Top

“Cung” phân khúc nhà ở khoảng 1 tỉ đồng tăng mạnh

Cập nhật 25/03/2016 11:09

Theo ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng),"vốn cho thị trường bất động sản hiện tại chủ yếu từ ngân hàng. Do đó, nếu tín dụng bất động sản bị cắt đột ngột, thị trường sẽ phản ứng ngay". Với triển vọng lạc quan từ thị trường BĐS trong năm 2015, ông dự báo, M&A bất động sản sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2016. Đáng chú ý, lượng cung ở phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có diện tích vừa và nhỏ, giá bán trên dưới 1 tỉ đồng sẽ tăng đáng kể.

Ảnh minh họa

4 xu hướng phát triển tích cực

Theo ông Vũ Văn Phấn, năm 2015, lượng giao dịch bất động sản tăng gần gấp đôi so với năm 2014. Trong đó, lượng giao dịch tại Hà Nội tăng 70%, lượng giao dịch tại TPHCM tăng gần gấp rưỡi. Giá bất động sản cũng nhích dần lên (tăng 5-6%), tồn kho bất động sản tiếp tục giảm. Tính đến 20.2.2016, tồn kho bất động sản đã giảm hơn 62% so với năm 2013.

Với sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, cùng với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS đang được triển khai thực hiện và bắt đầu triển khai các Luật mới (Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS vừa có hiệu lực từ ngày 01.7.2015), ông Phấn dự báo của thị trường BĐS năm 2016 sẽ có nhiều triển vọng.

Thứ nhất, thị trường BĐS tiếp tục có những chuyển biến tích cực, tiếp tục tăng trưởng; sẽ có sự chuyển hướng đầu tư nhiều hơn vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có quy mô vừa và nhỏ, giá bán trung binh khoảng trên dưới 1 tỉ đồng.

Sắp tới sẽ có sự gia tăng đầu tư vào bất động sản công nghiệp, dịch vụ, văn phòng cho thuê để đón đầu hội nhập, nhất là hội nhập TPP; lượng giao dịch tiếp tục tăng nhưng không đột biến; giá cả tiếp tục ổn định; tại một số dự án có tiến độ tốt, đang chuẩn bị hoàn thành, gần trung tâm, có vị trí đẹp, hạ tầng tốt thì giá bán sẽ có tăng ít nhiều.

Thứ hai, lượng hàng tồn kho tiếp tục giảm, tuy nhiên tốc độ giảm sẽ chậm hơn trước vì chủ yếu tồn kho hiện nay là các dự án ở xa trung tâm, hạ tầng chưa đồng bộ, các căn hộ có diện tích quá lớn, giả cả cao, không phù hợp với nhu cầu, khả năng thanh toán của người dân trên địa bàn.

Thứ ba, xu hướng mua bán sáp nhập doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, chuyển nhượng các dự án bất động sản tiếp tục tăng: Các doanh nghiệp khó khăn sẽ điều chỉnh dự án cho phù hợp hoặc chuyển nhượng dự án; nhiều dự án gặp khó khăn về vốn sẽ được các nhà đầu tư lớn mua lại, thay vì xin cấp mới.

Thứ tư, nhiều dự án trước kia phải tạm dừng sẽ được khởi động trở lại; nhiều dự án mới có vị trí tốt sẽ được khởi công; lượng cung ở phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có diện tích vừa và nhỏ, giá bán trên dưới 1 tỉ đồng sẽ tăng đáng kể.

Dẫu vậy, ông Phấn cũng thừa nhận vẫn còn tồn tại một số bất cập của thị trường bất động sản trong thời gian qua như phát triển chưa thật sự ổn định, lành mạnh, còn thiếu quy hoạch, chưa có kế hoạch, chưa bám sát nhu cầu thị trường; chấp hành quy định pháp luật trong đầu tư, kinh doanh bất động sản tại nhiều dự án chưa tốt, chưa bảo đảm đúng tiến độ; tình trạng mua bất động sản, nhà ở để đầu cơ vẫn diễn ra nhiều; nhiều thủ tục hành chính chưa được cải cách triệt để, chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc chuẩn bị đầu tư dự án, chuyển đổi, chuyển nhường, điều chỉnh dự án...

Tập trung triển khai các chương trình nhà ở xã hội

Với các nhận định trên về triển vọng thị trường, Bộ Xây dựng kiến nghị cần tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình nhà ở xã hội để vừa cải thiện điều kiện ở cho nhân dân, vừa góp phần ổn định thị trường, bảo đảm an sinh xã hội của đất nước. Đồng thời, các ngân hàng cần tiếp tục kiểm soát cho vay lĩnh vực bất động sản một cách hợp lý, phù hợp để vừa đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả nguồn vốn cho vay nhưng vẫn đảm bảo cho thị trường phục hồi và phát triển ổn định, tránh gây sốc cho thị trường, ảnh hưởng không tốt đến nền kinh tế chung.

Các địa phương cần tiếp tục rà soát, cắt giảm và công khai thủ tục hành chính liên quan đến phát triển dự án, điều chỉnh dự án, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà...để doanh nghiệp và người dân biết, thực hiện. Trong đó, các địa phương trọng điểm cần tập trung rà soát dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới theo Chỉ thị số 2196/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và quyết liệt trong việc thu hồi các dự án vi phạm pháp luật, các dự án không phù hợp, không có tính khả thi.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao động