Top

“Công chúa” bất động sản du lịch chờ hoàng tử đánh thức

Cập nhật 27/07/2014 09:43

Nếu xem bất động sản du lịch Việt Nam là một nàng công chúa với vẻ kiêu sa, đài các, thì nàng vẫn chờ một hoàng tử thực thụ đánh thức.

Đó là cách ví von của ông Thân Thành Vũ, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản du lịch Việt Nam (VnTPA) khi nhận định về tiềm năng của ngành này, trước thềm Đại hội lần thứ hai của VnTPA diễn ra hôm nay (25/7) tại TP.HCM.


* Ông có thể chia sẻ dấu ấn lớn nhất của VnTPA trong nhiệm kỳ đầu tiên vừa qua?

Sau nhiều năm ấp ủ, doanh nhân, doanh nghiệp bất động sản du lịch đã có sân chơi và “mái nhà” này đã tập hợp được các doanh nghiệp tâm huyết trong lĩnh vực này. VnTPA đã tổ chức được hơn 100 cuộc gặp gỡ, giao lưu, kết nối đầu tư giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản du lịch trong và ngoài nước, như tổ chức xúc tiến đầu tư vào bất động sản du lịch của Bình Thuận, Cần Thơ; giao lưu xúc tiến đầu tư với doanh nghiệp Macau, Hồng Kông, Nhật Bản, Trung Đông, Singapore, Malaysia, Trung Quốc…

Tuy vậy, trăn trở lớn nhất của chúng tôi là chưa hoàn thiện được công tác nghiên cứu thống kê, dự báo xu hướng của thị trường, giúp hội viên có cái nhìn dài hạn và định hướng chiến lược để có bước đi phù hợp. Bên cạnh đó, hoạt động của VnTPA còn non trẻ, đội ngũ nhân lực chưa cao, điều kiện tài chính còn hạn chế, việc mở rộng hoạt động vẫn là một thách thức.

* Ông đánh giá thế nào về tiềm năng của thị trường bất động sản du lịch tại Việt Nam?

Theo đánh giá của Tổ chức Du lịch thế giới năm 2013, trong tổng thể 185 quốc gia, Việt Nam đứng thứ 8 về tiềm năng phát triển du lịch. Tuy nhiên, đánh giá về thực trạng phát triển du lịch, thì Việt Nam chỉ đứng thứ 89/185.

Điều đó cho thấy, tiềm năng có, nhưng chưa được khai thác hết. Nói cách khác, “nàng công chúa” bất động sản du lịch Việt Nam vẫn đang chờ “hoàng tử” đánh thức. Để khai phá tiềm năng này, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ từ chính quyền với VnTPA và với doanh nghiệp trong ngành cũng như cộng đồng.

Theo khảo sát của VnTPA, từ lúc có ý tưởng đến lúc hoàn thành dự án, đưa vào hoạt động, doanh nhân bất động sản du lịch mất bình quân 167 tháng. Thực tế này làm giảm tính hấp dẫn của bất động sản du lịch trong mắt nhà đầu tư trong và ngoài nước.

* Ông đang đề cập trở ngại về thủ tục hành chính?

Theo khảo sát của VnTPA, trong 44 bước để thực hiện dự án đầu tư bất động sản du lịch, thì có đến 22 bước phải lệ thuộc vào phê duyệt của các địa phương và giới chức có thẩm quyền. Đó là chưa kể, một dự án bất động sản phải chịu ảnh hưởng của 7 luật (Kinh doanh bất động sản, Đất đai, Doanh nghiệp, Dân sự, Nhà ở, Xây dựng và Bộ luật Lao Động) cùng hơn 1.000 văn bản, thông tư, nghị định các loại. Như vậy, có rất nhiều thủ tục rườm rà đối với doanh nghiệp muốn tham gia lĩnh vực này.

VnTPA đã công bố một khảo sát đưa ra 15 rủi ro cho nhà đầu tư bất động sản du lịch. Trên cơ sở định danh được các rủi ro, nhận diện các thách thức, VnTPA có những đề xuất, kiến nghị gì để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong ngành?

VnTPA đề xuất 7 giải pháp cơ bản:

Thứ nhất, chính quyền cần xem nhà đầu tư là những đối tác theo hướng công - tư cùng hợp tác, thay vì cơ chế xin cho như hiện nay.

Thứ hai, nên làm rõ quy hoạch tổng thể. Hiện doanh nghiệp vào đầu tư chọn địa điểm nhưng khi triển khai bị chồng lấn bởi nhiều quy hoạch khác nhau. Nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại, phá sản vì các quy định và thủ tục không rõ ràng.

Thứ ba, chính quyền nên điều chỉnh và hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết những khó khăn về nhân lực, cơ sở hạ tầng…

Thứ tư, cần xác định phương cách và thời điểm tính toán giá đất, để nhà đầu tư có thể dự đoán chi phí đầu vào.

Thứ năm, nên nới rộng quyền sở hữu đối với dự án bất động sản du lịch. Nhà nước nên cấp sổ đỏ để nhà đầu tư thứ cấp có cơ sở tham gia thị trường, vì loại hình mua bất động sản du lịch rồi giao lại đơn vị quản lý để khai thác sinh lợi rất phổ biến trên thế giới.

Thứ sáu, cần có chính sách kích cầu bất động sản du lịch.

Thứ bảy, cần mở rộng cấp visa tại cửa khẩu để khuyến khích khách du lịch đến Việt Nam. Theo thống kê của EuroCham, có khách du lịch vào Việt Nam ở 3 ngày, nhưng thời gian xin visa mất 30 ngày đang làm nản lòng du khách.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán