Top

Những dấu hỏi về một dự án giao thông trọng điểm - Bài 1:

Từ những thay đổi…

Cập nhật 05/06/2010 15:50

Sau hơn 2 năm khởi công, dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài vẫn rơi vào bế tắc vì những khiếu nại của người dân về chính sách đền bù giải tỏa cũng như sai phạm trong điều chỉnh hướng tuyến trái với quyết định đã duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Mới đây đoàn Thanh tra Chính phủ đã chính thức vào cuộc để làm rõ những khiếu nại của người dân.


Khu dân cư này sẽ bị giải tỏa (tại phường 2, quận Tân Bình) do né các dãy nhà xây không phép.

Trước những đòi hỏi cấp thiết về giao thông đô thị, việc kêu gọi đối tác thực hiện các dự án giao thông trên địa bàn TP Hồ Chí Minh được xem là giải pháp khả thi. Thế nhưng, mâu thuẫn giữa quy hoạch và sự điều chỉnh không hợp lý của chính quyền địa phương đã dẫn đến những rắc rối, người dân vẫn liên tiếp khiếu kiện.

Từ thay đổi nhà đầu tư…


Năm 1997, tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài có lộ giới 60m, được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thực hiện theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (B.O.T). Nhà đầu tư cho con đường này cũng được xác định là Công ty Multi Usage Holdings Berhad (MUH) của Malaysia, với chi phí đầu tư xây dựng là 210 triệu USD. Chi phí này được MUH tính cho các hạng mục kỹ thuật, kinh phí duy tu, bảo dưỡng, xây dựng các công trình phục vụ khai thác quản lý đường trong thời gian 30 năm, các khoản thuế phải nộp cho ngân sách. Cũng trong báo cáo tiền khả thi, MUH đã chọn Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Bộ GTVT) cùng tham gia liên doanh thực hiện dự án, với tỷ lệ góp vốn là 5%. Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế châu Á, dự án phải tạm ngừng vì MUH thiếu vốn đầu tư.

Đến năm 2004, TP Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin chấp thuận chủ trương thay đổi phương thức đầu tư cũng như chủ đầu tư dự án. Theo đó, dự án được đổi quy trình đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (B.T), với giá trị đầu tư tăng lên 340 triệu USD. Cụ thể, nhà đầu tư Công ty GS Engineering & Construction (Hàn Quốc) sẽ thực hiện toàn bộ con đường này kể cả việc đền bù giải tỏa theo phương án thiết kế cũng như dự toán của chính quyền TP Hồ Chí Minh đưa ra. Sau khi chuyển giao công trình, công ty sẽ không nhận phí hoàn trả mà xin được đầu tư xây dựng các khu dân cư thương mại, dịch vụ trên các phần diện tích đất có giá trị sử dụng ngang với chi phí đã bỏ ra để xây dựng công trình. Đổi lại GS sẽ được xây dựng dự án kinh doanh bất động sản trên 5 khu đất, với tổng diện tích hơn 1 triệu mét vuông thuộc các vị trí có lợi thế kinh doanh cao như phường Thảo Điền, phường Thủ Thiêm (quận 2); đường Lý Thường Kiệt (quận 10); Khu Long Bình (quận 9)... Lễ ký kết hợp đồng B.T được thực hiện ngày 26-7-2007.

… đến thay đổi hướng tuyến


Ngay sau khi thông tin về chuyện đổi 5 khu đất lấy 1 con đường được các phương tiện thông tin đại chúng công bố, dư luận người dân địa phương cho rằng: Nếu như đem 5 khu đất đấu giá công khai để chọn nhà đầu tư thì số tiền thu được chắc chắn sẽ cao hơn nhiều lần so với giá trị đầu tư tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài. Vì trên thực tế, thời điểm UBND TP Hồ Chí Minh ký hợp đồng B.T dự án này, thị trường địa ốc đang vào giai đoạn sôi động. Bằng chứng là riêng khu đất tam giác Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học chỉ rộng hơn 13.000m2, với hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đã thu được trên 6.818 tỷ đồng.

Tuy nhiên vấn đề khiến dư luận bức xúc là tại sao TP Hồ Chí Minh đổi hướng tuyến từ một con đường rộng 60m thành hai đường nhánh rộng 20m. Đặc biệt hơn, công việc được tiến hành khi chưa có quyết định chính thức cho phép điều chỉnh quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, phương án "chuyển hướng" tuyến đường từ sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình) đến đường Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp) dài 1,53km sẽ được chia theo hai đường nhánh: Nhánh thứ nhất đi theo đường Hồng Hà, qua công viên Gia Định với lộ giới 20m; nhánh thứ hai đi theo đường Bạch Đằng, với lộ giới 20m. Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh giải thích rằng, đoạn đường này đã được Thủ tướng đồng ý điều chỉnh thành đường đô thị, không còn bị chi phối bởi quyết định của Thủ tướng và việc điều chỉnh hướng tuyến là nhằm giảm khối lượng đền bù giải tỏa khoảng 3.000 tỷ đồng và tránh xáo trộn đời sống của người dân. Cụ thể: Nếu thực hiện theo phương án tuyến rộng 60m trước đây, chỉ riêng đoạn 1,53km sẽ giải tỏa 392 hộ dân (259 hộ giải tỏa trắng), trong khi thực hiện điều chỉnh thành 2 tuyến nhánh thì số hộ bị giải tỏa là 284 hộ (trong đó 39 hộ giải tỏa trắng).

Cách giải thích trên không thuyết phục người dân vì mãi đến tháng 12-2007, Chính phủ mới chấp thuận chủ trương cho điều chỉnh tuyến vành đai Tân Sơn Nhất - Bình Lợi thành đường đô thị; vậy mà, từ năm 2005, thành phố đã phê duyệt hướng tuyến điều chỉnh thành hai nhánh 20m (?!).

Thực tế cho thấy, hướng tuyến rộng 60m được chọn năm 1997, trước đây chủ yếu là đất công, việc thu hồi đất thuận tiện và ít xáo trộn đến đời sống người dân. Nhưng sau đó, nhà cửa xây dựng trái phép lại mọc lên ngày một nhiều. Hệ quả là người dân hai quận Tân Bình và Gò Vấp bắt đầu khiếu nại vì không đồng tình với phương án điều chỉnh dự án này.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới