Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, cùng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện tốt Luật Xây dựng 2014, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 18/2016/TT-BXD quy định chi tiết và hướng dẫn một số nội dung về thẩm định, phê duyệt dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình.
Thông tư số 18/2016/TT-BXD góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng, phòng chống tham nhũng, lãng phí... (Ảnh: TL)
|
Sau thời gian ngắn đi vào thực tế cuộc sống, Luật Xây dựng 2014 đã góp phần nâng cao vai trò quản lý Nhà nước về xây dựng, đảm bảo công khai, minh bạch về quy trình cấp giấy phép xây dựng, khắc phục trình trạng quy hoạch chồng lấn, quy hoạch treo; đảm bảo các dự án đầu tư xây dựng đúng mục tiêu, chất lượng, hiệu quả. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp, cũng như các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện tốt Luật Xây dựng, Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều thông tư hướng dẫn về công tác quản lý các dự án đầu tư xây dựng, quy hoạch xây dựng, cấp phép xây dựng...
Thông tư số 18/2016/TT-BXD quy định chi tiết và hướng dẫn một số nội dung về thẩm định, phê duyệt dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình là một trong những thông tư đã và đang được dư luận đánh giá cao.
Thông tư số 18/2016/TT-BXD quy định chi tiết về thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng và thiết kế, dự toán xây dựng công trình theo quy định tại Nghị định số 59/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Thông tư mới này cũng đã thay thế nhiều văn bản quy phạm pháp luật về thẩm tra, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng; quản lý chất lượng công trình xây dựng; thẩm tra, thẩm định và phê duyệt thiết kế xây dựng công trình đã hết hiệu lực thi hành.
Để đảm bảo tính phù hợp thực tế, Thông tư số đã luật hóa các bước thẩm định dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình theo quy định. Cụ thể, đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, hồ sơ trình thẩm định được gửi đến cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp để thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng.
Ngoài ra, đối với dự án sử dụng nguồn vốn khác, hồ sơ trình thẩm định bắt buộc phải trình cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp để thẩm định thiết kế cơ sở (hoặc thiết kế bản vẽ thi công đối với dự án có yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật) đối với dự án đầu tư xây dựng có công trình cấp đặc biệt, cấp I, công trình công cộng, công trình có ảnh hưởng lớn đến cảnh quan, môi trường và an toàn cộng đồng...
Về phía các cơ quan thẩm định sẽ có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra sự đầy đủ, tính hợp lệ của hồ sơ trình thẩm định. Hồ sơ trình thẩm định có thể được trả lại cho người đề nghị thẩm định khi bị từ chối tiếp nhận trong các trường hợp không hợp lệ. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, cơ quan thẩm định có trách nhiệm xem xét, gửi văn bản yêu cầu bổ sung hồ sơ trình thẩm định đến người đề nghị thẩm định (nếu cần) hoặc trả lại hồ sơ thẩm định. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của cơ quan thẩm định, nếu người đề nghị thẩm định không thực hiện việc bổ sung hồ sơ thì cơ quan thẩm định sẽ dừng việc thẩm định, người đề nghị thẩm định trình thẩm định lại khi có yêu cầu.
Trong quá trình thẩm định, cơ quan thẩm định có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp các thông tin tài liệu, số liệu cần thiết để phục vụ công tác thẩm định; mời tổ chức, cá nhân có chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm phù hợp tham gia thực hiện thẩm định.
Bên cạnh đó, cơ quan thẩm định có thể yêu cầu chủ đầu tư lựa chọn trực tiếp tổ chức tư vấn thẩm tra phục vụ công tác thẩm định hoặc xem xét sử dụng kết quả thẩm tra của chủ đầu tư, trong trường hợp chủ đầu tư đã thực hiện thẩm tra và đề nghị chủ đầu tư giải trình, làm rõ các nội dung liên quan đến thẩm định nếu thấy cần thiết.
Khi kết thúc công tác thẩm định, cơ quan thẩm định phải lưu trữ, bảo quản tờ trình thẩm định; các kết luận của tổ chức, cá nhân tham gia thẩm định; văn bản đóng góp ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan và thông báo kết quả thẩm định đến người đề nghị thẩm định theo hình thức gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện.
Với nhều điểm mới, kể từ khi được ban hành, Thông tư số 18 đã nhận được nhiều phản ứng tích cực từ phía các cơ quan chuyên môn. Nổi bật là sự đánh giá về quan điểm tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với thẩm định, phê duyệt dự án và thiết kế, dự toán xây dựng công trình, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng, phòng chống tham nhũng, lãng phí, mà nổi bật là sự phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng, tránh nhiêu khê, phiền hà.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: