Top

Không nên bơm thuốc tăng lực cho địa ốc

Cập nhật 01/01/2013 07:37

Sau khi dự thảo bơm hàng chục nghìn tỷ đồng cứu nền kinh tế được công bố, các chuyên gia khuyến cáo không nên trực tiếp bơm tiền cho bất động sản mà hãy trị bệnh từ gốc rễ là hạ lãi suất, tạo điều kiện để người dân mua nhà.

Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường bất động sản Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC) Huỳnh Phước Nghĩa phân tích: "Cứu địa ốc lúc này không thể dùng cách bơm thuốc tăng lực. Bởi lẽ thuốc trợ lực chỉ trị bệnh từ ngọn, ít hôm khối u ở gốc rễ lại phình ra. Chữa không khéo lại thành nan y".

Theo ông Nghĩa, thị trường nhà đất đã lún sâu trong khủng hoảng, đề kháng kém nên không thể chỉ trông cậy vào thần dược vì sẽ gây tác dụng phụ. Bất động sản cần sự hỗ trợ dài hơi trong 3 năm nữa mới lại sức. Vì vậy, cần có 2 pháp đồ điều trị song song.

Một là điều trị ngắn hạn, giao nhiệm vụ và chọn mục tiêu khả thi trong 12 tháng. Cơ sở để bước vào đợt điều trị đầu tiên là phải cơ cấu lại hệ thống ngân hàng trước khi cứu địa ốc. Theo đó, đơn vị nào yếu kém phải khai tử. Doanh nghiệp còn nội lực mới được đi tiếp. Các dự án có ảnh hưởng xã hội lớn được ưu tiên trước. Chỉ có dự án khả thi mới được rà soát hỗ trợ đầu ra bằng công cụ hạ lãi suất, giảm thuế cho người mua. Điều trị bước một có thể xem là liệu pháp xoa dịu thị trường.
 

Các chuyên gia cho rằng thay vì bơm tiền vào thị trường như liều thần dược, Chính phủ chỉ nên cứu địa ốc từ gốc rễ là hạ lãi suất, tạo điều kiện để người dân mua nhà. Ảnh: Vũ Lê


Bước điều trị thứ hai là chọn giải pháp dài hơi để áp dụng tối thiểu 3-5 năm, đảm bảo tính ổn định cho bất động sản. Cách này lệ thuộc vào các quyết sách vĩ mô. Để đạt được hiệu quả, doanh nghiệp và Nhà nước cùng bắt tay nhau tạo điều kiện, hỗ trợ người dân mua nhà. Giá phải hợp lý, lãi suất lùi về mức thấp nhất có thể và ổn định lâu dài thậm chí phải giảm giá thêm.

"Gói giải cứu bất động sản của Chính phủ phải truyền đi bức thông điệp không bơm thuốc tăng lực cho bất cứ ngành nào mà chỉ phục vụ lợi ích chung của nền kinh tế", ông Nghĩa góp ý.

Ông Phạm Thanh Hưng – Giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Thế Kỷ cho rằng tử huyệt của địa ốc là hàng tồn kho nên cần tập trung giải quyết đầu ra. "Giải pháp giảm VAT cho người mua nhà và hạ lãi suất ít nhiều sẽ có tác dụng kích cầu", ông nói.

Ngoài ra, theo ông Hưng, hàng tồn đọng chủ yếu là căn hộ có diện tích lớn, trong khi thu nhập của người dân lại có hạn. Do đó phải nhanh chóng đưa ra các hướng dẫn về việc chia nhỏ diện tích căn hộ, điều mà Bộ Xây dựng đã đồng ý về chủ trương. Nhu cầu thuê nhà của người dân rất cao, vì thế nên đưa ra mô hình nhà cho thuê với diện tích 30-40 m2.
Địa ốc cao cấp rơi vào tình cảnh ế ẩm. Ảnh: Hoàng Lan

Với Phó Giám Đốc Công Ty TNHH Địa ốc Đất Lành, Nguyễn Văn Đực, giải pháp hữu hiệu cho bất động sản là tiếp tục hạ lãi suất xuống còn 7-8% một năm đồng thời cho phép triển khai căn hộ nhỏ khoảng trên dưới 30 m2. Trong khi đó, Giám đốc Công ty Lê Thành, Lê Hữu Nghĩa đề xuất Chính phủ cho áp dụng cơ chế đóng thuế bằng sản phẩm là nhà đất đối với doanh nghiệp cạn tiền thực hiện nghĩa vụ tài chính.

"Thu thuế bằng bất động sản sẽ giúp Chính phủ có quỹ nhà lớn để bình ổn thị trường hoặc cho thuê, phục vụ đối tượng chính sách vẫn hơn là không thể làm gì", ông Nghĩa nói.

Cố vấn cấp cao của Bộ Tài nguyên Môi trường, Đặng Hùng Võ đánh giá cao phương án hỗ trợ lãi suất để tạo sức mua cho cầu trong bối cảnh thị trường đang ế ẩm. Theo ông Võ, hiện nay dù đã giảm giá đến 50% nhưng căn hộ vẫn vượt khả năng chi trả của nhiều người, lượng hàng ế vẫn lớn. "Nên thành lập một công ty có đủ tiềm lực tài chính mua nợ xâu cũng như địa ốc tồn kho. Điều mà một số nước như Thái Lan, Mỹ đã làm", ông Võ kiến nghị.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng Đại học Mở TP HCM cho rằng muốn kích cầu bất động sản phải áp dụng liệu pháp tâm lý. Bởi lẽ, khủng hoảng tâm lý đang như dây thòng lọng siết cổ thị trường. Trị liệu tâm lý phải do Chính phủ thực hiện bằng cách tạo sự an tâm cho người vay tiền mua nhà. Cần giúp họ tính toán được các chi phí và lãi suất dài hạn, từ đó dự phòng được độ rủi ro.

"Nếu lãi suất được hỗ trợ ở mức 8% trong thời gian tối thiểu 3-5 năm cho người mua căn hộ đầu tiên để ở (giá 15 triệu đồng mỗi m2 trở xuống, diện tích không quá 70 m2) thì thanh khoản của thị trường sẽ chuyển biến", ông Thuận dự báo.
 

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress