Top

Phát triển nhà ở và đô thị thông minh:

Con đường chông gai

Cập nhật 21/07/2011 16:35


Phát triển các đô thị thông minh cần đồng bộ hạ tầng CNTT-TT.Trong ảnh: Khu đô thị mới Mỹ Đình. Ảnh: Hồng Thái
Tốc độ phát triển nhà cao tầng chóng mặt, cùng với một lượng lớn dân cư chuyển dịch từ nông thôn ra thành thị đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam trong quá trình phát triển bền vững.

Làm thế nào để phát triển nhà ở và đô thị thông minh trong tương lai là dấu hỏi khiến các chuyên gia bất động sản, các nhà quy hoạch đô thị, các nhà quản lý băn khoăn.

Mỗi năm, cần xây dựng 100 triệu m2 sàn nhà ở

Tại hội thảo "Xu hướng phát triển nhà ở và đô thị" diễn ra tại Hà Nội mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đưa ra dự báo, đến năm 2040, tỷ lệ đô thị hoá tại Việt Nam đạt 50%; tổng diện tích đô thị sẽ tăng gấp 10 lần hiện tại và gấp 4 lần so với năm 2020. Cùng với đó, sẽ có thêm khoảng 20 triệu người Việt Nam chuyển đến sống tại các thành phố. Như vậy, nếu quá trình đô thị hoá tăng thêm 19,5%, tốc độ tăng của quá trình này so với thời điểm hiện tại đạt 39%, thì tốc độ tăng dân số đô thị trong 30 năm tới sẽ đạt mức trên 43%.

Với quá trình đô thị hoá tăng tốc như vậy, theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, dự kiến đến 2030 dân số Việt Nam đạt khoảng 96 triệu người, trong đó dân số đô thị đạt khoảng 36 triệu người, điều này dẫn đến nhu cầu lớn về nhà ở trong những năm tới. Ước tính, mỗi năm Việt Nam cần xây dựng khoảng 100 triệu m2 sàn nhà ở để đáp ứng nhu cầu của người dân và hiện nhà chung cư cao tầng đang được phát triển nhanh chóng.

Còn nhiều bất cập


Từ tốc độ phát triển chóng mặt như vậy, các chuyên gia khuyến cáo hàng loạt thách thức lớn đối với câu chuyện phát triển hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu của các khu đô thị trong tương lai. Do sự phát triển còn nhiều bất cập, các chuyên gia lo ngại con đường đi đến đô thị thông minh tại Việt Nam có nhiều chông gai. Thực tế tại một số khu đô thị của Hà Nội như Định Công, Việt Hưng, Trung Hòa - Nhân Chính… cho thấy, sự phát triển của hạ tầng đô thị phần lớn thiếu sự đồng bộ giữa quy hoạch xây dựng đô thị và quy hoạch các công trình viễn thông thụ động. Bên cạnh đó, hạn chế trong vấn đề ngầm hóa các mạng cấp thông tin, sử dụng chung cơ sở hạ tầng viễn thông, dẫn tới tình trạng mạnh ai nấy làm, chỉ chú trọng đến việc xây dựng nhà ở đơn thuần.

Làm gì để có đô thị thông minh?


Hiện nay, có 1.600 dự án phát triển các khu đô thị và khu dân cư mới đang được triển khai tại Việt Nam, với 33.000ha đất và tổng diện tích sàn 129 triệu m2. Bên cạnh đó, gần đây, Chính phủ đã ban hành nghị quyết về xây mới các khu chung cư cũ tại các thành phố. Chính phủ còn khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia chương trình này với nhiều ưu đãi khác nhau.

Chủ tịch Hội Quy hoạch & Phát triển Đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính chỉ ra bất cập cần tháo gỡ, để tạo ra đô thị thông minh tại Việt Nam, điều quan trọng chính là giải pháp của các tòa nhà, khu đô thị phải có sự kết nối với nhau. Bởi, nếu sự thông minh chỉ giới hạn trong một tòa nhà, các công nghệ ứng dụng của từng tòa nhà được phát triển bởi các nhà cung cấp khác nhau, không "nói chuyện" được với nhau thì bức tranh tổng thể về đô thị hiện đại của Việt Nam vẫn là viễn cảnh xa vời.

Bà Đỗ Tú Lan, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng) nhận định, thách thức lớn nhất hiện nay khi phát triển các đô thị thông minh, đó là điều kiện phát triển các công trình chưa đồng bộ và cơ sở hạ tầng cũng chưa được phát triển toàn diện. Để giải quyết sự thiếu đồng bộ này, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ đưa ra hệ thống văn bản pháp quy hợp lý và những nghị định mới nhằm có những cơ chế, giải pháp thích hợp để phát triển các dự án đô thị. Bên cạnh đó, các khu đô thị cũng cần đồng bộ hạ tầng CNTT-TT, cụ thể là việc chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông và quy hoạch hạ tầng CNTT-TT.

Khái niệm "đô thị thông minh" còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Tuy nhiên cùng với quá trình đô thị hoá, hướng phát triển khu đô thị thông minh được cung cấp các dịch vụ đồng bộ trên nền tảng hạ tầng CNTT-TT hiện đại dần trở thành xu thế chủ yếu trong quá trình phát triển nhà ở hiện nay.
Ông Nguyễn Minh Hồng - Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông



DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị