Top

Còn ‘cửa’ cho sân golf mới

Cập nhật 11/05/2012 15:10

Không có chuyện thông qua việc mở rộng quy hoạch sân golf đến năm 2020 như Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất, thay vào đó là một chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý chặt hơn quy hoạch sân golf. Tuy nhiên, cơ hội vẫn “mở” đối với các sân golf mới…

Đó là khẳng định của ông Hoàng Ngọc Phong, Phó viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Theo ông Phong, Chỉ thị 11/2011/CT-TTg cũng đã chỉ rõ rằng, đối với các dự án mới, các địa phương phải tính toán kỹ về sự cần thiết, hiệu quả đầu tư và căn cứ quy định về tiêu chí, điều kiện hình thành tại Quyết định 1946/2009/QĐ-TTg và các yêu cầu tại chỉ thị, lập hồ sơ đề nghị bổ sung vào quy hoạch, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

“Dự án sân golf mới phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, không được sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, không được gắn với xây dựng khu đô thị, phải được xây dựng tiết kiệm và ở địa phương có tiềm năng phát triển du lịch…”, ông Phong nhấn mạnh.

Như vậy, trái với lo ngại của không ít địa phương và chủ đầu tư sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch sân golf theo Quyết định số 1946/2009/QĐ-TTg, thay vì thông qua kế hoạch mở rộng quy hoạch sân golf đến năm 2020 lên 115 sân như đề xuất hồi cuối năm ngoái của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (87 sân trong quy hoạch cũ và bổ sung thêm 28 sân), “cửa” vẫn mở với các dự án sân golf mới. Chỉ có điều, được lựa chọn hay không là tùy thuộc vào sự chuẩn bị dự án của địa phương, cũng như khả năng đáp ứng các nguyên tắc cơ bản mà Chính phủ đã đặt ra trong phát triển sân golf.

Thực tế, thời gian qua, các địa phương vẫn liên tiếp đề xuất về việc bổ sung sân golf mới vào quy hoạch. UBND tỉnh Thái Nguyên vừa đề xuất tới 4 sân golf mới, thay vì chỉ là 2 sân (Yên Bình và Long Sơn) như năm trước. Tương tự, Quảng Ninh mới đây đã lên kế hoạch xây dựng một sân golf ở Móng Cái. Khánh Hòa, Long An… cũng đang “xếp hàng” một số sân golf mới. Nhiều địa phương khác cũng “nhấp nhổm” với các bản đề xuất, kiến nghị xây mới sân golf.

Câu hỏi đặt ra là, nếu tất cả các sân golf này được bổ sung vào quy hoạch, thì Việt Nam có thuộc diện nhiều sân golf như dư luận vẫn lo ngại hay không?

So sánh với số lượng sân golf của các nước trong khu vực, ông Phong khẳng định rằng “không”. Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Jeff Puchalski, Giám đốc Điều hành Fore Golf Asia, một công ty tư vấn quản lý sân golf, cho rằng, nếu không có đủ người chơi golf để lấp đầy các sân golf mới, thì các nhà đầu tư sẽ không tiếp tục phát triển sân golf nữa. “Vì thế, tôi không lo lắng về chuyện sân golf nhiều hay ít. Hy vọng sẽ có đủ người chơi golf tại Việt Nam và cũng sẽ có một số lượng lớn người nước ngoài vào Việt Nam chơi golf kết hợp với du lịch”, ông Jeff Puchalski nói.

Như vậy, câu chuyện hiện nay sẽ chỉ là, trả sân golf về đúng vị trí của nó, không “đổ oan” cho sân golf và “làm sạch” sân golf bằng cách rà soát lại quy hoạch, quản lý chặt hơn việc thực hiện quy hoạch sân golf mà Chính phủ đã thông qua.

Theo ông Phong, tới đây, các đoàn kiểm tra, rà soát quy hoạch sẽ kiểm tra các dự án sân golf đã có trong quy hoạch, nhưng chưa triển khai thực hiện.

“Những dự án này, nếu vi phạm chuyện có đất lúa một vụ, thì phải loại bỏ phần đất lúa ấy ra khỏi quy hoạch sân golf, hoặc chuyển địa điểm khác. Cũng sẽ tách dự án sân golf ra riêng, chứ không để sân golf chỉ như một dự án thành phần của cả một dự án du lịch lớn”, ông Phong nói và cho biết, hiện có 5 dự án đã được cấp chứng nhận đầu tư nhưng lại chưa có trong quy hoạch. Các dự án này cũng sẽ phải được tiến hành rà soát lại, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

“Nếu dự án vẫn đủ điều kiện theo quy định thì UBND cấp tỉnh lập hồ sơ đề nghị bổ sung vào quy hoạch gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”, ông Phong cho biết.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đầu Tư