Top

Chung cư dành cho ai?

Cập nhật 08/01/2008 08:00

Vài năm trở lại đây, chung cư trở thành xu thế lựa chọn mới của một bộ phận không nhỏ người dân TP.HCM. Hàng loạt dự án chung cư cao cấp được khởi công xây dựng thời gian gần đây dự báo sắp tới đây, “miếng bánh chung cư” sẽ là thị phần hết sức béo bở.

50 năm một giấc mơ

Xu thế đổ xô đi mua nhà chung cư để ở của người dân Sài Gòn thật ra mới chỉ rộ lên cách nay 2-3 năm. Bởi trước đây, đa số người dân thành phố chỉ mong có được một căn nhà trệt với một ít không gian sân bãi, mảng xanh, nếu không được như vậy thì họ có thể sống trong một căn nhà hình ống trong các khu phố chật hẹp. Đây chính là loại nhà phổ biến nhất ở các đô thị Việt Nam khi nó chiếm hơn 80% nhà ở dân dụng ở các đô thị lớn.

Theo thống kê, cho đến trước năm 1990 số lượng chung cư chỉ chiếm một phần rất nhỏ trên tổng số căn hộ đơn lẻ của thành phố. Nếu toàn thành phố có khoảng gần 950.000 căn nhà thì số nhà chung cư chiếm chưa tới 10%. Có thể nói, trước đây, phần lớn bị rơi vào thế chẳng đặng đừng người dân mới phải ở chung cư.

Tuy nhiên, từ năm 2002 trở đi, tại TP.HCM đã hình thành một trào lưu mua và tìm nhà chung cư cao cấp để ở nơi người dân. Chỉ trong vòng chưa tới 5 năm, hàng chục dự án chung cư cao cấp đã và đang ra đời. Những chung cư này chủ yếu có hai dạng: Loại chung cư cao cấp gắn với cảnh quan môi trường đẹp, có công viên, siêu thị, trường học, các loại hình dịch vụ phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí như sân tennis, hồ bơi, phòng tập thể hình, chùa, nhà trẻ…
 
Giá loại nhà này dao động từ 1.200-3.200 USD/m2, kiểu mẫu có thể kể đến: The Manor (Bitexco), Sky Garden (Phú Mỹ Hưng)… Loại thứ hai là chung cư cao cấp nhưng thuần túy là các block nhà đơn độc gồm nhiều căn hộ, giá mỗi căn hộ dạng này từ khoảng 10-14 triệu/m2.

Đặc điểm của các loại chung cư này là được xây dựng bằng các vật liệu đắt tiền, sử dụng các kỹ thuật công nghệ cao và đảm bảo an ninh (hệ thống camera kiểm soát an ninh 24/24, hệ thống phòng cháy chữa cháy tự động đạt chất lượng quốc tế). Diện tích mỗi căn hộ đều rộng rãi, tối thiểu là 65m2 và tối đa là 340m2 với các hạng mục như: phòng ngủ, phòng khách, phòng nghe nhạc, phòng massage, phòng đọc, phòng ăn, phòng tắm…

Ngoài ra, còn có một số dự án chung cư dành cho người thu nhập thấp đã được UBND TP phê duyệt khởi công xây dựng tại một số khu vực như: Thạnh Lộc (Q.12), Trường Thọ (Thủ Đức), khu kinh tế Nam Sài Gòn, các khu tái định cư tại Q.7, Tân Bình, Q.12 hoặc dự án tái định cư lên tới hàng chục ngàn hộ dân tại Tân Phú, Bình Chánh, Q.6. Tuy nhiên, mức giá của các căn hộ trên trong thực tế vẫn còn nằm khá xa tầm với của người thu nhập thấp.

Theo Sở Xây dựng TPHCM, đến 2010, TP sẽ xây 70.000 căn hộ chung cư và 18.000 phòng ở cho người thu nhập thấp thuê và mua trả góp, tính ra hàng năm thành phố phải xây dựng ít nhất 8.600 căn. Tổng vốn đầu tư cho chương trình này hơn 15.000 tỷ đồng. Nhưng đến nay, dù đã có 100 dự án đăng ký nhưng hầu hết đang nằm trên giấy!?

Ngay cả chương trình 10.000 căn hộ cho người thu nhập thấp do Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn chủ trì và tuyên bố rầm rộ từ năm 2001 cho đến nay cũng chỉ là “câu chuyện vui”! Kế hoạch hợp tác giữa Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn và một tập đoàn Hàn Quốc xây dựng những căn hộ dưới 200 triệu đồng bán trả góp cho người nghèo cũng chỉ trong quá trình bàn bạc nhưng chưa “nhất trí”.



Một mô hình chưa khả thi

Chị Trần Thị Thắm, giáo viên Trường Tiểu học Thới An (Q.12), cho biết: “Tôi và chồng hiện đang ở trọ nhà bà con nên khi nghe được thông tin bên Tân Thới Hiệp vừa xây xong khu chung cư dành cho người thu nhập thấp, lại có chính sách bán nhà trả góp nên chạy qua hỏi xem giá cả thế nào.
 
Tuy nhiên, giấc mơ có được căn hộ nho nhỏ để có thể “an cư lạc nghiệp” của vợ chồng tôi xem ra không thể thành sự thật bởi giá căn hộ quá cao. Với mức giá rao bán khoảng 370-420 triệu/căn hộ rộng 60m2 thì vợ chồng tôi phải tích lũy ít nhất 50 năm mới có thể có được”.

Không riêng gì những giáo viên như chị Thắm, phần lớn những cán bộ công chức nhà nước, người lao động có thu nhập dưới 1,5 triệu/tháng khi được hỏi cũng chỉ biết lắc đầu mà nói: Rất khó để có thể sở hữu một căn nhà loại này. Do ngoài việc giá cả cao hơn mặt bằng thu nhập thì các căn hộ trên còn hạn chế ở chỗ người muốn mua trả góp phải trả trước một số tiền đặt cọc tương đối lớn (khoảng 30%-50% giá trị căn nhà- chủ yếu là vay từ ngân hàng thông qua chính sách hỗ trợ CB-CNV mua nhà với thời hạn ưu đãi vay từ 20-30 năm).

Ngoài ra, họ còn phải đóng một số tiền hàng tháng khá cao, khoảng 1,3-6 triệu đồng/tháng. Với mức lương công chức, giáo viên, người lao động hiện nay vào khoảng 1,3-1,7 triệu/ tháng thì khoản tiền góp trên là rất khó.

Anh Nguyễn Thái Phong - công nhân Công ty Giày Thành Công nói: “Tôi cũng đã tìm hiểu khá nhiều về chủ trương xây và bán nhà trả góp cho CB-CNV của UBND TP nhưng nói thật, để mua được căn nhà với mức giá trên 300 triệu một chút là điều cực khó.
 
Tôi đã đi tham quan tương đối nhiều khu nhà ở dành cho người thu nhập thấp như Bàu Cát II (Tân Bình), Bùi Minh Trực (Q.8), An Phú- An Khánh (Q.2) nhưng chẳng nơi nào có giá bán thật sự dành cho người thu nhập thấp như chúng tôi.

Một tháng lương của tôi xấp xỉ 2 triệu đồng, cộng lương của vợ hơn 1 triệu đồng trong khi phải chi phí cho 2 đứa con đang ăn học, tiền thuê nhà… Có tiết kiệm lắm chúng tôi cũng chỉ dư được 500.000đ/tháng. Nếu trả góp bằng số dư ấy, vợ chồng tôi có góp hết đời cũng chưa trả xong nợ mua nhà. Nói chung, tôi thấy mô hình bán nhà trả góp cho người có thu nhập thấp thật sự chưa khả thi”.

Chính bởi những hạn chế trên nên có thể nói xu hướng chọn nhà chung cư để ở hiện nay chỉ là “gu” của một bộ phận nhỏ người dân có tiền chứ nó không dành cho người người nghèo, người có thu nhập thấp - những người thật sự đang có nhu cầu rất lớn về nhà ở.

Người thu nhập thấp có thể vay tiền mua nhà ở đâu?

Qũ phát triển nhà ở TPHCM: Bà Đỗ Kim Thúy, Phó Giám đốc Quỹ Phát triển nhà ở TPHCM, cho biết: Để chủ động có nguồn nhà cho người vay, Quỹ Phát triển nhà ở TP đang lập dự án xây chung cư cao 9 tầng tại khu đất trống 11,7ha ở phường Hiệp Thành, quận 12. Với giá bình quân 450 triệu đồng/căn, người vay Quỹ Phát triển nhà ở TP có thu nhập 6 triệu đồng/tháng (tính luôn thu nhập cả 2 vợ chồng) sẽ có cơ hội chọn lựa.

Saccombank: Việc Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và Định chế tài chính hợp tác phát triển Hà Lan (FMO) ký kết hợp đồng cho khoản vay tài trợ trên 9 triệu USD đã giúp tăng thêm một nguồn vốn vay cho người dân TP mua nhà.

Bà Phan Bích Vân, Tổng Giám đốc Sacombank, cho biết: Nguồn vốn này sẽ được cung ứng cho nhu cầu của các khách hàng muốn mua nhà, hợp thức hóa nhà đất, xây dựng và sửa chữa nhà với thời hạn tối đa lên đến 15 năm. Theo quy định về sản phẩm cho vay bất động sản của Sacombank, mức cho vay không vượt quá tỷ lệ cho vay tối đa so với giá trị tài sản bảo đảm, đồng thời không vượt quá 70% dự toán sửa chữa, chi phí hợp thức hóa; không vượt quá 60% giá trị chuyển nhượng, dự toán xây dựng...

Ngân hàng ACB: Hiện Ngân hàng Á Châu (ACB) sẵn sàng cho các khách hàng vay trả góp mua nhà ở từ 10 năm trở lên. Đối tượng được vay là người Việt Nam, có thu nhập ổn định, có tài sản thế chấp... Thời hạn cho vay là 10 năm với phương thức trả lãi hàng tháng và vốn trả vào cuối kỳ (nếu vay ngắn hạn) hoặc trả dần (vốn + lãi) hàng tháng (nếu vay dài hạn). Về thủ tục vay, ngoài giấy đề nghị vay vốn theo mẫu của ngân hàng, các khách hàng phải cung cấp thêm các giấy tờ như: CMND, hộ khẩu... của người vay.



Theo SGGP 12 Giờ