Theo thông tin từ Văn phòng quản lý đất đai Hà Nội - Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, hiện có 26/300 dự án bất động sản đang được thế chấp tại ngân hàng.
Trước đó tại TP HCM, Sở Tài nguyên và môi trường cũng lần đầu tiên công bố danh tính 77/600 dự án đang được thế chấp cho ngân hàng.
Chiều qua (25/7), trao đổi với PV, ông Trần Ngọc Quang – Phó giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội, thống kê sơ bộ trên hệ thống của Văn phòng này cho thấy, Hà Nội có khoảng 26 dự án bất động sản đã được thế chấp tại ngân hàng và có đăng ký thông tin giao dịch đảm bảo trên hệ thống của văn phòng.
Chỉ có 26/300 dự án tại Hà Nội thế chấp ngân hàng.
|
Như vậy, có thể thấy, số dự án bất động sản đang được thế chấp tại Hà Nội và TP HCM là quá ít và quá bất thường. Bởi, trên thực tế, hiện có đến 90% doanh nghiệp bất động sản phải đi vay vốn ngân hàng để triển khai dự án.
Vậy tại sao số lượng dự án đăng ký thế chấp với các cơ quan quản lý lại quá ít như vậy. Theo các chuyên gia bất động sản, có thể xảy ra nhiều khả năng, nhiều doanh nghiệp bất động sản đi vay vốn ngân hàng nhưng “trốn” đăng ký thông tin giao dịch đảm bảo, để “che mắt” người mua nhà? Hai, các doanh nghiệp này đã đi vay vốn dưới hình thức nào đó, như tín chấp, thế chấp quyền thực hiện dự án… và không đăng ký thông tin với Sở Tài nguyên và các cơ quan quản lý tư pháp…
Theo tìm hiểu của PV, thời điểm trước, các chủ đầu tư dự án bất động sản đều công bố thông tin về việc ngân hàng cam kết cho vay. Khi ngân hàng “chống lưng”, các dự án sẽ đảm bảo tiến độ xây dựng, và điều này rất quan trọng với người mua nhà. Tuy nhiên, nhiều dự án quảng cáo là được ngân hàng hỗ trợ cho vay vốn nhưng lại không hề có tên trên hệ thống của cơ quan quản lý nhà nước.
Ông Trần Ngọc Quang khẳng định, số lượng 26 dự án này có hiện thị trên hệ thống của Văn phòng quản lý đất đai, còn các doanh nghiệp và ngân hàng vay vốn dưới hình thức nào thì ông không nắm được.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức – Văn phòng luật sư Basico, có đến 100% doanh nghiệp bất động sản đều phải dựa vào nguồn vốn vay từ ngân hàng. Tuy nhiên, do không phải dự án nào cũng đủ điều kiện để thế chấp quyền sử dụng đất, hay thế chấp dự án theo đúng quy định của pháp luật. Do vậy, nhiều ngân hàng vì lợi nhuận đã nghĩ ra đủ mọi cách để cho vay. Sau đó, dùng điều 142 của Luật các tổ chức tín dụng để che dấu thông tin về các khoản vay nay.
“Luật kinh doanh bất động sản mới đây quy định, các dự án vay vốn ngân hàng phải đăng ký tài sản đảm bảo trên hệ thống quản lý tư pháp. Tuy nhiên, điều 142 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 lại quy định bảo mật thông tin vay vốn của khách hàng. Do vậy, đây là vướng mắc của quy định pháp luật đối với thực tế dẫn đến thông tin về thế chấp tài sản rất mù mờ ”.
Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, hiện có rất ít dự án bất động sản được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng.
Điều đó có nghĩa, phần lớn các dự án bất động sản đều phải sử dụng chiêu thức lách luật để được vay. Và khi thông tin này bị bưng bít, thì khách hàng có đến các cơ quan chức năng để tra cứu cũng không có được thông tin gì. Hậu quả là nếu doanh nghiệp vay ngân hàng nhưng không có tiền trả thì ngân hàng sẽ siết chính căn hộ mà khách hàng vừa mua.
DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: