Đến 31/3/2017, Hà Nội muốn hoàn thành việc kê khai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà. Tuy nhiên, việc cấp giấy chứng nhận vẫn còn nhiều trường hợp vướng mắc.
Lãnh đạo Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện tập trung hoàn thành công tác đăng ký kê khai đất đai trước 31/3/2017. (Ảnh: Dũng Minh)
|
Kẻ thiếu người thừa...
Tuần qua, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND TP.Hà Nội về tình hình, kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ) trên địa bàn Thành phố đã làm việc tại một số quận, huyện.
Theo báo cáo của quận Thanh Xuân, trên địa bàn quận, tổng số thửa đất là hơn 38.500 thửa, không kể các dự án phát triển nhà ở với diện tích khoảng 370 ha. Trong đó, quận đã cấp giấy chứng nhận cho hơn 30.800 thửa đất, đạt tỷ lệ 98% số thửa đất đủ điều kiện cấp sổ đỏ. Trên địa bàn quận, còn hơn 7.600 thửa đất chưa được cấp sổ đỏ.
Tại huyện Gia Lâm, trong khoảng 57.900 trường hợp sử dụng đất, có hơn 53.000 trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận và giấy xác nhận đăng ký đất đai, đạt 91,5%. Còn lại hơn 4.800 trường hợp chưa được cấp giấy, trong đó có 399 trường hợp đủ điều kiện, còn lại là trường hợp chưa đủ điều kiện đề nghị cấp.
Còn tại quận Hoàng Mai có hơn 50.000 thửa đất phải đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận, trong đó tổng số giấy chứng nhận đã cấp là hơn 41.000 thửa, đạt tỷ lệ 82%.
Nhìn chung, tại các quận, huyện mà Đoàn giám sát làm việc, tỷ lệ thửa đất đã cấp sổ đỏ đạt từ trên 70% cho tới trên 90%.
Tuy nhiên, công tác cấp sổ đỏ trên địa bàn Thành phố cũng có những vướng mắc, nghịch lý. Trong khi nhiều gia đình tha thiết xin cấp sổ đỏ nhưng không được, thậm chí vì bức xúc, mà dẫn đến khiếu kiện kéo dài, thì cũng có trường hợp, có sổ rồi, người dân không đến lấy.
Tại quận Thanh Xuân, theo báo cáo của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Thanh Xuân, hiện còn tồn khoảng 300 sổ đỏ mà người dân chưa đến lấy. Tương tự, tại các quận, huyện như Gia Lâm, Hoàng Mai đều tồn đọng số lượng lớn sổ đỏ người dân chưa nhận.
Nguyên nhân một phần do nghĩa vụ tài chính. Có trường hợp khi nhận thông báo phải nộp 200 triệu đồng thì người dân xin rút không làm sổ đỏ, vì không có tiền. Một bộ phận khác là do không có nhu cầu chuyển nhượng, nên không đến lấy. Tương tự, có nhiều trường hợp đủ điều kiện cấp giấy, nhưng người dân chưa có yêu cầu cấp sổ.
Theo quy định, việc đăng ký kê khai đất đai là bắt buộc, nhưng việc cấp sổ đỏ là do người dân yêu cầu. Khi người đân chưa có yêu cầu, thì cơ quan chức năng không thể cấp sổ. Do đó, tại quận Hoàng Mai vẫn còn 358 trường hợp đủ điều kiện trong số tổng số hơn 8.700 thửa đất chưa được cấp sổ, huyện Từ Liêm có 399 trường hợp đủ điều kiện trên tổng số hơn 4.800 thửa, quận Thanh Xuân có 398 thửa đang hoàn thiện hồ sơ trong số hơn 7.600 thửa chưa cấp sổ...
Rối thì phải gỡ
Theo báo cáo, những vướng mắc dẫn đến các thửa đất này chưa thể cấp sổ rất đa dạng, từ tranh chấp khiếu kiện, không phù hợp với quy hoạch, thiếu giấy tờ cần bổ sung, đến lấn chiếm đất công...
Tại huyện Gia Lâm, có nhiều khu nhà đơn vị chủ quản không bàn giao, hoặc tự bán cổ phần gây khó khăn quản lý. Đơn cử trường hợp Học viện Nông nghiệp, UBND huyện Gia Lâm cho biết, huyện đã mời Học viện làm việc, trong đó có nội dung bàn giao các khu tập thể của Học viện để chính quyền quản lý và cấp giấy chứng nhận cho các chủ sở hữu, nhưng Học viện cho biết, phải xin ý kiến bộ chủ quản.
Đến nay, các khu tập thể này mới tạm bàn giao và sau khi tạm bàn giao, mới cấp thêm được 3 sổ do vấn đề nghĩa vụ tài chính. Do thời điểm khác nhau, chính sách thay đổi, dẫn đến mức đóng góp về sau lớn hơn, người dân không đồng tình và không yêu cầu cấp sổ đỏ.
Tại quận Thanh Xuân, tỷ lệ cấp sổ lên tới 98%, nhưng 2% còn lại là những trường hợp tồn đọng kéo dài và chưa biết xử lý như thế nào.
Ông Nguyễn Xuân Lưu, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân nhìn nhận, tuy chỉ còn 2% nhưng tồn tại từ khi thành lập quận đến nay và đến 90% đơn thư về việc cấp giấy chứng nhận liên quan đến những trường hợp này. Trong đó, có 3 khu vực phức tạp nhất là hồ Hạ Đình, khu vực Khương Trung, khu vực Nguyễn Huy Tưởng.
Trong đó, hồ Hạ Đình là khu vực có nhiều thửa đất cần tháo gỡ khó khăn, bởi các căn nhà ở đây nằm trong quy hoạch cây xanh, không phù hợp đất ở. Theo đại diện của phường Hạ Đình tại buổi làm việc, từ trước khi thành lập quận Thanh Xuân, khu vực này là đất giãn dân. Sau này, mới có quy hoạch đất cây xanh quanh hồ. Qua rà soát, nhiều hộ nằm trong quy hoạch, nhưng xây dựng từ năm 1983 trước khi có quy hoạch, hiện người dân xây nhà 3 - 4 tầng, rất khó xử lý.
Ông Nguyễn Xuân Lưu cho biết, quận Thanh Xuân rất muốn làm và đã rà soát rất kỹ, thửa đất nào gỡ được, làm được thì đã làm, phần còn lại cần có chỉ đạo tháo gỡ khó khăn.
Tại quận Hoàng Mai, nhiều dự án đã giao đất từ lâu nhưng chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng gây khó khăn trong việc cấp sổ đỏ. Đơn cử như Dự án Khu đô thị phía Bắc và Tây Bắc Đại Kim - Định Công mở rộng 100 ha, đã có quyết định thu hồi đất từ năm 2004. Tuy nhiên, hiện nay Sở Quy hoạch - Kiến trúc đang kiểm tra, giải quyết kiến nghị điều chỉnh quy hoạch, nhưng chưa xong.
Hay Dự án trụ sở Ban quản lý dự án thủy lợi 401 và Trung âm Điều hành các dự án thủy lợi miền Bắc đã có quyết định thu hồi đất, nhưng công tác giải phóng mặt bằng còn lại diện tích thổ cư của 4 hộ dân. Sau đó, Ban quản lý dự án đã đề nghị điều chỉnh diện tích đất đã giao, loại trừ đất của 4 hộ dân, nhưng đến nay, các thủ tục điều chỉnh quy hoạch vẫn chưa được thực hiện xong, nên chưa có cơ sở cấp giấy chứng nhận cho các hộ gia đình này.
Nhìn chung, tại các cuộc làm việc, lãnh đạo Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện tập trung hoàn thành công tác đăng ký kê khai đất đai trước 31/3/2017. Phân loại tất cả trường hợp còn tồn đọng, hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận với những trường hợp đủ điều kiện. Với những vướng mắc vượt thẩm quyền hoặc tranh chấp kéo dài, cần báo cáo để có hướng xử lý với từng đối tượng cụ thể.
Chủ trương này của Hà Nội tạo hy vọng cho người dân về thửa đất của họ sẽ được gỡ rối và được cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc chờ hành động tháo gỡ thực tế...
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tính lũy kế đến 20/2/2017, Thành phố đã cấp được 1.319.397 sổ đỏ, đạt 90,35%, còn 131.027 thửa còn vướng mắc chưa cấp. Đối với đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa, đã cấp 605.714 sổ đỏ cho hộ gia đình cá nhân, đạt 96,44%.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: