Top

Công khai các dự án bất động sản đang thế chấp ngân hàng

Cập nhật 07/11/2017 08:50

Thông tin một số ngân hàng rao bán các tòa nhà chung cư “siết” nợ vay của chủ đầu tư, kể từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng ra đời, khiến cho người dân, nhất là những người đang sinh sống ở đó hoang mang.

Ngân hàng đua bán tài sản thế chấp

Nghị quyết 42 đã tạo điều kiện cho ngân hàng trong việc thu giữ tài sản khi khoản nợ rơi vào nợ xấu và đẩy mạnh phát mãi tài sản. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Sở giao dịch 2, mới đây đã ra thông báo bán đấu giá toàn bộ khoản nợ của Công ty cổ phần Đầu tư y tế Việt Nam và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và khai thác công trình giao thông 584, với tổng trị giá gần 1.100 tỷ đồng.

Dự án Khu dân cư 584 - Tân Kiên (TP.HCM) đang bị Ngân hàng BIDV thông báo bán đấu giá để thu hồi nợ.

Tài sản thế chấp là khu đất 174,5 m2 và Dự án Khu dân cư 584 - Tân Kiên tại huyện Bình Chánh, TP.HCM, bao gồm 41.242 m2 đất cùng tài sản gắn liền trên đất là 2 tòa nhà chung cư cao 15 tầng, có tổng cộng trên 700 căn hộ, trong đó một block đã đưa vào sử dụng từ năm 2011.

Ngân hàng Maritime Bank cũng ra thông báo thu giữ tài sản thế chấp là khu biệt thự Phú Gia (Phú Mỹ Hưng) lô H21, 22, 27, 28, tại số 1 - Hà Huy Tập (phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM). Agribank, chi nhánh Bình Chánh, cũng đã thông báo bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Vạn Hưng Phát, với khoản nợ 161,5 tỷ đồng. Tài sản thế chấp của đơn vị này là dự án căn hộ tại số 339 - đường Bông Sao (quận 8, TP.HCM).

Theo Điều 12, Nghị quyết 42, số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm, được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được đảm bảo cho tổ chức tín dụng… Đây cũng chính là cơ hội để các ngân hàng đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, nhưng lại tạo áp lực cho các chủ đầu tư, doanh nghiệp, vì nếu không thương thảo được trong việc trả nợ, ngân hàng sẽ công khai rao bán các tòa nhà, cao ốc đang thế chấp… Điều này sẽ khiến không ít người đã mua căn hộ tại dự án đã được chủ đầu tư đem thế chấp ngân hàng hốt hoảng, vì mua lại nhà đã được đem đi “cầm”.

Minh bạch để hạn chế rủi ro

TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế cho rằng, những vụ việc xảy ra vừa qua có trách nhiệm trong quản lý nhà nước, phải nhanh chóng chấn chỉnh tình trạng này. Cần bắt buộc chủ đầu tư phải thông báo rõ tình trạng dự án, trong hợp đồng phải nêu rõ là dự án đang thế chấp.
Cũng theo ông Lịch, nếu chủ đầu tư cố tình dấu diếm thông tin, có thể xếp vào hành vi lừa đảo. Ngoài việc các chủ đầu tư dự án phải minh bạch thông tin, thì người mua nhà nên nhờ tư vấn kỹ hợp đồng. Đây là cách tốt nhất để bảo đảm quyền lợi người mua.

Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản cần những chủ đầu tư lành mạnh, có thực lực và làm ăn bài bản, chứ không phải dùng vốn ảo. Việc các ngân hàng thương mại đang đẩy mạnh vốn cho vay bất động sản, nhất là đối với phân khúc nhà ở cao cấp, khiến nhiều người lo ngại liệu các ngân hàng có giám sát được dòng vốn đã cho vay bất động sản hay không.

Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh đánh giá, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thời gian qua không “siết” lại tín dụng bất động sản, mà ngược lại, còn tạo điều kiện cho các ngân hàng trong việc mở rộng cửa cho vay đối với cá nhân mua nhà. “Để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và hệ thống ngân hàng hạn chế được rủi ro nợ xấu, trước hết cần phải có sự minh bạch cả từ chủ đầu tư, đơn vị cho vay và người đi vay mua nhà ở”, ông Minh khuyến cáo.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư