Việc mua nhà trên giấy thường mang lại nhiều rủi ro cho khách hàng, trong khi rất khó để biết được dự án nào là tốt, đầu tư an toàn.
Mua bán nhà trên giấy hay mua bán nhà hình thành trong tương là một trong những hình thức mua bán phổ biến trên thị trường hiện nay. Dù có ưu điểm là khách hàng được mua nhà với nhiều ưu đãi và tiến độ thanh toán linh hoạt, người mua có thể thu xếp nguồn tài chính đơn giản, nhưng đi cùng với đó là không ít rủi ro mà khách hàng có thể gặp phải.
Chỉ cần biết điều này, khách mua nhà sẽ không lo bị sập bẫy lừa. (Ảnh: Ngọc Vy) |
Các rủi ro có thể kể đến như: Có những dự án mà chủ đầu tư tới 20 năm vẫn chưa giải tỏa xong, chưa được cấp chủ quyền…Hay có những doanh nghiệp là đơn vị bán hàng lừa hàng trăm người, một căn bán cho nhiều người với nhiều thủ đoạn như thay đổi tên dự án, thay đổi chủ đầu tư, làm lại quy hoạch, tăng thêm các tiện ích không có thật, tăng giá so với cam kết… Do đó, bán nhà hình thành tương lai phải kiếm soát chặt chẽ nếu không phần thiệt sẽ rơi vào người tiêu dùng
Thực tế, khi mua bán nhà trên giấy, khách hàng rất khó để biết được các dự án có đủ điều kiện bán nhà hay không. Người mua chỉ chú ý đến giá cả, vị trí và các tiện ích của dự án. Chỉ đến khi báo chí hay cơ quan chức năng công bố thì người mua mới biết dự án đó có vấn đề. Tuy nhiên, lúc này, người chịu thiệt lại là các khách hàng.
Một trong những chiêu dụ dỗ khách hàng mua nhà phổ biến là các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp lợi dụng cơ chế ngân hàng cho vay bảo lãnh để đầu tư, tiềm ẩn rủi ro cho thị trường bởi hiện nay ngân hàng cho vay lên tới 70-80% giá trị sản phẩm nhà ở.
Đề cập đến yếu tố hạn chế rủi ro cho người mua nhà hình thành trong tương lai, các chuyên gia cùng nhấn mạnh vấn đề ngân hàng tham gia bảo lãnh dự án bất động sản.
Phát biểu tại cuộc tọa đàm “Nhà ở hình thành trong tương lai, làm gì để hạn chế rủi ro”, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông Việt Nam (OCB) cho rằng, thủ tục bảo lãnh không khó nhưng ngân hàng phải thẩm định cho đúng, số dự án được bảo lãnh tại OCB chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hiện tại ngân hàng chỉ chọn những chủ đầu tư có hướng đi đúng vào phân khúc của thị trường và phải xây dựng được uy tín trên thị trường.
“Ngân hàng chỉ chọn những chủ đầu tư có tiềm lực, tạo dựng được uy tín trên thị trường. Người mua chỉ cần hỏi chứng thư bảo lãnh của dự án muốn mua là có thể yên tâm. Tuy nhiên thực tế cho thấy không ít người khi mua nhà đã thờ ơ với thủ tục này”, ông Tùng chia sẻ.
Ông Ngô Quang Phúc – Phó Tổng giám đốc Him Lam Land, dù chủ đầu tư và ngân hàng thường chủ động thông báo về dự án bảo lãnh nhưng đa số khách hàng lại không quan tâm.
"Tôi cho rằng có hai yếu tố khách hàng nên quan tâm là giấy xác nhận chủ quyền được cấp và bảo lãnh của ngân hàng", ông Phúc nói.
Còn theo ông Nguyễn Đào Duy - Phó Tổng giám đốc Long Điền Group, để người dân không bị sập bẫy lừa, cơ quan quản lý cần công khai tất cả hồ sơ, dữ liệu cụ thể của từng doanh nghiệp, dự án để người mua có cơ sở chọn lựa, tránh những rủi ro khi giao dịch.
Về việc công khai các sai phạm, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các Sở, ban, ngành liên quan công khai các dự án vi phạm quy định pháp luật về đất đai, quy hoạch, trật tự xây dựng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, đề xuất phương án kiên quyết không xem xét cho các chủ đầu tư vi phạm được tham gia đầu tư dự án mới.
Dư luận cho rằng, việc làm trên của Hà Nội dù muộn nhưng mạnh tay với sai phạm trong lĩnh vực xây dựng là việc làm cần thiết hiện nay.
DiaOcOnline.vn - Theo VTC News
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: