Top

Công trình chống sạt lở bờ sông ở TPHCM - Khát vốn

Cập nhật 02/05/2011 08:55

Những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông vào mùa mưa ở TPHCM diễn ra thường xuyên, gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản dân. Thế nhưng, đến nay việc đầu tư xây dựng các công trình chống sạt lở bờ sông lại rất chậm do không có vốn. Do vậy, người dân sống ở những khu vực này đang đứng trước lưỡi hái “tử thần” khi mùa mưa đang đến.


Dự án chống sạt lở bờ kênh Thanh Đa được khởi động nhiều năm nhưng đến nay nhiều đoạn vẫn chưa được triển khai do thiếu vốn và mặt bằng. Ảnh: G.Đình

Nguy cơ sạt lở gia tăng

Theo số liệu thống kê của Khu Đường sông (thuộc Sở GTVT TPHCM), tính đến đầu năm 2011 trên địa TPHCM còn 45 điểm có nguy cơ sạt lở cao (đầu năm 2010 là 42 điểm). Như vậy, số điểm có nguy cơ sạt lở bờ sông ở TPHCM đang có chiều hướng gia tăng.

Dù số điểm sạt lở bờ sông ngày càng gia tăng, nhưng hiện nay số lượng công trình, dự án chống sạt lở bờ sông được triển khai xây dựng trên địa bàn TP lại hết sức hạn chế.

Đến nay, ngoài 2 dự án chống sạt lở khu vực cầu Phước Long và cầu Rạch Tôm, huyện Nhà Bè được đưa vào sử dụng đầu năm 2009; dự án xây kè chống sạt lở Rạch Tôm khu vực hạ lưu cầu Bà Sáu và Trường THCS Lê Văn Lương cơ sở 2, huyện Nhà Bè được triển khai xây dựng đầu năm 2010. Các dự án còn lại đành phải trùm mền.

Điển hình như dự án cấp bách chống sạt lở khu vực kênh Thanh Đa được khởi động từ năm 2007, nhưng đến nay ngoài đoạn 1.1 (từ chân cầu Kinh đến doanh trại quân đội thuộc phường 25) đã thực hiện xong; đoạn 1.3 được khởi công cuối năm 2010; các đoạn 1.2 và 1.4 đã thiết kế xong nhưng chưa thể khởi công.

Bà Lê Thị Ngọc Lan, một hộ dân sống ở khu vực kênh Thanh Đa, lo lắng: Với tình hình này, khi mùa mưa tới người dân chỉ biết cầu trời cho bờ sông đừng bị sạt lở để tài sản, nhà cửa khỏi trôi theo nước.

Thiếu vốn

Trao đổi với PV Báo SGGP xung quanh các dự án đầu tư chống sạt lở bờ sông trên địa bàn thành phố hiện nay, Phó Giám đốc Khu Đường sông (Sở GTVT TPHCM) Trần Văn Giàu cho biết, do ảnh hưởng lạm phát UBND TP có chủ trương chỉ ghi vốn đầu tư cho các công trình, dự án chuyển tiếp của năm cũ (2010), còn các dự án đầu tư xây dựng mới tạm thời TP chưa ghi vốn.

Chính vì thế, các công trình, dự án chống bờ sông mới mà khu lập dự án đầu tư xây dựng đành phải tạm ngưng do không có vốn để thực hiện.

Tuy nhiên, tình hình sạt lở bờ sông ở các khu dân cư đông là hết sức cấp bách, liên quan đến tính mạng, tài sản của người dân, cho nên khu và sở đang có văn bản đề xuất UBND TPHCM ghi vốn để triển khai đoạn 1.2 và 1.4 khu vực kênh Thanh Đa.

Liên quan đến tiến độ thực hiện dự án đoạn 1.3 khu vực kênh Thanh Đa, ông Trần Văn Giàu, Phó Giám đốc Khu Đường sông (Sở GTVT TPHCM), cho biết: Hiện nay, khu đang triển khai thi công hạng mục bờ kè và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm. Riêng hạng mục xây dựng công viên do quận Bình Thạnh chưa bàn giao mặt bằng nên chưa thể triển khai thi công; còn hạng mục xây dựng đường Tầm Vu đang phải chờ Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM xây dựng xong cống thoát nước. Do đó, đối với 2 hạng mục này vẫn chưa thể biết được thời hạn hoàn thành do phụ thuộc vào các đơn vị nói trên.

Trước tình hình mùa mưa bão đang đến gần, để chủ động phòng chống, ứng phó kịp thời các sự cố sạt lở bờ sông, kênh rạch, bờ biển trên địa bàn thành phố, cuối tháng 3 vừa qua, UBND TPHCM đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện liên quan kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở tại các tuyến sông, kênh rạch để phân loại mức độ sạt lở đề xuất biện pháp thích hợp để phòng tránh.

Phát hiện, xử lý, cưỡng chế tháo dỡ đối với những trường hợp cố tình xây dựng trái phép, buộc phải khôi phục, hoàn trả lại nguyên trạng hành lang bảo vệ an toàn bờ sông, kênh rạch, bờ biển. Đẩy nhanh tiến độ các công trình bảo vệ bờ sông, kênh rạch, bờ biển. Kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác cát trái phép, không phép trên địa bàn thành phố nhất là các điểm nóng trên sông Sài Gòn và Đồng Nai…

Sông, kênh rạch tiếp tục bị lấn chiếm

Sở GTVT TPHCM vừa cho biết, tính đến tháng 4-2011, trên địa bàn TPHCM đã xảy ra 72 trường hợp vi phạm lấn chiếm sông, kênh rạch và xây dựng công trình trong hành lang bảo vệ bờ sông, kênh rạch. Trong đó, có 33 vụ vi phạm lấn chiếm; 39 vụ vi phạm xây dựng công trình trong hành lang bảo vệ bờ sông, kênh rạch.

Theo Sở GTVT TPHCM, số vụ vi phạm lấn chiếm và xây dựng công trình trong hành lang bảo vệ bờ sông, kênh rạch có chiều hướng tăng cao (chỉ riêng từ đầu năm đến nay đã phát sinh thêm 29 trường hợp vi phạm). Phần lớn các trường hợp vi phạm đều đã được Thanh tra Sở GTVT, Khu Đường sông và chính quyền địa phương phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính từ đầu và tiến hành xử phạt, cưỡng chế, giải tỏa theo thẩm quyền.

Riêng các trường hợp vi phạm còn tồn đọng đều đã được Sở GTVT gửi văn bản đến chính quyền địa phương đề nghị xử lý. Tuy nhiên, đến nay một số địa phương vẫn chưa tập trung xử lý giải quyết triệt để các trường hợp vi phạm, thậm chí còn để phát sinh thêm nhiều trường hợp vi phạm mới.

 

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng