Top

Công trình trái phép Tràng An: Khi trách nhiệm chỉ như trái bóng tròn

Cập nhật 15/07/2018 09:16

Trách nhiệm trong việc buông lỏng quản lý công trình trái phép Tràng An giống như trái bóng tròn được các cơ quan chức năng Ninh Bình lần lượt "đá" cho nhau.


Cánh cổng khu "Tràng An cổ" do công ty cổ phần du lịch Tràng An xây dựng. Ảnh: PV

Cuối cùng, ai là người chịu trách nhiệm chính về những sai phạm của Công ty cổ phần du lịch Tràng An với công trình xây dựng trái phép? Câu hỏi này chưa có lời đáp, vì thực tế, có rất nhiều các đơn vị liên quan nhưng không một ai đứng ra nhận trách nhiệm chính.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó chủ tịch huyện Hoa Lư nhấn mạnh, không thể đổ hết lỗi cho đơn vị này được. Sai phạm của ông Son liên quan đến quy hoạch tổng thế.

“Nếu là việc cấp phép hay ngừng cấp phép hoạt động của bến thuyền thì đó là trách nhiệm của Sở Giao thông Vận tải. Nếu là vấn đề về đất đai thì đó là trách nhiệm của Sở Tài nguyên Môi trường. Nếu liên quan đến rừng đặc dụng là trách nhiệm của Chi cục Kiểm lâm. Trong quần thể Tràng An là trách nhiệm Sở Du lịch. Về vấn đề di sản là của Sở Văn hóa. Thậm chí, Bảo hiểm hay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông cũng có liên đới”, vị này phân tích.

Theo bà, quan trọng nhất là do sự phối hợp thực hiện giữa các đơn vị liên quan yếu kém, không quyết liệt dẫn đến hậu quả đáng tiếc: Dư luận phản ứng, núi Cái Hạ bị xâm phạm, ….


Bê tông và công trình trái phép vẫn ngổn ngang trên núi Cái Hạ. Ảnh: PV

Đại diện Ban quản lý quần thể danh thắng Tràng An (Sở Du lịch Ninh Bình) cho hay, ngay khi được thông báo về sự việc, họ đã thường xuyên có các văn bản kiến nghị UBND huyện Hoa Lư xử lý về vấn đề này. Tuy nhiên, trách nhiệm chính vẫn là của đơn vị chính quyền. Sở chỉ có vai trò tham mưu và phối hợp.

Vị này cũng chia sẻ thêm những khó khăn trong công tác quản lý và khai thác di sản. Theo đó, Ban quản lý là đơn vị có lực lượng tham gia tổ giám sát quá trình tháo dỡ đông đảo và sát sao nhất. Tuy nhiên, theo quy định, các sở chỉ có trách nhiệm giám sát đến ngày 24.6. Phần thời gian và các báo cáo còn lại là trách nhiệm của UBND huyện Hoa Lư.

Đại diện Ban quản lý quần thể danh thắng Tràng An cung cấp thông tin, tại Hội nghị thường niên lần thứ 42 của Ủy ban Di sản Thế giới mới đây, đại diện UBND tỉnh Ninh Bình đã có báo cáo trước Hội đồng UNESCO thế giới. “Chúng tôi cũng đã trình chiếu hình ảnh núi Cái Hạ trước và sau khi tháo dỡ công trình cầu bê tông cho hội đồng xem. Bước đầu, họ ghi nhận công tác phá dỡ và khắc phục các tổn hại của chính quyền đối với công trình di sản”, vị này cho biết.


Trồng hoa giấy để che phủ những vết cũ của công trình trái phép nhiều khả năng làm mất vẻ hoang sơ, hùng vỹ của cảnh quan rừng đặc dụng. Ảnh: PV

Về phía Sở Xây dựng, ông Cao Trường Sơn, giám đốc sở - đơn vị được cho là có vai trò tham mưu, phê duyệt phương án tháo dỡ công trình trái phép lại phủ nhận tình trạng ngổn ngang tại núi Cái Hạ hiện nay.

Đại diện Sở Xây dựng khẳng định, đã phê duyệt phương án tháo dỡ công trình sai phạm do chủ đầu tư đưa ra. Tuy nhiên về kết quả tháo dỡ, thời điểm đơn vị này nghiệm thu, chỉ mới đạt 90%. Phần còn lại tiếp tục giao cho UBND huyện Hoa Lư giám sát.

Giám đốc Sở Xây dựng cũng chia sẻ về phương án trồng nhiều hoa giấy để che phủ những vết cũ do công trình trái phép để lại.

Tuy nhiên, theo ý kiến của một số người dân sống xung quanh, những cụm hoa giấy mong manh, rực rỡ không ăn nhập với vẻ hùng vỹ, hoang dã của cảnh quan núi Cái Hạ thuộc di sản Tràng An? "Trước khi công ty cổ phần du lịch Tràng An hoạt động và khai thác, khu vực này chưa từng có hoa giấy xuất hiện bao giờ", một người dân cho biết.


DiaOcOnline.vn - Theo Lao động