Top

Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở chậm, do đâu?

Cập nhật 25/04/2013 10:50

Việc tổ chức bộ máy thực hiện công tác cấp GCN tại một số UBND quận chưa được kiện toàn, làm ảnh hưởng đến chất lượng thẩm định hồ sơ. Hiện có các quận Hoàn Kiếm và Đống Đa chưa thành lập được Văn phòng đăng ký QSDĐ.

Chưa xong thủ tục, đã xây và bán nhà…

Chiều qua (24-4), UBND TP Hà Nội đã tổ chức giao ban trực tuyến về công tác cấp giấy chứng nhận(GCN) quyền  sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn Hà Nội.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó GĐ Sở TN&MT cho biết, hiện Hà Nội có 125.000 trường hợp sử dụng đất còn tồn đọng khó khăn, vướng mắc chưa cấp được GCN. Nguyên do, nguồn gốc sử dụng đất phức tạp, do lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, giao đất trái thẩm quyền… Điển hình, huyện Từ Liêm còn 16.000 trường hợp, huyện Ứng Hòa có 14.835 trường hợp, huyện Phú Xuyên có 11.227 trường hợp, huyện Chương Mỹ có 10.671 trường hợp và quận Hai Bà Trưng có 7.466 trường hợp.

Tính từ  năm 2001 đến tháng 5-2012, Hà Nội đã giao đất cho 370 dự án phát triển nhà ở, với tổng diện tích 121.433m2, khoảng 590.000 căn hộ, nhà liền kề, nhà biệt thự phải cấp GCN. Tuy nhiên, tỷ lệ cấp GCN cho người mua nhà tại các dự án còn đạt tỷ lệ thấp, với khoảng 200.000 trường hợp vướng mắc cần tháo gỡ. Dù Bộ TN-MT đã có Văn bản số 2470/NTNMT-TCQLĐĐ hướng dẫn thực hiện một số giải pháp đẩy nhanh việc cấp GCN, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc, chủ yếu là do chủ đầu tư. Cụ thể: Thời gian triển khai của nhiều dự án còn kéo dài, có dự án khởi công nhưng thời gian thi công, đầu tư xây dựng trên 10 năm, trong khi thực hiện dự án lại thay đổi chủ đầu tư, điều chỉnh qui hoạch, thay đổi hệ số sử dụng đất, qui mô công trình.

Ngoài ra, nhiều chủ đầu tư (CĐT) đã vi phạm về quy hoạch, thiết kế xây dựng đã được duyệt nên phải chờ xử lý xong vi phạm mới cấp GCN; chưa làm xong thủ tục pháp lý về đất đai đã xây dựng và bán nhà ở nên không đủ căn cứ để cấp GCN; CĐT được TP giao đất xây dựng chung cư được miễn tiền sử dụng đất (trước Luật Đất đai năm 2003), nhưng khi bán căn hộ (sau năm 2004) thì trong giá bán vẫn bao gồm cả giá trị tiền sử dụng đất; CĐT thu tiền của người mua căn hộ khi làm thủ tục cấp GCN trái pháp luật… Ngoài ra, còn có tình trạng CĐT chậm trễ trong nộp hồ sơ để làm GCN cho người mua, hoặc chưa muốn làm thủ tục cấp GCN do tình trạng mua đi, bán lại cũng là nguyên nhân khiến việc cấp GCN chậm trễ.

Người dân nộp hồ sơ làm thủ tục tại bộ phận một cửa UBND quận Hoàng Mai.     Ảnh: Phương Thảo

Thái độ của cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu

Vừa qua, ông Nghĩa cho hay, Sở TN-MT đã khảo sát tại bộ phận một cửa của 10 phường, xã, quận, huyện. Bất cập được ghi nhận là tình trạng niêm yết hồ sơ thủ tục không đầy đủ, hoặc không cập nhật, đẫn đến công dân đến cứ theo văn bản cũ để làm thì không làm được. Còn riêng quận Hoàng Mai, hồ sơ cấp GCN đã được duyệt không được chuyển thẳng về Văn phòng đăng ký QSDĐ như các quận, huyện khác, mà phải “đi vòng” qua bộ phận một cửa, rồi mới chuyển ngược lên… Báo cáo của Sở TN-MT cũng cho thấy, tồn tại tại các xã, phường là việc thụ lý hồ sơ để hoàn thiện thủ tục cấp GCN chậm, đòi thêm thành phần hồ sơ ngoài thủ tục đã công bố, áp dụng qui định về cấp GCN thiếu chính xác, xác nhận không đúng về nguồn gốc, loại đất và thời điểm sử dụng đất…

Với các quận, huyện, một số Văn phòng đăng ký QSDĐ còn kéo dài thời gian thụ lý, thẩm định hồ sơ cấp GCN; chậm có văn bản yêu cầu bổ sung hồ sơ, hoặc đã có văn bản thông báo bổ sung hồ sơ nhưng nằm ngoài danh mục TTHC đã công bố, gây khó khăn cho người dân. Chưa kể,  khi gặp các vướng mắc đã không đề ra biện pháp giải quyết dứt điểm, hoặc đề xuất báo cáo UBND giải quyết.

Phân tích về tình trạng vướng mắc trên, ông Nghĩa cho rằng, quá trình triển khai công tác cấp GCN phải thực hiện nhiều văn bản, trong khi đó, lượng hồ sơ kê khai cấp GCN  nhiều, tính chất phức tạp, tinh thần, thái độ của cán bộ địa chính trong việc tiếp xúc với nhân dân chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, thị trường bất động sản trên địa bàn TP có nhiều diễn biến phức tạp, tăng dân số cơ học, không kiểm soát được nhu cầu về nhà ở dẫn đến việc chuyển nhượng nhà đất trái phép… Việc tổ chức bộ máy thực hiện công tác cấp GCN tại một số UBND quận chưa được kiện toàn, làm ảnh hưởng đến chất lượng thẩm định hồ sơ. Hiện có các quận Hoàn Kiếm và Đống Đa chưa thành lập được Văn phòng đăng ký QSDĐ.

Tính đến nay, toàn TP đã cấp được 1.066.058 GCN đất ở cho các hộ gia đình, cá nhân tại khu vực đô thị và nông thôn. Năm 2013, Hà Nội đặt kế hoạch cấp 86.420 GCN, trong đó quý 1 đã thực hiện được 8.413 trường hợp, đạt 9,7%. Một giải pháp quan trọng được đưa ra là các quận, huyện, thị xã thành lập Ban chỉ đạo, tổ công tác liên ngành, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc cấp GCN; Văn phòng đăng ký QSDĐ phối hợp với UBND cấp xã chủ động tổ chức cho người sử dụng đất kê khai đăng ký đất đai mà không thụ động chờ người sử dụng đất đến làm thủ tục đăng ký như trước đây…

Kiến nghị miễn lệ phí trước bạ khi cấp GCN lần đầu
Sở TN-MT đề nghị UBND TP chỉ đạo các Sở, ngành nghiên cứu và bãi bỏ việc chứng thực hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân ở các xã do UBND thực hiện sang cơ quan công chứng, để người dân được lựa chọn hoặc chứng thực, hoặc công chứng. Đồng thời, Sở TN-MT cũng đề xuất Bộ TN-MT và các Bộ, ngành chức năng xem xét miễn lệ phí trước bạ khi cấp GCN quyền sử dụng đất lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân sử đụng đất để khuyến khích người dân đăng ký đất đai.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật & Xã Hội