệp phải rời bỏ thị trường”, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết.

Trước đó, năm 2019, thị trường bất động sản đã xuất hiện nhiều khó khăn. “Khó chồng khó", việc xuất hiện đại dịch được đánh giá như một cú “bồi” khiến thị trường này dính “đòn đau". Những doanh nghiệp vốn khoẻ mạnh cũng trở thành khó khăn, những doanh nghiệp đang yếu có nguy cơ "gục hẳn".

Báo cáo kết thúc năm 2019 của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho thấy, trong 14 ngành kinh doanh chính có sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, kinh doanh bất động sản đứng vị trí đầu bảng. Cụ thể, số lượng doanh nghiệp bất động sản đăng ký tạm ngừng hoạt động năm 2019 là 598 doanh nghiệp, tăng tới 36,8%. Không chỉ có sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng đăng ký tạm ngừng hoạt động, lượng doanh nghiệp bất động sản hoàn tất thủ tục giải thể cũng chiếm vị trí đầu bảng.

DiaOcOnline.vn – Theo Dân trí