Công ty đo vẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản vẽ nhưng nhiều quận, huyện buộc phải kiểm tra xong mới tin.
Để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (gọi tắt là giấy chứng nhận), nhiều trường hợp phải vẽ lại bản vẽ nhà đất. Tại nhiều địa phương, người dân phải chờ cả tháng trời, thậm chí lâu hơn mới có được bản vẽ.
Dân than, công ty cũng than
Bà Lê Thị T. mới mua một căn nhà tại phường 2, quận 8. Theo Nghị định 88/2009, mỗi khi mua bán nhà cơ quan cấp giấy phải cấp luôn giấy mới cho bên mua. Nhà bà T. thuộc trường hợp phải vẽ lại bản vẽ nhưng gần một tháng trời vẫn chưa xong. Gọi đến công ty đo vẽ bà mới biết bản vẽ đã được nộp cho quận hai, ba tuần nay nhưng vẫn chưa xong do phải lấy thông tin quy hoạch và đóng dấu kiểm tra nội nghiệp. “Mỗi khâu đều có biên nhận ghi ngày nhận nhưng không ghi ngày trả nên chúng tôi không biết làm sao hứa với khách hàng. Quận có chậm trễ công ty cũng không dám gây áp lực. Chưa kể chúng tôi còn phải đóng lệ phí mỗi khâu 50.000-100.000 đồng” - nhân viên một công ty đo vẽ ở quận 8 cho hay.
Tương tự quận 8, ở Hóc Môn, một bản vẽ hoàn chỉnh bắt buộc phải qua hai cửa: Phòng Quản lý đô thị để cung cấp thông tin quy hoạch và Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) để kiểm tra nội nghiệp. Một số quận khác như 7, 11, Tân Bình… chỉ yêu cầu bản vẽ phải được kiểm tra nội nghiệp trước khi công ty đo vẽ trao trả cho khách hàng để làm thủ tục cấp giấy. Chỗ khác không kiểm tra nội nghiệp bản vẽ (như Tân Phú) thì yêu cầu phải có thông tin quy hoạch.
Người dân Gò Vấp đang hỏi thủ tục làm bản vẽ cấp giấy chứng nhận. Ảnh: Cẩm Tú |
Tại sao cấp đổi giấy mới phải vẽ lại bản vẽ?
Điều này chỉ xảy ra trong trường hợp cấp đổi các giấy chứng nhận cũ, như giấy hồng theo Nghị định 60/1994 và các loại giấy trắng. Các loại giấy được cấp gần đây như giấy hồng Nghị định 90/2006 thì không cần phải vẽ lại khi đổi sang giấy mới theo Nghị định 88/2009. Lý do: giấy cũ được vẽ theo bản đồ cũ (bản đồ 02, bản đồ không ảnh…), còn yêu cầu sau này là phải quản lý đất đai trên nền bản đồ địa chính. Hai loại bản đồ cũ và mới khác biệt hoàn toàn, không thể áp tài liệu cũ cho bản vẽ giấy mới. Tuy nhiên, số lượng các loại giấy cần phải vẽ lại bản vẽ quá lớn, chiếm đa số trong các loại giấy đang có mặt.
Riêng giấy đỏ theo Nghị định 181/2004 tuy mới đây nhưng phải vẽ lại là do giấy này chỉ thể hiện diện tích đất và tầng trệt căn nhà nên không đủ, không đúng như thực tế.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: