Ảnh minh họa: Quang Long. |
Sự kiện nổi bật nhất trong tuần qua là chuyện ngày 9.9.2009, Thủ tướng Chính phủ đã có thông báo cho phép các địa phương tiếp tục cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất (sổ đỏ) theo Nghị định 181//2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 và cấp GCN quyền sở hữu nhà ở (sổ hồng) theo Nghị định 90/2006/NĐ -CP năm 2006. Có nghĩa rằng câu chuyện về “một giấy” cho cả nhà và đất đã chưa thể thành sự thật, mặc dù Luật sửa đổi một số điều liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản đã hiện thực nó kể từ ngày 1.8.2009.
Lý do vẫn chưa thể cấp một giấy là vì Nghị định hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi một số điều liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản về vấn đề này do Bộ Tài nguyên-Môi trường trình Chính phủ chưa được thông qua và ban hành. Sự bức xúc từ dư luận với hàng nghìn hồ sơ xin cấp GCN tồn đọng là lý do khiến Chính phủ phải ra quyết định cấp sổ hồng, sổ đỏ trở lại sau hơn 1 tháng tạm dừng.
Việc cho phép cấp trả lại sổ hồng, sổ đỏ khiến chúng ta nhớ lại cuộc tranh cãi về chuyện cấp một giấy hay hai giấy kể từ năm 1994. Hiện tại có 4 loại mẫu giấy chứng nhận cho nhà và đất song song tồn tại, gồm sổ đỏ theo Luật Đất đai năm 1993; sổ đỏ theo Luật đất đai năm 2003; sổ hồng (GCN quyền sở hữu nhà ở) theo Nghị định 61/CP năm 1994 về mua bán kinh doanh nhà ở và sổ hồng theo Luật Nhà ở và Nghị định 90/2006/NĐ -CP năm 2006. Câu chuyện tranh cãi giữa chuyện cấp 1 giấy hay 2 giấy thực chất đã kéo dài dai rẳng 15 năm nay, bắt đầu từ năm 1994, khi lần đầu tiên sổ hồng được cấp theo Nghị định 61. Đến năm 2003 Luật Đất đai sửa đổi quy định chỉ cấp một giấy là GCN quyền sử dụng đất và ghi nhận tài sản trên đất (do Văn phòng đăng ký nhà đất thuộc ngành TN-MT cấp). Nhưng sau đó, Luật Nhà ở năm 2005 và Nghị định 90 lại quy định tác riêng để cấp GCN quyền sở hữu nhà (do cơ quan Xây dựng cấp). Cuộc tranh luận lúc này nổ ra gay gắt hơn, nhưng không ngã ngũ.
Phải đến tháng 11.2007, “phe” một giấy mới thắng thế, khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 07/2007/QH12, thống nhất cấp một giấy cho cả nhà và đất, thống nhất một đầu mối cấp giấy (Văn phòng đăng ký nhà đất). Nhưng cũng lại phải đợi đến tháng 6.2009, Quốc hội mới thông qua Luật sửa đổi một số điều liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản để luật hóa việc cấp "một giấy".
Người phát ngôn của Bộ Tài nguyên-Môi trường khi trả lời báo chí có nói rằng: "Dự kiến Nghị định về cấp GCN của Chính phủ sẽ có điều khoản quy định đối với các loại GCN cũ đã cấp sau ngày 1.8.2009 để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người được cấp các loại GCN này". Người dân có thể tạm yên tâm với lời hứa này của Người phát ngôn Bộ TN-MT nhưng có lẽ sự thất thường của thủ tục khiến người ta lo lắng khi mà chúng ta vẫn chưa có một hệ thống luật pháp về đất đai hoàn chỉnh.
Thuế TNCN từ chuyển nhượng bất động sản là 25%
Hướng dẫn mới về việc nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN ) khi chuyển nhượng bất động sản tuần qua cũng thu hút sự quan tâm của dư luận. Theo hướng dẫn tại Thông tư 161/2009/TT- BTC của Bộ Tài chính sẽ cố định cách tính thuế đối với TNCN từ chuyển nhượng bất động sản, thay vì được phép lựa chọn như trước đây. Theo đó chỉ áp dụng thuế suất 25% tính trên thu nhập chịu thuế, không áp dụng thuế suất 2% tính trên giá chuyển nhượng.
Trả lời báo chí, bà Trần Thị Lệ Nga, Trưởng Phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế Cục Thuế TPHCM cho biết Cục Thuế TPHCM cũng đã có công văn gửi các doanh nghiệp (DN) kinh doanh bất động sản (BĐS) trên địa bàn để hướng dẫn việc thu thuế TNCN đối với cá nhân chuyển nhượng BĐS. Trường hợp trong hợp đồng đã thể hiện rõ giá chuyển nhượng, giá vốn chuyển nhượng và các chi phí liên quan trực tiếp đến việc chuyển nhượng (có hóa đơn chứng từ hợp pháp) thì phải áp dụng thuế suất 25% tính trên thu nhập tính thuế.
Do đó, theo bà Nga, trường hợp chuyển nhượng quyền mua căn hộ trong các hợp đồng đã thể hiện rõ giá chuyển nhượng, giá vốn chuyển nhượng và các chi phí liên quan trực tiếp đến việc chuyển nhượng thì phải áp dụng thuế suất 25% tính trên thu nhập chịu thuế, không được áp dụng thuế suất 2% tính trên giá chuyển nhượng. Tương tự, trường hợp cá nhân mua nền nhà trong khu quy hoạch, mọi chi phí liên quan đã do chủ đầu tư chi trả, khi chuyển nhượng cá nhân cũng phải đóng thuế TNCN theo thuế suất 25% trên thu nhập tính thuế.
Bà Nga cũng lý giải, quy định trước đây: người nộp thuế được phép lựa chọn hình thức nộp thuế là 2% trên giá chuyển nhượng hoặc 25% trên thu nhập tính thuế để có lợi hơn cho người nộp thuế là theo tinh thần công văn số 762/BTC-TCT ngày 16-1-2009 của Bộ Tài Chính hướng dẫn một số nội dung về thuế TNCN. Nhưng văn bản 762 đã bị bãi bỏ theo khoản 1, điều 7, Thông tư 161/2009/TT-BTC kể trên.
Lê Đình - DiaOcOnline.vn
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: