Top

Cơ hội mua tài sản đảm bảo của ngân hàng

Cập nhật 02/04/2018 16:57

Cơ hội thâu tóm được các tài sản chất lượng với giá cạnh tranh đang mở ra cho các nhà đầu tư khi ngày càng nhiều ngân hàng, những chủ đầu tư muốn rao bán, chuyển nhượng các dự án có quy mô lớn.

Điển hình như mới đây, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thông báo sẽ sớm tổ chức đấu giá khu phức hợp Saigon One Tower, tọa lạc tại góc Tôn Đức Thắng, Hàm Nghi, quận 1 – TP.HCM với mức giá khởi điểm từ 6.110 tỷ đồng.


Cao ốc Saigon One Tower là một trong những tài sản chất lượng của ngân hàng sẽ được bán đấu giá thu hồi vốn luân chuyển cho sản xuất kinh doanh

Trước đó, VAMC đã tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm của Công ty Sài Gòn One Tower để xử lý, thu hồi nợ. VAMC cũng đã ký hợp đồng mua nợ với một số tổ chức tín dụng với khoản nợ của nhóm khách hàng gồm: Công ty Sài Gòn One Tower, Công ty Tân Superdeck M&C, Công ty Tư vấn đầu tư và xây dựng Minh Quân, Công ty Đầu tư Liên Phát với tổng dư nợ gốc và lãi hiện tại hơn 7.000 tỷ đồng.

Saigon One Tower là một trong những tòa nhà có vị trí đắc địa nhất tại khu vực trung tâm thành phố. Với 41 tầng và tổng diện tích sàn xây dựng lên đến 152.000 m2, khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, Saigon One Tower sẽ có tiềm năng mang lại lợi nhuận hấp dẫn cho các chủ đầu tư, đặc biệt khi các lô đất sạch, có vị trí tốt như tòa nhà này ngày càng khan hiếm ở khu vực trung tâm.

Trong năm nay, khối lượng công việc mà VAMC cùng các ngân hàng dự kiến xử lý, rao bán lên đến 140.000 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với quy mô xử lý được năm trước. Nguồn cung tài sản có chất lượng vì thế sẽ gia tăng đột biến, mang lại cơ hội rất tốt cho những nhà đầu tư có năng lực tài chính để sở hữu được những dự án có vị trí đẹp.

Thực tế, trong các năm qua, bên cạnh những chủ đầu tư gặp hạn thì cũng có những tay chơi nhanh nhạy với thời cuộc, thâu tóm các cơ hội để cất cánh. Tiêu biểu như Tập đoàn Hưng Thịnh đã nhận chuyển nhượng hàng chục dự án từ các chủ đầu tư cũ, tái cấu trúc và kinh doanh khá hiệu quả. Tập đoàn Đất Xanh cũng là một tay chơi nổi tiếng với những thương vụ M&A đình đám và từ đó phất lên trở thành một trong 3 thương hiệu bất động sản hàng đầu tại TP.HCM hiện nay.

Gần đây nhất, Đất Xanh đã mua lại 2 dự án khá lớn là khu căn hộ 9.700 m2 tại Hà Nội từ tay của Công ty bất động sản Sài Đồng, thâu tóm dự án sân-gôn và biệt thự sinh thái 170 ha tại Cam Ranh, Khánh Hòa của Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam. Theo chia sẻ của lãnh đạo Đất Xanh, công ty sẽ tiếp tục chiến lược gia tăng quỹ đất thông qua M&A để đạt mục tiêu quy mô 2.000 ha và tổng diện tích sàn là 20 triệu m2 vào năm 2020.

Bên cạnh các nhà đầu tư trong nước, dòng tiền ngoại cũng là nguồn lực đáng chú ý. Trong 3 tháng đầu năm 2018, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lĩnh vực kinh doanh bất động sản chiếm vị trí thứ ba trong số các ngành nghề thu thút được nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhất với quy mô 486 triệu USD. Cơ hội đón nhận dòng tiền tỷ USD đổ vào thị trường bất động sản trong năm 2018 là điều được nhiều chuyên gia cho rằng hoàn toàn khả khi.

Theo bà Khanh Nguyễn, Giám đốc bộ phận Thị trường Vốn của Hãng tư vấn JLL Việt Nam, nhờ những yếu tố thuận lợi về kinh tế vĩ mô như chính sách tiền tệ tiếp tục ổn định và lạm phát được kiểm soát. Bên cạnh sự gia tăng quan tâm của các nhà đầu tư ngoại, năm 2018 được kỳ vọng sẽ ghi nhận mức kỷ lục về M&A trên thị trường bất động sản Việt Nam.

“Các phân khúc thu hút nhất là phân khúc nhà ở rất tiềm năng, trải rộng từ bình dân đến trung cấp, cao cấp. Phân khúc bất động sản thương mại thì có thể kể đến văn phòng có dòng tiền ổn định và tỷ suất vốn hóa sinh lợi trên dưới 7%. Khách sạn, căn hộ dịch vụ cũng là nơi tiềm năng thu hút được dòng vốn đầu tư”, bà Khanh Nguyễn nhận định.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo ngân hàng