Bảy năm trước, năm 2009, khi xây dựng dự thảo Luật thuế nhà, đất, Bộ Tài chính đã đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế nhưng Quốc hội không đồng ý. Nay, bộ này cho biết đang "định hướng" lại sắc thuế này; nhiều khả năng trong năm 2017 chưa thể áp dụng vì phải có thời gian xây dựng, xem xét kỹ, nhưng trong tương lai chắc chắn sẽ phải thu.
![]()
Nguồn: internet
|
Năm ưu điểm của thuế nhà ở 1. Nhà ở nằm cố định, không thể di chuyển nên có căn cứ tính thuế ổn định, bảo đảm chống thất thu có hiệu quả. 2. Thuế suất có thể thay đổi trong phạm vi nhất định, không sợ bị ảnh hưởng đến giá cả, tiền vốn, đời sống tuyệt đại bộ phận tầng lớp dân cư. 3. Việc tổ chức quản lý thu thuế tương đối đơn giản. 4. Số thuế tương đối ổn định mặc dù có biến động về việc định giá nhà ở. 5. Thuế nhà ở bảo đảm chống thất thu thuận lợi, với số thu tương đối ổn định. |
Vì vậy, cũng có thể coi thuế nhà ở là một công cụ có hiệu lực phục vụ yêu cầu quản lý của Nhà nước trong hoàn cảnh sở hữu tài sản còn quá chênh lệch giữa các tầng lớp dân cư. Qua thuế nhà ở, Nhà nước có thể thực hiện việc kiểm kê, kiểm soát, quản lý nhà ở trong xã hội và động viên một phần đóng góp của chủ sở hữu nhà ở có giá trị lớn, có nhiều thu nhập từ tiền cho thuê, chuyển nhượng, góp phần điều hòa thu nhập xã hội, thực hiện nghĩa vụ đóng góp công bằng, khuyến khích sử dụng tài sản nhà ở hợp lý, có hiệu quả.
Kinh nghiệm các nước cho thấy thuế nhà ở rất dễ thu do chủ sở hữu thường muốn công khai đăng ký để được Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu hay quyền sử dụng hợp pháp của mình khi có tranh chấp, kiện tụng… Vấn đề cần được quan tâm là mức đóng góp của chủ sở hữu nhà ở phải được xây dựng hợp lý, phù hợp, nhất là với nhà ở có giá trị lớn khiến người nộp thuế phải bỏ ra nhiều tiền.
Và, thuế nhà ở còn phục vụ yêu cầu điều chỉnh mối quan hệ hợp lý giữa tiêu dùng, đầu tư và tiết kiệm trong đời sống xã hội. Việc đánh thuế vào nhà ở sẽ góp phần hạn chế ý thích muốn tích lũy bằng nhà đất, khuyến khích tăng tiêu dùng hoặc đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Qua đó, góp phần thực hiện tốt chủ trương kích cầu, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Với những lý lẽ đó, việc nghiên cứu ban hành thuế nhà ở là cần thiết, nhằm phát huy tác dụng bổ sung cho thuế đánh vào thu nhập, đánh vào tiêu dùng trong hệ thống chính sách thuế.
Vì sao phản đối?
Thuế nhà ở nhắm vào một số tầng lớp dân cư giàu có nên dễ được sự đồng tình, ủng hộ của đại bộ phận quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến không ủng hộ loại thuế này. Bởi nhà ở (tài sản) được hình thành trong quá trình tích lũy thu nhập đã từng bị đánh thuế thu nhập, khi mua sắm người mua đã phải chịu thuế tiêu dùng nằm trong giá trị (như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt…). Cho nên, nếu thu thuế nhà ở thì người sở hữu sẽ phải chịu hai lần thuế, tức là thuế chồng thuế.
Việc đánh thuế trên tài sản cất giữ là nhà ở, không tạo ra thu nhập mới, vô hình trung đã mang tính tước đoạt một phần tài sản của chủ sở hữu. Nếu xây dựng thuế suất cao thì sau một thời gian dài, có thể coi như chủ sở hữu không còn nắm giữ được tài sản đã có là nhà ở (nhà ở là tài sản của cá nhân được chuyển dần sang tài sản của nhà nước).
Có ý kiến còn lo ngại thuế nhà ở có thể gây ra những tác động không tốt về hiệu quả kinh tế. Vì, nếu thuế suất không hợp lý sẽ làm nản lòng các chủ sở hữu trong việc mạnh dạn, hăng hái lao động, tạo ra nhiều thu nhập để mua sắm nhà cửa.
Bốn lý do Quốc hội không thông Luật thuế nhà, đất
1. Nhà là tài sản gắn liền với công sức, sự tích lũy lâu dài của người dân. Trước khi có được số tiền xây dựng nhà, người dân đã phải thực hiện nghĩa vụ thuế và trong quá trình xây dựng nhà ở, người dân phải thực hiện nghĩa vụ thuế khi mua nguyên vật liệu xây dựng, thi công xây dựng. Việc đánh thuế nhà sẽ dẫn đến thuế chồng lên thuế.
2. Trong bối cảnh nền kinh tế và đời sống người dân trong nước còn nhiều khó khăn, việc áp dụng thêm một sắc thuế có thể sẽ gây tâm lý không đồng thuận.
3. Trên thực tế, việc kiểm soát diện tích, đánh giá giá trị nhà để tính thuế là vấn đề phức tạp, trong khi các điều kiện thực hiện lại chưa sẵn sàng.
4. Theo Hiến pháp thì công dân có quyền sở hữu nhà ở, có quyền xây dựng nhà ở; Luật nhà ở cũng quy định công dân có quyền có chỗ ở thông qua việc tạo lập nhà ở hợp pháp hoặc thông qua việc thuê, mượn, ở nhờ nhà ở theo quy định của pháp luật. Vì vậy phải hết sức cân nhắc khi đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: