Công ty Sơn Kim có thể bị khách hàng khởi kiện do những vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình ký hợp đồng mua bán căn hộ tại dự án Gateway Thảo Điền.
Trao đổi với phóng viên Đất Việt, ông Thái Văn Chung, Luật sư ủy quyền của bà Ngô Phi Phụng cho biết, trước đây, thân chủ của mình có ký hợp đồng đặt cọc (không ghi ngày) để mua 2 căn hộ tại tòa nhà Aspen và Madison thuộc dự án Gateway Thảo Điền do Công ty Sơn Kim làm chủ đầu tư.
Tại thời điểm ký hợp đồng, phía Sơn Kim đã cam kết dự án thực hiện đúng quy định của pháp luật, không bị tranh chấp, đã được phê duyệt đầy đủ các bản vẽ kiến trúc, bản vẽ kỹ thuật... Chính vì thế, bà Phụng đã tin tưởng và ký kết hai hợp đồng đặt cọc.
Tuy nhiên, trên thực tế, sau khi ký hợp đồng đặt cọc, qua thông tin báo chí phản ánh, bà Phụng mới “ngã ngửa” khi biết được dự án Gateway Thảo Điền đã phát sinh vướng mắc về pháp lý trước khi mình ký hợp đồng đặt cọc nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng.
Trước vấn đề này, bà Phụng đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại lên công ty, đề nghị giải thích cụ thể, đồng thời cung cấp thông tin đầy đủ về tình trạng pháp lý của dự án Gateway Thảo Điền. Bên cạnh đó là thông tin về việc giải quyết tranh chấp với các hộ dân có đất nằm trong dự án kết quả hiện nay như thế nào, khi nào thì kết thúc?
Trong trường hợp các hộ dân thắng kiện, không chịu bán đất cho chủ đầu tư (tức đất của họ án ngữ mặt tiền dự án) thì chủ đầu tư giải quyết quyền lợi của khách hàng như thế nào? giá bán căn hộ thay đổi ra sao khi diện tích quỹ đất cho công cộng, phúc lợi của dự án bị giảm, tác động, ảnh hưởng đến cuộc sống lâu dài của khách hàng cùng nhiều nội dung khác thuộc về trách nhiệm của chủ đầu tư như tiến độ xây dựng móng cọc, dự án...trước lúc hai bên tiếp tục thực hiện các thỏa thuận khác.
Dự án Gateway Thảo Điền có nguy cơ bị khách hàng khởi kiện.
|
“Thế nhưng, đến tận bây giờ, chúng tôi vẫn không hề nhận được bất cứ văn bản phúc đáp chính thức nào của họ. Trong khi đó, nhân viên của công ty liên tục gửi email thông báo đề nghị thanh toán tiền đợt 3 cho căn hộ đã mua. Vì thế, chúng tôi không còn giải pháp nào khác ngoài phương án khởi kiện vụ việc ra tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết dứt điểm nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”, Luật sư Chung cho biết.
Trước đó, chị P.T.M.P, một khách hàng khác mua nhà tại dự án này cũng đã phải nhờ luật sư can thiệp, yêu cầu phía Sơn Kim bổ sung một số phụ lục trong hợp đồng mua bán của mình nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp khi những lùm xùm xung quanh tranh chấp đất đai tại đây chưa đi đến hồi kết.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thụy Bảo, Trưởng bộ phận pháp lý của Công ty Sơn Kim cho biết, công ty đã nhận được văn bản khiếu nại của khách hàng Ngô Phi Phụng và rất có thiện chí muốn 2 bên ngồi lại để thỏa thuận với nhau.
Trả lời về tính pháp lý của dự án, bà Bảo cho biết, việc khách hàng nói rằng “tại thời điểm ký hợp đồng đặt cọc, dự án Gateway đang có tranh chấp về quyền sử dụng đất, chưa đủ điều kiện để đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật” là hoàn toàn không chính xác và vô căn cứ.
Theo Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư TP.HCM, đến thời điểm hiện tại, việc Công ty Sơn Kim chỉ là bên có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án tranh chấp phần đất 675,7 m2 giữa gia đình bà Trường và UBND quận 2 là chính xác.
Thế nhưng, trong trường hợp gia đình bà Trường thắng kiện, đồng nghĩa với quyết định thu hồi đất của UBND quận 2 bị hủy bỏ, bà Trường có thể tiếp tục làm đơn khởi kiện để đòi phần đất của mình. Lúc này, phía Sơn Kim sẽ trở thành bị đơn trong một vụ kiện tranh chấp đất đai khác do doanh nghiệp này đang chiếm hữu, sử dụng phần đất của gia đình bà Trường mà không có căn cứ pháp luật.
Theo bà Phụng, căn cứ theo hợp đồng đặt cọc, tiến độ thi công phần móng của dự án đã chậm hơn thời gian cam kết hơn 2 tháng, gây ảnh hưởng đến thời gian bàn giao căn hộ của mình.
Tuy nhiên, phía Sơn Kim lại cho rằng, thời điểm hoàn thành phần móng, công ty chỉ đưa vào trong phụ lục tiến độ thanh toán để khách hàng tham khảo chứ không liên quan gì đến thời hạn bàn giao căn hộ, dự kiến vào cuối quý 4/2017(?).
Cũng trong đơn khiếu nại của mình, bà Phụng có yêu cầu phía Sơn Kim bổ sung phụ lục trong hợp đồng mua bán do lo ngại một phần hoặc toàn bộ diện tích dự án bị thay đổi hiện trạng, hoặc một phần chức năng dự án cũng bị thay đổi trong trường hợp phần đất thuộc quyền sở hữu của các hộ dân tại quận 2 bị thu hồi.
Tuy nhiên, phía Sơn Kim cho rằng yêu cầu này không cần thiết. Lý do là bởi khi ký hợp đồng, công ty đã cam kết hoàn thiện các khu chức năng, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội gắn liền với dự án theo thiết kế và bản vẽ được phê duyệt.
Cũng theo phía Sơn Kim, hiện nay, bà Phụng đã không thanh toán theo đúng tiến độ của dự án mặc dù công ty đã rất nhiều lần nhắc nhở. Đến ngày 2/8/2016, nếu phía bà Phụng vẫn tiếp tục trì hoãn việc thanh toán và ký kết hợp đồng mua bán, công ty sẽ xử lý việc chậm trễ này theo quy định tại hợp đồng đặt cọc và quy định của pháp luật (ở đây là hủy hợp đồng đặt cọc mà không hoàn trả lại tiền – PV).
Theo Luật sư Chánh, nếu trong trường hợp gia đình bà Trường thắng kiện mà hai bên (gia đình bà Trường và Công ty Sơn Kim) không thỏa thuận được, bà Trường kiên quyết lấy lại phần đất của mình, đồng nghĩa với việc dự án bị mất mặt tiền Xa Lộ Hà Nội.
Trong trường hợp này, khách hàng hoàn toàn có quyền yêu cầu Sơn Kim bổ sung phụ lục hợp đồng theo hướng có lợi cho mình do dự án đã mất đi vị trí mặt tiền khiến giá trị bị giảm đi, không còn đầy đủ tiện ích, diện tích... như đã thông báo ban đầu.
Theo thông tin chúng tôi được biết, hiện UBND quận 2 và Công ty Sơn Kim đều đã nộp đơn kháng cáo lên Tòa án nhân dân Thành phố, xin phúc thẩm lại quyết định của Tòa án nhân dân quận 2 ngày 22/6/2016. Từ đó, những lùm xùm xung quanh việc tranh chấp đất đai tại dự án Gateway Thảo Điền sẽ còn tiếp tục kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của khách hàng mua nhà tại dự án.
DiaOcOnline.vn - Theo Đất việt
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: