Top

Chủ đầu tư nợ tiền sử dụng đất: Khách hàng lo chuyện “tiền mình trong túi người ta”

Cập nhật 22/07/2015 08:35

Việc cơ quan thuế công bố danh tính các chủ đầu tư bất động sản nợ tiền sử dụng đất làm dấy lên một nỗi lo mới đối với những người mua nhà ở hình thành trong tương lai.

Theo Thông tư số 07/TT - NHNN về việc bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai của Ngân hàng Nhà nước mới đây, khách hàng có thể yên tâm phần nào với tiến độ thực hiện dự án của chủ đầu tư. Thế nhưng, với việc Cục Thuế Hà Nội công bố hơn 60 dự án của hàng chục doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nợ hàng ngàn tỷ đồng tiền sử dụng đất, người mua nhà ở hình thành trong tương lai lại đối mặt với nỗi lo khác.

Thông thường, khi thực hiện các hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư hạch toán và thu luôn các khoản thuế, phí và tiền sử dụng đất mà các bên phải thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước. Song khi giao kết hợp đồng, khách hàng ít khi thắc mắc về những khoản thu này, mà chỉ quan tâm đến giá bán và tiến độ giao nhận nhà ở. Vì vậy, việc sử dụng số tiền đáng lẽ phải được nộp vào ngân sách nhà nước này hoàn toàn nằm trong tay chủ đầu tư.

Berriver Long Biên là một trong 60 dự án còn nợ tiền sử dụng đất

Thực tế thời gian qua, đây chính là “lỗ hổng” để chủ đầu tư vô tư thu và “ém” các khoản tiền từ khách hàng vốn là nghĩa vụ của chủ đầu tư với Nhà nước. Chẳng hạn, tại Dự án Berriver Long Biên (ngõ 390 - Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, Hà Nội), Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng số 9 (Hanco 9) chào bán các căn hộ hình thành trong tương lai từ giữa năm 2012, nhưng đến nay, Hanco 9 vẫn nằm trong danh sách nợ thuế năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015, với gần 100 tỷ đồng.

Chị Nguyễn Minh Châu - một khách mua nhà tại Dự án bức xúc: “Việc chủ đầu tư không hoàn thành nghĩa vụ này đồng nghĩa với việc Dự án không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khách hàng mua nhà không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ. Hiện tại, những người mua căn hộ để đầu tư muốn chuyển nhượng căn hộ để “cắt lỗ” cũng gặp khó khăn khi tiến hành các thủ tục pháp lý liên quan do có thông tin chủ đầu tư nợ thuế”.

Việc bảo lãnh khác với việc cho vay, nên ngân hàng không chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ mà chủ đầu tư phải thực hiện với Nhà nước. ngân hàng chỉ chịu trách nhiệm về việc bảo lãnh của mình khi chủ đầu tư không giao nhà cho khách hàng đúng tiến độ như đã cam kết trong hợp đồng
 

Một địa chỉ nợ thuế khác là Dự án Trung tâm thương mại và nhà ở C1, Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội cơ bản đã bán hết các căn hộ và “thu đúng, thu đủ” tiền mua - bán căn hộ của khách hàng từ giữa năm 2014, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Theo con số mà Cục Thuế Hà Nội công bố, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà số 6 Hà Nội (chủ đầu tư) còn nợ thuế gần 116 tỷ đồng tại dự án này. Điều đó cũng có nghĩa là, dù người mua nhà có được bàn giao nhà đúng thời hạn, thì cũng chưa thể có giấy tờ “chính chủ”. Những khách hàng mua nhà ở hơn 60 dự án bất động sản còn nợ tiền sử dụng đất cũng phải đối mặt với vấn đề này.

Như vậy, việc cơ quan thuế công bố danh tính các chủ đầu tư nợ tiền sử dụng đất tưởng như chỉ là mối lo của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Nhưng thực tế, mối lo chủ yếu nằm ở những người bỏ tiền mua nhà ở hình thành trong tương lai, khi mà hàng ngàn tỷ đồng mà họ nộp cho các chủ đầu tư không được sử dụng đúng mục đích.

Giải thích thêm về Thông tư số 07/TT – NHNN, ông Trương Đình Long, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) phân tích, việc bảo lãnh khác với việc cho vay, nên ngân hàng không chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ mà chủ đầu tư phải thực hiện với Nhà nước. Ngân hàng chỉ chịu trách nhiệm về việc bảo lãnh của mình khi chủ đầu tư không giao nhà cho khách hàng đúng tiến độ như đã cam kết trong hợp đồng. Với những trường hợp chủ đầu tư không thực hiện bàn giao nhà ở theo tiến độ đã cam kết, bên mua, bên thuê mua có quyền yêu cầu ngân hàng hoàn lại số tiền ứng trước và các khoản tiền khác theo hợp đồng đã ký kết.



DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư