TP đã xác định đất để xây bến xe, bãi đậu, nằm ở những vị trí đắc địa nhưng nhà đầu tư không mặn mà.
Một nghịch lý đang tồn tại ở TP.HCM là tổng quỹ đất cho giao thông tĩnh (bãi đậu xe, bến xe liên tỉnh, bến bãi xe buýt, taxi...) hiện xác định có khoảng 570 ha, tăng hơn chín lần so với năm 2010. Tuy nhiên, các dự án bến xe, bãi đậu vẫn giậm chân tại chỗ vì chưa hấp dẫn các nhà đầu tư.
“Đất vàng” chưa hấp dẫn nhà đầu tư
Cuối năm 2008, TP chủ trương xây dựng Bến xe Chợ Lớn (cũ), có diện tích 10,000 m2, thành nhà ga xe buýt trung tâm của khu vực có kết hợp với dịch vụ thương mại, cao ốc văn phòng… Sau đó, Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng (Trung tâm xe buýt) trình lên các cấp thẩm quyền dự án xây bến xe. Theo đó, khu đất vàng sẽ được xây dựng thành hai đến ba tầng hầm làm nhà ga kết hợp làm nơi lưu đậu của xe buýt, ba bốn tầng nổi phía trên sẽ làm trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng… Tổng mức đầu tư cho dự án này khoảng 660 tỉ đồng.
Theo ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT, có nhiều nhà đầu tư tiếp cận dự án trên nhưng sau đó… im lặng và đi luôn! Họ cho rằng nếu tham gia vào dự án này thì họ sẽ bị vướng hàng loạt vấn đề pháp lý.
Trước đó, TP cũng giao Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) nghiên cứu dự án xây dựng hai bến xe mới Suối Tiên tại quận 9 (Bến xe Miền Đông mới) và Tân Quý Tây tại huyện Bình Chánh (Bến xe Miền Tây mới). Theo đó, đến năm 2015, Samco phải hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng hai bến mới trên. Nhưng suốt nhiều năm nay hai dự án trên vẫn gần như giậm chân tại chỗ vì không có tiền. “Tổng kinh phí đầu tư xây mới hai bến xe là 3,700 tỉ đồng. Số tiền lớn như thế thì một mình Samco không thể kham nổi!” - ông Phạm Quốc Tài, Phó Tổng Giám đốc Samco, cho biết.
Các trụ điện không là cản trở cho việc đầu tư nâng cấp Bến xe Ngã Tư Ga mà là cơ chế, hình thức liên kết đầu tư. Ảnh: LĐ
|
Không muốn qua trung gian
Với Bến xe Chợ Lớn cũ, các nhà đầu tư phân tích: Hiện Trung tâm xe buýt quản lý, sử dụng làm nhà ga xe buýt. Trung tâm này lại được giao xây dựng dự án nên nhà đầu tư muốn vào lại phải qua trung gian này. Trong khi đó, Trung tâm là đơn vị quản lý nhà nước về xe buýt, không có chuyên môn về kinh doanh bến bãi, nhà đất nên không phù hợp quy định, dễ gây rủi ro cho các nhà đầu tư. Cạnh đó, ý tưởng của Trung tâm là kết hợp nhà ga với dịch vụ thương mại, cao ốc văn phòng, phần diện tích dành cho xe buýt chiếm tỉ lệ lớn sẽ gây bất lợi cho hoạt động kinh doanh khác…
Một vấn đề khác là cơ chế ưu đãi vẫn chưa điều chỉnh theo thực tế. Theo các quyết định 83/2006 và 15/2010, TP hỗ trợ lãi suất tối đa 10%/năm cho các nhà đầu tư vào bến bãi - nhưng không quá 10 năm với điều kiện các dự án phải đưa vào vận hành, khai thác trước năm 2016. Khi ra quyết định, lãi suất ngân hàng là 12%/năm nhưng đến nay đã xấp xỉ 20%/năm và TP vẫn chưa điều chỉnh mức hỗ trợ lãi suất. Hơn nữa, điều kiện để hưởng hỗ trợ lãi suất là năm 2016, phải đưa các dự án vào vận hành, khai thác. Theo các nhà đầu tư, điều kiện này cũng khó khả thi vì đến nay các dự án mới chỉ ở dạng khởi động.
Tìm lối ra
Mới đây, Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP (CII) cho biết đã cùng một số đối tác thống nhất lập ra công ty cổ phần chuyên về đầu tư kinh doanh các mặt bằng bến bãi trên địa bàn TP. “Trước mắt, CII sẽ tham gia góp 25%-40% vốn điều lệ vào công ty CP để làm hai dự án Bến xe Miền Đông và Miền Tây mới!” - ông Lê Vũ Hoàng, Tổng Giám đốc CII, cho biết.
Với dự án nâng cấp, mở rộng Bến xe An Sương và Ngã Tư Ga đang ách tắc vì thiếu tiền, CII đã chính thức mua gần 600.000 cổ phần, bằng hơn 36% số vốn điều lệ của Công ty CP Bến bãi vận tải Sài Gòn để cùng thực hiện hai dự án trên.
Cùng với việc xác định được khoảng 570 ha đất có thể làm bến, bãi, Sở GTVT kiến nghị TP và các sở, ngành, quận, huyện cần sớm xác định mục đính, công năng, giao ranh từng khu đất… Sau khi thành đất sạch, cải tạo mặt bằng thì bàn giao lại cho Trung tâm xe buýt làm đầu mối quản lý và xây dựng dự án, hình thức đầu tư.
Sở GTVT cũng kiến nghị TP nên giao việc quản lý các bến bãi hiện hữu cho các hợp tác xã (HTX). “Đây là hình thức xã hội hóa đầu tư bến bãi đang được các HTX ủng hộ, vừa tạo sự yên tâm đầu tư lâu dài, không lo bị đòi lại đất, vừa gánh bớt một phần ngân sách TP!” - ông Phùng Đăng Hải, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX vận tải TP, nói.
Chủ trương xã hội hóa đầu tư xây dựng bến, bãi đã có. Đất để xây dựng cũng đã xác định nhưng làm thế nào để thu hút đầu tư thì xem ra vẫn là bài toán khó.
0.1% ỉ lệ diện tích đất đô thị hiện dành làm bến, bãi hậu cần kỹ thuật cho các loại xe ôtô khách, taxi, xe tải, xe buýt… tương đương khoảng 69 ha. Trong khi theo quy hoạch đến năm 2020, TP phải có hơn 1,140 ha đất làm bến bãi, chiếm 2.6% diện tích đô thị.
Hơn 90% taxi không có bến bãi. Theo quy hoạch, đến sau năm 2020 diện tích bến bãi taxi khoảng 31 ha cho khoảng 12,700 taxi hoạt động. Tuy nhiên, hiện TP có gần 13,000 xe taxi và diện tích bãi đậu chỉ khoảng 2.3 ha - chỉ bằng 7.7% so với quy hoạch.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: