Top

Chủ đầu tư chung cư tiêu hết quỹ bảo trì

Cập nhật 08/06/2017 14:32

14 tỷ đồng quỹ bảo trì dự án đã được doanh nghiệp sử dụng vào mục đích khác và hiện không đủ nguồn tiền để trả ngay cho cư dân.

Đại diện Ban quản trị chung cư Thăng Long Garden (250 Minh Khai, Hà Nội) cho biết, từ khi được thành lập đến nay (cuối tháng 8/2016) đã 3 lần có văn bản yêu cầu chủ đầu tư là Công ty cổ phần May Thăng Long bàn giao quỹ bảo trì. Tuy nhiên, đơn vị này vẫn phớt lờ những kiến nghị đó. Theo ước tính của cư dân, quỹ bảo trì của dự án vào khoảng 14 tỷ đồng.

Tại cuộc họp gần đây giữa chủ đầu tư, đại diện Ban quản trị tòa nhà và chính quyền quận Hai Bà Trưng, ông Ngô Văn Đơn - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần May Thăng Long - chủ đầu tư dự án hứa hẹn sẽ chuyển trả ban quản trị 10% kinh phí bảo trì. Số còn lại, đơn vị này sẽ chuyển trả 10-12% mỗi quý.


Cư dân chung cư Thăng Long Garden hơn một lần căng băng rôn phản đối chủ đầu tư xung quanh việc bàn giao quỹ bảo trì, chất lượng công trình... Ảnh: NVCC

“Hiện tại việc kinh doanh của May Thăng Long rất khó khăn, nguồn thu hạn hẹp, tiền mặt không đủ khả năng chi trả. Tuy nhiên, giá trị tài sản của công ty nằm chủ yếu ở bất động sản và hoàn toàn đủ khả năng chuyển trả quỹ bảo trì cho ban quản trị. Hiện nay công ty có thể trả 10-12% quỹ bảo trì mỗi quý. Nếu ban quản trị yêu cầu thanh toán một lần thì công ty chưa thể thanh toán ngay được”, đại diện chủ đầu tư cho hay. Đại diện May Thăng Long cũng đề xuất Ban quản trị tìm kiếm khách hàng để cho thuê khu vực dịch vụ tại tầng một toà nhà để tăng nguồn thu.

Tuy nhiên, ông Đỗ Quang Bình - Trưởng ban quản trị chung cư Thăng Long Garden cho rằng, nếu chủ đầu tư tự ý sử dụng quỹ bảo trì vào việc khác là vi phạm pháp luật. Ông cũng đề nghị Công ty May Thăng Long thực hiện theo đúng quy định của pháp luật là trong vòng 10 ngày phải bàn giao phần kinh phí bảo trì.

Ông Phạm Bảo Chung - đại diện phòng Quản lý đô thị quận Hai Bà Trưng cũng cho rằng, việc kinh doanh thua lỗ của công ty không ảnh hưởng tới quỹ bảo trì bởi đây là nguồn thu độc lập với hoạt động của doanh nghiệp. “Công ty phải bàn giao ngay phần kinh phí bảo trì đối với phần căn hộ đã được các bên thống nhất. Trường hợp công ty không còn đủ quỹ bảo trì để bàn giao thì phải có văn bản đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được hướng dẫn giải quyết”, ông Chung nói.

Tại buổi họp, ngoài việc bàn giao quỹ bảo trì, ông Chung cũng đề nghị May Thăng Long cung cấp hồ sơ thiết kế quy hoạch đã được phê duyệt, đồng thời đề nghị các bên làm rõ các hồ sơ, tài liệu mà chủ đầu tư đã bàn giao cho ban quản trị. UBND TP Hà Nội sau đó cũng đưa ra chỉ đạo tương tự đối với chủ đầu tư.

Tuy nhiên, đến ngày 7/6, đại diện ban quản trị Thăng Long Garden cho biết, hiện phía chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện bất kỳ một công tác bàn giao nào về hồ sơ thiết kế, quy hoạch được duyệt, nhà sinh hoạt cộng đồng và quỹ bảo trì.

“Trước tình thế đó, Ban quản trị đã có văn bản gửi Sở Xây dựng, UBND TP Hà Nội về việc cưỡng chế bàn giao quỹ bảo trì, nhà sinh hoạt cộng đồng, hồ sơ dự án… đối với chủ đầu tư”, ông Phong nói.

Tại Hà Nôi, đây không phải là vụ việc chủ đầu tư có dấu hiệu chiếm dụng quỹ bảo trì chung cư duy nhất từ trước đến nay. Đầu năm 2015, cư dân tại tòa nhà Keangnam đã phải gửi đơn lên Thủ tướng để kêu cứu về việc quỹ bảo trì (giá trị khoảng 160 tỷ đồng) chưa được chủ đầu tư bàn giao dù Ban quản trị tòa nhà đã thành lập được 3 năm. Sau đó, chủ đầu tư dự án dù chấp thuận trả quỹ bảo trì nhưng theo phương thức từng phần.

Tại một số dự án khác cũng từng xuất hiện tình trạng chủ đầu tư chây ỳ bàn giao phí bảo trì dẫn tới kiện cáo kéo dài giữa 2 bên. Luật sư Nguyễn Hải Nam, Văn phòng Luật sư Trí Việt (Hà Nội) cho hay một trong những nguyên nhân khiến nhiều chủ đầu tư chây ì thực hiện chuyển Quỹ bảo trì cho Ban quản trị chung cư là hiện chưa có quy định, chế tài xử phạt những chủ đầu tư vi phạm.

Ông Nam cho hay, theo Luật Nhà ở năm 2014 quy định rõ, chủ đầu tư trích 2% giá trị căn hộ hoặc diện tích nhà bán, cho thuê mua để lập quỹ bảo trì chung cư... Sau khi thu kinh phí của người mua, thuê mua căn hộ hoặc phần diện tích nhà thì chủ đầu tư có trách nhiệm tạm lập tài khoản để quản lý kinh phí này. Khoản tiền này sẽ được giao cho Ban quản trị nhà chung cư đã được thành lập để thực hiện quản lý, sử dụng theo quy định.

"Việc sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung phải có hóa đơn tài chính, có thanh toán, quyết toán theo quy định của pháp luật về tài chính và phải báo cáo Hội nghị nhà chung cư. Chủ đầu tư sử dụng sai mục đích nói trên, chiếm dụng quỹ bảo trì là vi phạm pháp luật, cư dân có thể kiện ra tòa", ông Nam cho hay. 

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress