Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (TSNN) sửa đổi cho phép các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) tự chủ tài chính được sử dụng tài sản công là các bất động sản vào mục đích kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết. Đặc biệt hơn, các đơn vị này còn không phải thực hiện thủ tục xác nhận giá trị tài sản...
![]()
Một đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống bên trong khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình. Ảnh: tuoitre.vn
|
Nếu không định giá tài sản mà cho thuê theo cơ chế thị trường thì lấy cơ sở nào để xác định giá thuê, cho dù số tiền cho thuê có hồ sơ kế toán đầy đủ và số tiền thuê được nộp về đơn vị? |
Bộ Tài chính thuyết minh rằng, để tránh thất thoát số tiền thu được từ khai thác tài sản công tại các ĐVSNCL, dự thảo luật có quy định số tiền thu được từ khai thác tài sản công, sau khi trừ đi các chi phí có liên quan, thực hiện nghĩa vụ với nhà nước thì được tính thành phần kinh phí nhà nước hỗ trợ cho tổ chức, thay cho việc hỗ trợ tiền mặt như hiện nay.
Nghị định 16/2015/NĐ-CP về cơ chế tự chủ của các ĐVSNCL đã phân loại cụ thể các đơn vị này thành bốn loại theo mức độ tự chủ khác nhau: đơn vị được ngân sách đảm bảo, đơn vị tự đảm bảo được một phần chi thường xuyên, đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên, đơn vị đảm bảo được chi thường xuyên và chi đầu tư. Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, dự thảo luật quy định về chế độ quản lý, sử dụng tài sản công tại ĐVSNCL không phân theo Nghị định 16, đưa ra cùng một chế độ dùng chung cho tất cả các ĐVSNCL là chưa phù hợp, chưa khuyến khích các đơn vị tiến tới tự chủ tài chính, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách. Do vậy, cần phải phân định lại cụ thể, không đánh đồng đơn vị tự chủ ít với đơn vị tự chủ hoàn toàn trong việc cho phép sử dụng tài sản công theo các hình thức đã nêu trong dự luật.
Trên thực tế, ngay cả nguồn tài chính của đơn vị tự chủ đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, nghĩa là đơn vị tự chủ được ở mức cao nhất, cũng có nhiều nguồn đến từ ngân sách. Cụ thể, nguồn thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công lập bao gồm cả nguồn ngân sách đặt hàng cung cấp dịch vụ theo giá tính đủ chi phí; nguồn thu phí theo pháp luật về phí và lệ phí được để lại theo quy định (chi mua sắm sửa chữa trang thiết bị...), nguồn ngân sách cấp cho các nhiệm vụ không thường xuyên và các nguồn thu (nếu có), nguồn vốn vay, viện trợ. Vậy Nhà nước cho các ĐVSNCL liên doanh, cho thuê tài sản thì nguồn ngân sách nào dừng cấp, nguồn ngân sách nào tiếp tục cấp? Điều này chưa rõ!
Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng yêu cầu, không tiếp tục đầu tư, không giao cơ sở hoạt động hoặc kinh phí để mua sắm tài sản cho các ĐVSNCL tự chủ tài chính. Hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các đơn vị này phải theo nguyên tắc thị trường và theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Chỉ có tính đúng, tính đủ giá trị tài sản, nhất là các bất động sản của Nhà nước giao cho các ĐVSNCL, qua việc thẩm định giá, định giá cho thuê theo cơ chế thị trường và nộp về ngân sách; đồng thời với việc ngừng cấp vốn ngân sách qua các hình thức khác nhau cho các đơn vị này thì mới có cơ chế tự chủ đúng nghĩa. Đến lúc đó, Nhà nước có thể giao tài sản cho đơn vị mà không e ngại những cái bắt tay làm thất thoát giá trị tài sản nhưng có lợi cho cá nhân trong các thương vụ cho thuê, liên doanh, liên kết.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: