Top

Cổ tức bất động sản, xây dựng bết bát nhất năm 2012

Cập nhật 01/01/2013 07:52

Số công ty đã trả cổ tức 2012 giảm 80-90% so với cùng kỳ. Một loạt tên tuổi lớn như OGC, NTL, PVR hay HDG đến cuối năm vẫn chưa thông báo trả cổ tức.

Theo dữ liệu của VnExpress.net và thống kê của VNDIRECT, tính đến cuối năm, trên ba sàn giao dịch Hà Nội, TP HCM và UPCoM có 174 doanh nghiệp thuộc 30 ngành, lĩnh vực thông báo trả cổ tức 2012. Con số này giảm 65% so với năm 2011 (501 doanh nghiệp) và gần 70% so với năm 2010 (579 doanh nghiệp).

Kinh tế khó khăn cùng với thị trường địa ốc đóng băng, chỉ 27 doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng thông báo trả cổ tức, trong khi số lượng của năm trước là 142.

Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Tiền Giang (THG) là đơn vị trả cổ tức thấp nhất ngành Vật liệu xây dựng, 300 đồng mỗi cổ phiếu, giảm một nửa so với năm 2011.

Lợi nhuận sau thuế quý III công ty giảm gần 95% so với cùng kỳ xuống còn 151 triệu đồng. Lũy kế 9 tháng, lãi sau thuế công ty cũng hạ gần 27%, xuống 9,3 tỷ đồng.
 

Số doanh nghiệp trả cổ tức của ngành địa ốc giảm 90% trong năm nay. Ảnh: Hoàng Lan


Trong lĩnh vực bất động, mới có 6 doanh nghiệp thông báo trả cổ tức năm 2012, bằng 20% năm ngoái. Trong đó, một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần Tập đoàn Đại Dương (mã: OGC), Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Từ Liêm (mã: NTL), Công ty cổ phần Kinh doanh Dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (mã: PVR), Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HDG)... đến thời điểm này vẫn chưa thông báo.

Việc ngành Vật liệu xây dựng và bất động sản giảm số công ty trả cổ tức 2012 là điều có thể dự báo trước. Bởi trước đó, dù gần thời điểm cuối năm, một loạt công ty xây dựng vẫn xin cổ đông cho giảm chỉ tiêu kinh doanh.

Trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 13/11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng - Trịnh Đình Dũng khẳng định, tồn kho bất động sản có ảnh hưởng trực tiếp đến những ngành có liên quan như vật liệu xây dựng. Theo số liệu của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, hiện, gạch ốp lát vật liệu xây dựng nung và không nung, đặc biệt là kính xây dựng tồn kho khá nhiều, tương đương với hai tháng sản xuất. Riêng xi măng, tồn kho tuy giảm nhưng vẫn bằng 17 ngày sản xuất, tức là 2,57 triệu tấn.

Tổng giá trị tồn kho bất động sản ước tính khoảng 40.750 tỷ đồng, tập trung tại tất cả các dự án từ nhà chung cư, nhà ở thấp tầng, văn phòng, trung tâm thương mại... "Hiện nay là giai đoạn khó khăn nhất của thị trường bất động sản, và chắc chắn vẫn phải tiếp tục khó khăn", ông Dũng đánh giá.

Không chỉ riêng lĩnh vực xây dựng – bất động sản, một số ngành được xem là phát triển ổn định và ít tính đầu cơ như Ga, nước và dịch vụ công cộng gia dụng cũng giảm mạnh lượng doanh nghiệp trả cổ tức. Trong khi năm 2011 lĩnh vực này có 16 công ty thanh toán cổ tức, sang năm 2012, mức này đã giảm trên 80%, xuống còn 3 đơn vị. Công ty cổ phần CNG (CNG) đạt tỷ lệ thực hiện cao nhất với 15% và chỉ mới thanh toán đợt 1/2012.

Các ngành còn lại hầu hết giảm từ 20-50% lượng doanh nghiệp đăng ký trả cổ tức năm nay. Duy nhất lĩnh vực khai thác mỏ gia tăng 20% số công ty thanh toán cổ tức cho cổ đông năm 2012 so với năm ngoái.
 

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress