Top

Công trình xây dựng dân dụng đội giá

Cập nhật 26/07/2009 08:50

Nhân công: tăng giá thuê vẫn khó tìm. Ảnh: AQ

Chi phí nhân công, giá một số loại vật liệu xây dựng và đặc biệt là phí vận chuyển tăng khiến cho nhiều công trình dân dụng bị đội giá từ 10 đến 15%.

Khan hiếm nhân công

Điều đang làm các nhà thầu “đau đầu” chính là nhân công. Ông Hoàng Gia Lộc, một thầu xây dựng lâu năm cho biết: “Công ty tôi hiện thiếu trầm trọng cả lao động phổ thông lẫn lao động có tay nghề. Giá thuê nhân công so với đầu năm tăng từ 15 - 20%”.

Ông Quốc, giám đốc một công ty tư vấn thiết kế xây dựng tại khu Phạm Văn Hai, Tân Bình chìa ra tấm bảng lương của những công nhân đang làm việc cho mình, chỉ tay vào một cái tên, nhăn mặt “ông này là phụ, mà phụ “trơn”, có nghĩa là chưa biết làm gì ngoài vác đồ, xúc cát, trộn hồ đơn giản, mà lương đã 90.000đ/ngày, thợ vừa vừa lương phải 120.000đ/ngày, còn thợ hiện đang được xem là chính của tui, tay nghề chưa thật sự xuất sắc đã 150.000đ/ngày. Lương thì cao ngất vậy mà kiếm tay thợ ưng ý hoài cũng không ra”.

Điều đáng nói là vừa qua nhiều chủ thầu đã bỏ qua khoản tăng giá nhân công này khi tính chi phí công trình để rồi, như ông Quốc tính: “Giá các loại vật liệu tăng cao sau cơn sốt vừa qua, ít nhiều cũng đã cho giới chủ thầu nhiều kinh nghiệm xương máu, nên hầu hết chỉ tập trung đối phó với vấn đề này trong hợp đồng, ít ai quan tâm đến giá thợ, chỉ khi đối mặt mới té ngửa. Với những công trình biệt thự, chỉ cần tăng 5 triệu/tuần trên tổng lương phải trả, trung bình thời gian thi công là 5 tháng, khoảng 20 tuần nhân cho 5 triệu thì nhà thầu mất đứt cả trăm triệu”.

Riêng về vật liệu xây dựng, các vật liệu như ximăng, gạch, cát, đá từ đầu năm đến nay nhiều loại tăng giá, trong đó thép tăng giá mạnh. Thép xây dựng đã bốn lần tăng giá với tổng mức tăng hơn 1,5 triệu đồng/tấn. Một điều bất ngờ nằm ngoài tính toán của nhiều nhà thầu là chi phí vận chuyển vật liệu tăng. Do giá xăng tăng liên tục, tuỳ theo mức độ xa gần mà chi phí cho một chuyến xe chở vật liệu (loại năm khối) hiện tăng từ 50.000 - 150.000đ một chuyến so với đầu năm.

Giải pháp cả hai cùng chịu

Dù vậy, mức trượt giá chi phí xây dựng này vẫn nằm trong tính toán của nhiều nhà thầu nên tình hình chưa đến nỗi căng thẳng. Và tuỳ theo thực tế cũng như thoả thuận trong hợp đồng mà nhà thầu và chủ nhà cùng đi đến những giải pháp khác nhau. Ông Nguyễn Văn Bắc, giám đốc công ty Vietcity cho biết “Khi thảo hợp đồng chúng tôi luôn cộng thêm phần trượt giá. Như tình hình hiện nay giá vật liệu và nhân công tăng 10% so với đầu năm, vẫn nằm trong dự đoán. Nếu giá cả tiếp tục tăng thì chúng tôi chấp nhận hoà vốn cho đến lỗ”.

Ông Linh, một chủ thầu khác cho biết, trước khi ký hợp đồng đã thoả thuận với chủ nhà khi giá tăng khoảng 10% thì bên nhà thầu phải chịu, phần tăng thêm chủ nhà sẽ chịu trả thêm tiền.

Ông Trần Lê Quốc Bình chủ công ty Qbi cho biết “Cách giải quyết mỗi công ty khác nhau, riêng công ty tôi có thoả thuận với khách hàng, khi giá vật liệu tăng 5% thì hai bên sẽ cùng ngồi bàn lại hợp đồng. Tuy nhiên để lấy thêm được khoản tiền này còn phụ thuộc vào thiện chí của chủ nhà”.

Biến động giá vật liệu, chi phí xây dựng diễn ra liên tục khiến cho một số chủ công trình cũng rút ra được kinh nghiệm riêng cho mình. Ông Nguyễn Hoàng Minh, một người đã xây dựng vài công trình nhà ở cho biết: “Trong xây dựng thường gặp những biến động về giá cả nên người xây nhà phải có những cách để tìm ra giải pháp có lợi nhất cho mình. Theo quy luật khi vào mùa xây dựng, nhất là thời điểm từ quý ba trở đi, giá vật liệu xây dựng và giá vật liệu hoàn thiện luôn luôn tăng cao. Chính vì vậy khi xây nhà, phần thô tôi sẽ ký với nhà thầu khởi công vào đầu năm, khi giá vật liệu còn ổn định, chưa tăng. Cũng vào thời điểm này tôi tìm hiểu các nhà cung cấp vật liệu hoàn thiện và chọn cho mình các nhà cung cấp tốt nhất, đặt cọc để giữ giá ngay từ đầu năm”.

 

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị