Trong lúc nhiều doanh nghiệp BĐS thu hẹp quy mô đầu tư, các doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành tìm cách thoái vốn, lãnh đạo CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) lại lên kế hoạch thành lập công ty con chuyên đầu tư BĐS. CII “tiên đoán” gì cho thị trường sắp tới? CII sẽ “thâu tóm” các dự án nào từ các nhà đầu tư khác khi họ không còn sức chịu đựng? ĐTTC đã trao đổi với ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII.
* PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, việc CII tiến hành tái cấu trúc phải chăng để đưa doanh nghiệp thoát hiểm trong bối cảnh khó khăn chung?
Ông Lê Quốc Bình: - Sau 12 năm hình thành và phát triển, CII đã trở thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cầu đường, nước, dịch vụ hạ tầng, xây dựng và chiếu sáng công cộng. Tuy nhiên, 2013 là năm đầu tiên CII gặp khó khăn trong việc cân đối lợi nhuận, doanh thu.
Từ những ngày đầu thành lập, tổng tài sản của CII tăng từ 1.000 tỷ đồng lên 6.600 tỷ đồng, danh mục đầu tư tăng từ 1.000 tỷ đồng lên hơn 13.000 tỷ đồng như hiện nay. Tốc độ tăng trưởng cao và danh mục đầu tư ngày càng nhiều nên mô hình quản trị ban đầu không còn phù hợp.
Cụ thể, phía công ty gặp khó khăn trong điều hành, hạch toán kế toán, định giá tài sản, huy động vốn. Về phía cổ đông và các nhà đầu tư, công ty gặp khó trong việc đánh giá hiệu quả hoạt động chung và dự báo kết quả hoạt động trong tương lai để đưa ra chiến lược đầu tư. Về phía đối tác và các nhà tài trợ vốn, chúng tôi cũng khó khăn trong việc tách biệt theo dõi đánh giá dòng tiền đầu tư vào từng lĩnh vực hoặc dự án cụ thể.
Như vậy, việc tái cấu trúc lần này ban lãnh đạo công ty đã có kế hoạch từ trước. Khi tái cấu trúc, tôi cho rằng mô hình mới sẽ có nhiều ưu điểm, như chuyên môn hóa hoạt động đầu tư và quản lý danh mục đầu tư, thuận lợi trong việc huy động vốn và kêu gọi đầu tư chiến lược do việc riêng biệt hóa từng lĩnh vực; thu hút được các nhà đầu tư các lĩnh vực công nghệ cao…
Thị trường BĐS 2014 sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp có năng lực về tài chính. Ảnh: B.MINH
|
* Mô hình mới của CII hoạt động ra sao thưa ông?
Hiện CII có 7 công ty con và 6 đơn vị liên kết. Theo cơ cấu tổ chức mới, CII thành lập 5 công ty trực thuộc CII Holdings tập trung vào 5 lĩnh vực chính, gồm: CII Bridge & Road (thực hiện các dự án trong lĩnh vực cầu đường); CII Water (các dự án trong ngành nước); CII E&C thi công công trình hạ tầng; CII Land đầu tư các dự án BĐS và CII Service chuyên thực hiện dịch vụ hạ tầng như thu phí, bảo dưỡng chăm sóc cây xanh.
Trong đó, CII duy trì nắm giữ tối thiểu 40% cổ phần tại các công ty thành viên, nắm giữ ít nhất 2 vị trí chủ chốt là chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc. Theo kế hoạch, năm 2014 chúng tôi sẽ thành lập 2 đơn vị thành viên mới là CII Bridge & Road, vốn điều lệ dự kiến 2.000 tỷ đồng và tăng theo quy mô đầu tư, ngành nghề chính thực hiện các dự án đầu tư, đường theo hình thức BOT, BT… và CII Land có vốn điều lệ 500 tỷ đồng và tăng theo quy mô đầu tư, ngành nghề chính là đầu tư, xây dựng và phát triển các dự án BĐS.
Các đơn vị còn lại được tổ chức sắp xếp lại. Trong quá trình đầu tư kinh doanh, từng mảng sẽ được chuyên môn hóa, trong từng trường hợp cụ thể CII Holdings sẽ có vai trò điều phối giữa các đơn vị thành viên để dự án được triển khai nhanh và hiệu quả nhất. Ngoài ra CII Holdings còn có vai trò huy động vốn cổ phần, nghiên cứu phát triển dự án, quản lý các dự án đầu tư, hỗ trợ thu sếp nguồn vốn cho các dự án của công ty con, kêu gọi đầu tư trực tiếp và gián tiếp…
Để tái cấu trúc thành công và hiệu quả, CII đã tiến hành ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với VietinBank. Theo đó VietinBank sẽ mua lại toàn bộ các khoản nợ của CII và các công ty con, cung cấp các khoản vay mới phục vụ danh mục đầu tư của CII, đầu tư 1.200 tỷ đồng trái phiếu do CII phát hành trong năm 2014 để đảm bảo nguồn tài chính cho những dự án CII chuẩn bị triển khai.
* Trong tình hình BĐS khó khăn, tại sao CII chuyển hướng sang lĩnh vực mới?
- Năm 2014 sẽ có nhiều cơ hội cho những nhà đầu tư thực sự có năng lực. Tuy nhiên, không phải dự án nào chúng tôi cũng chọn mua mà mà phải đáp ứng một trong những tiêu chí sau để lựa chọn. Thứ nhất, những dự án BĐS nhà nước được cổ phần hóa. Thứ hai, những dự án có nợ xấu bị ngân hàng xiết nợ, phát mãi. Thứ ba, những dự án được kết nối vào những trục giao thông thuận lợi. Thứ tư, những dự án được Nhà nước giao đất thu tiền sử dụng đất.
Chúng tôi dựa vào những tiêu chí trên để lựa chọn để không phải bắt đầu từ đền bù giải tỏa, thủ tục đầu tư rất mất thời gian…
Hiện nay, thị trường BĐS còn nhiều khó khăn, giá xuống thấp. Nhưng đây cũng là cơ hội cho những nhà đầu tư có thực lực. Sau khi CII Land ra đời chúng tôi sẽ tiến hành triển khai một số dự án như cao ốc 152 Điện Biên Phủ, tổng mức đầu tư 1.256 tỷ đồng, hiện TP đã cho chuyển đổi công năng; xúc tiến chuyển nhượng khách sạn Mê Kông-Tiền Giang; xúc tiến thực hiện dự án Diamond Riverside tổng mức đầu tư 1.960 tỷ đồng…
Ngoài ra, chúng tôi đang xúc tiến một dự án có quy mô khoảng 7.000 tỷ đồng tại một trong những vị trí đẹp nhất TPHCM.
Xin cảm ơn ông.
DiaOcOnline.vn - Theo SaiGonDauTu
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: