Top

Chuyên nghiệp hóa “cò” nhà đất (phần 2)

Cập nhật 23/02/2008 10:00

Tiền mất, nợ mang vì tin lời “cò”

Cố tình che giấu thông tin về quy hoạch, tính pháp lý của bất động sản, nhiều “cò” đã khiến người mua trắng tay.

Trong những ngày đóng vai người đi mua đất, tôi đã vô tình chứng kiến nỗi đau của những người bị chính quyền địa phương cưỡng chế tháo dỡ nhà. Đa số là những người dân nghèo vì quá cần nhà ở nên đã “sập bẫy” lừa của các “cò”.

“Chúng tôi biết về đâu?”

Anh TVS bước ra từ phòng làm việc của chủ tịch xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh (TP.HCM) với gương mặt tái xanh. Anh nói như kẻ mất hồn: “Rồi đây, vợ tôi cùng hai đứa nhỏ không biết sẽ ở đâu. Vậy là mất hơn trăm triệu đồng. Hai vợ chồng tôi đã phải dành dụm gần chục năm, cộng thêm tiền vay mượn mới mua nổi một căn nhà nhỏ ở khu này để qua khu chế xuất làm việc cho tiện...”.

Được biết, anh vừa nhận quyết định buộc tháo dỡ nhà, trả lại hiện trạng ban đầu với lý do đó là khu quy hoạch. Khi anh hỏi mua, tay “cò” và chủ nhà đã giấu mọi thông tin về việc căn nhà này đang bị xã cưỡng chế. Anh và chủ nhà chỉ ghi bằng giấy tay với giá thấp, vì theo lời “cò” “nếu sau này xã cho làm giấy chủ quyền thì đóng thuế ít”. Do chủ quan nên anh đã không ra xã để tìm hiểu kỹ càng...

Cũng tại xã này, bác LTT là cán bộ về hưu, cũng phải thường xuyên vác đơn ra xã xin đừng cưỡng chế tháo dỡ nhà. Trước đó, người nhà của bác đã trót nghe lời “cò”, đem tiền được đền bù từ một dự án của thành phố ra đây mua nhà xây không phép.

Trên con đường nhỏ làm ranh giới giữa hai xã Vĩnh Lộc A và B, tôi ghé vào một cụm nhà gần 20 căn thuộc ấp 1, Vĩnh Lộc A. Trước mắt tôi là một căn nhà đã bị đập nát nằm giữa ruộng. Một bà lão đang đứng gần đó nhìn chăm chăm vào nền nhà, buồn bã. Bà là mẹ của vợ chồng chủ nhà, một đôi vợ chồng trẻ làm công nhân trong khu công nghiệp.

Trước đây, họ phải thuê phòng trọ 2 x 4 m với giá 600.000 đồng/tháng. Khi họ sinh con, căn phòng trở nên quá chật chội, lại thêm chủ nhà bắt chẹt đòi nâng giá nên bà lão mới bán căn nhà nát cùng hai công ruộng ở dưới quê, đem tiền lên đây giúp họ mua đất cất nhà. Con trai bác tin lời “cò”, giờ cả gia đình rơi vào tình trạng “dở khóc, dở mếu” vì chưa biết đi đâu.

Tự rước phiền toái vào thân

Nhiều người còn tự rước nợ vào thân chỉ vì đặt hết niềm tin vào “cò”. Lần đó, một “cò” là nhân viên của một công ty địa ốc ở Bình Dương đã làm hàng trăm người “xanh mặt”. Chẳng hiểu “cò”này đường mật thế nào mà nhiều người ký ngay hợp đồng mua đất của công ty với giá tiền ít trong khi số tiền phải đóng trên thực tế lớn hơn gấp nhiều lần. Bà G., một trong số các người mua hiện đang ở nhà thuê, buồn bã nói: “Tôi đã đóng 100 triệu đồng nhưng phiếu thu chỉ ghi 20 triệu đồng, tôi có thắc mắc thì cô kế toán trưởng giải thích là để trốn thuế!?

Đã ba năm qua, nhiều lần tôi đến nhận đất nhưng công ty cứ bảo chờ”. Ông T., cũng nằm trong số người mua, cho biết: “Tôi cũng được phát phiếu thu ghi rất ít tiền. Cẩn thận, tôi đòi thêm giấy biên nhận viết tay thể hiện rõ số tiền giao dịch. Nhờ đó tôi mới có thể kiện ra tòa để đòi lại tiền sau khi năm lần, bảy lượt lên tòa. Ngặt nỗi, do có sự trượt giá quá lớn nên số tiền nhận được không đủ để tôi mua miếng đất khác”.

Nhiều người dân ở ấp 3, xã Hòa Phú, huyện Củ Chi đã lâm vào tình cảnh khốn đốn chỉ vì mảnh đất dùng để sản xuất, kiếm sống hàng ngày của họ đã bị “cò” TTD (ngụ cùng xã) giả mạo giấy tờ cùng chữ ký đem bán cho người khác. Thường ngày, bà “cò” hay cho người khác mượn tiền khỏi trả lãi với điều kiện phải giao cho bà giữ giấy chủ quyền nhà đất. Như ông LVP có hỏi mượn bà 27 triệu đồng và thế chấp lại “giấy đỏ” cho miếng đất hơn 1,4 ngàn mét vuông. Vài tháng sau, “cò” D. dùng “giấy đỏ” đó cùng với giấy mua bán đất giả mạo (thể hiện vợ chồng ông P. đã bán đất cho bà) để bán đất cho nhiều người khác. Danh sách các nạn nhân của “cò” D. trở nên “dày cộm”, như bà T. (ngụ cùng ấp) thiệt hại 85 triệu, bà H. (quận 12) 50 triệu, bà Ngọt (xã Trung An) 65 triệu, ông Minh (xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi) 50 triệu đồng...

Đau khổ hơn cả là trường hợp của ông HKD (phường 18, quận Tân Phú) khi gặp phải một “cò” bất lương. Thông qua “cò” này, ông đồng ý mua hơn 1.000 m2 đất với giá 72 lượng vàng. Cuối cùng, huyện cũng cấp “giấy đỏ” nhưng không phải cho ông mà là cho... “cò” khiến ông D. mất tiền và mất cả đất. Do đã bán nhà cũ để lấy tiền mua đất nên giờ ông D. đành phải ở tạm trên miếng đất do chính mình trả tiền mua trong thời gian chờ tòa án xét xử...

Kiên quyết dẹp “cò” lừa

Năm 2007, theo báo cáo của UBND huyện Bình Chánh, toàn huyện đã phát hiện hơn 1.100 trường hợp xây dựng, sửa chữa công trình không phép và sai phép. Huyện cũng đã cưỡng chế tháo dỡ xong hơn 300 vụ, buộc lập thủ tục xin phép gần 230 vụ, tiếp tục cưỡng chế 300 vụ... Trong báo cáo, ông Lê Minh Huệ - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cũng thừa nhận tình hình xây dựng không phép, sai phép, vi phạm về sử dụng đất đai tại các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Bình Hưng, Phong Phú... có lúc vượt quá tầm kiểm soát của chính quyền địa phương.



“Cò” TTD xã Hòa Phú, huyện Củ Chi (người ngồi bên trái)
đang cố gắng năn nỉ, thương lượng với những người bị hại.


Qua khảo sát thực tế mới đây, tôi nhận thấy xã Bình Hưng đã không còn cảnh bát nháo mua nhà, bán đất như những xã khác. Một lãnh đạo của UBND xã Bình Hưng cho biết: Trong năm qua, xã này đã tháo dỡ gần 80 căn nhà xây dựng trái phép, nguyên nhân chủ yếu là do người mua tin lời “cò”, không đến chính quyền địa phương tìm hiểu thông tin. Vì vậy, xã Bình Hưng đã kiên quyết dẹp bỏ những điểm môi giới, giới thiệu nhà, đất không phép, làm mất uy tín và gây khó khăn cho công tác quản lý của địa phương...

Cũng với quyết tâm chấn chỉnh trật tự xây dựng, ông Phan Văn Cư - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A cho biết: Sắp tới xã này cũng sẽ đề xuất bên Công an huyện và Công an khu vực quyết liệt dẹp bỏ nạn “cò” đất tại địa phương. Chỉ trong vòng tháng qua (từ tháng 12-2007 đến tháng 1-2008), Đảng ủy xã đã có ba văn bản yêu cầu nghiêm cấm và xử lý nghiêm những cán bộ có biểu hiện tiếp tay, gửi gắm, làm rối trong lĩnh vực xây dựng của xã. Xã cũng đã thu giữ hàng trăm bảng hiệu giới thiệu mua bán đất của các “cò”.

Trong năm qua, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân đã phát hiện hơn 430 trường hợp xây dựng trái phép, cưỡng chế 268 căn, xử lý 13 trường hợp san lấp đất nông nghiệp để phân lô bán nền. Công an phường này cũng đã chuyển hồ sơ lên Công an quận xem xét, điều tra một số “cò” mạo danh quen biết các cán bộ địa phương nhận tiền bảo kê xây cất nhà trái phép.

Riêng với xã Vĩnh Lộc B (Bình Chánh), ông Thiều Văn Se - Chủ tịch UBND xã này cho biết: Do chưa có quy hoạch sử dụng đất 1/2000 nên xã không thể cung cấp thông tin chính xác cho người dân. Về phần mình, vì có nhu cầu nhà ở nên người dân nghe lời “cò” nhà, đất làm liều bằng nhiều biện pháp đối phó. Thêm nữa, trình tự thủ tục xử lý tháo dỡ nhà trước đây phải mất nhiều thời gian, người vi phạm luôn cố tình né tránh nên rất khó xử lý. Sắp tới xã quyết tâm sẽ xử lý mạnh tay hơn để ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực.

Xã được quyền tháo dỡ nhà trái phép trong vòng năm ngày

Theo Điều 9, 10 Quyết định 89 ngày 18-6-2007 của Thủ tướng Chính phủ, khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về xây dựng, thanh tra viên xây dựng cấp phường phải lập biên bản, yêu cầu chủ đầu tư ngừng thi công xây dựng và tự phá dỡ công trình vi phạm. Trong thời hạn 24 giờ từ khi lập biên bản (kể cả ngày lễ, Tết, thứ Bảy, Chủ nhật và ngày nghỉ khác), nếu chủ đầu tư không ngừng thi công xây dựng và không tự phá dỡ bộ phận công trình vi phạm thì người lập biên bản phải trình chủ tịch UBND cấp phường ra quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình.

Trong thời hạn ba ngày kể từ ngày ban hành quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình, nếu chủ đầu tư không tự phá dỡ công trình, bộ phận công trình vi phạm hoặc vắng mặt thì chủ tịch UBND cấp phường ra quyết định cưỡng chế phá dỡ bộ phận công trình vi phạm và tổ chức phá dỡ.


>Chuyên nghiệp hóa “cò” nhà đất (phần 1).


Theo Pháp Luật TP.HCM