Top

Chuyển đổi nhà tái định cư Thủ Thiêm: Nếu dân quay lưng...

Cập nhật 03/11/2018 08:18

PGS.TS Trần Chủng chỉ ra 3 điều kiện chuyển đổi nhà tái định cư sang nhà thương mại để người dân không còn quay lưng.

Theo đề xuất của Sở Xây dựng TP.HCM, sẽ chuyển đổi 1.330 căn hộ tái định cư không còn nhu cầu sử dụng thuộc khu 38,4ha phường Bình Khánh (quận 2, TP.HCM) do liên danh Sacomreal - Thuận Việt - Thành Thành Công làm chủ đầu tư thành nhà ở thương mại.  TP.HCM sẽ xác định giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường phù hợp với mục đích sử dụng đất, để thu tiền sử dụng đất đối với khu đất đã giao.

Số căn hộ trên nằm trong chương trình đầu tư xây dựng 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: người dân đã chê nhà tái định cư, làm sao để người mua loại nhà ấy sau khi chuyển đổi thành nhà thương mại có thể chấp nhận?

Về vấn đề này, PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng, cho rằng, trước hết cần phải hiểu rõ nguyên nhân vì sao người dân quay lưng với nhà tái định cư.

Những tháp nhà tái định cư tại phường Bình Khánh (quận 2, TP.HCM) được xây dựng hoành tráng nhưng hoang vắng. Ảnh: TheLEADER

Thứ nhất, chất lượng nhà tái định cư, từ chất lượng công trình, hạ tầng đến nội thất… còn yếu kém.

Thứ hai, việc xây dựng nhà tái định cư trước nay vẫn theo một quan niệm đó là, nhà tái định cư chỉ là "nhà ở" mà quên mất hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội xung quanh, như đường, trường, trạm...

Cuối cùng, công tác quản lý nhà tái định cư là không có, có chăng thì cũng thiếu trách nhiệm dẫn đến nhà tái định nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng.

"Nhà tái định cư không đơn giản chỉ là chuyện "an cư", xây mỗi cái nhà là xong mà phải giúp người dân "lạc nghiệp" và đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của người dân", PGS.TS Trần Chủng nhấn mạnh.

Vì những lẽ đó, theo nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, để người dân không còn quay lưng với nhà tái định cư, kể cả sau khi đã chuyển đổi, phải giải quyết ba vấn đề quan trọng nêu trên.

"Đối với nhà tái định cư, tồn tại của chúng trong những năm qua chứng tỏ điều kiện về tính bền vững của kết cấu không đáng lo ngại. Điều người dân hay phàn nàn nhất hiện nay là chất lượng phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày. Nếu muốn chuyển đổi nhà tái đinh cư thành nhà thương mại thì phải khắc phục điểm yếu ấy, hoàn thiện hệ thống trang thiết bị của tòa nhà.

Một yếu tố quan trọng khác để chuyển đổi nhà tái định cư thành nhà thương mại, khiến khu nhà trở nên có giá trị đó là phải phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội, khiến người dân cảm thấy được phục vụ và muốn ở lâu dài.

Thứ ba, phải thay đổi cơ chế quản lý công trình nhà tái định cư, nếu không sẽ không thể có công tác bảo hành, bảo trì lâu dài", ông Chủng phân tích.

Vị chuyên gia cũng khẳng định, trước khi chuyển đổi nhà tái định cư sang nhà thương mại đương nhiên đơn vị tư vấn phải tiến hành khảo sát, đánh giá đúng thực trạng của nhà tái định cư, từ đó đưa ra giải pháp cũng như mức giá phù hợp. Còn về cấp độ hoàn thiện, chủ đầu tư có thể căn cứ vào tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng để xây dựng, sửa chữa cho đạt, có thể là nhà ở thương mại cao cấp hoặc các cấp độ khác.

"Cũng có dự án chuyển nhà tái định cư sang nhà ở xã hội. Việc này tùy theo diện tích, mức độ tiện nghi mà có cấp độ giá cả khác nhau.

Trước đây, chủ đầu tư nào khi xây dựng nhà thương mại cũng công bố dự án của mình là nhà thương mại cao cấp. Nhưng rõ ràng phải có tiêu chí về nhà ở thương mại và các chủ đầu tư phải đáp ứng được các tiêu chuẩn ấy", PGS.TS Trần Chủng cho biết.

Rõ ràng, nếu thực hiện được các bước như trên, sẽ không có những mập mờ, bao biện nhà tái định cư chuyển thành nhà thương mại không hấp dẫn, để dìm giá. Mặt khác, khi đó, việc đấu giá sẽ dễ dàng tiến hành, đảm bảo thu lợi tối đa về cho ngân sách nhà nước

DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt