Không thể phủ nhận những thành quả của quá trình phát triển đô thị, song thực tế cũng cho thấy, sự phát triển ồ ạt của hàng loạt cao ốc tại các đô thị lớn, đặc biệt là tại vùng lõi đô thị đã và đang gây áp lực cũng như nhiều hệ lụy cho đời sống xã hội.
Những khối bê tông khổng lồ đang lấp kín không gian bán đảo Linh Đàm. (Ảnh: T.H)
|
Cao ốc như nấm sau mưa
Tốc độ đô thị hóa ở nước ta dẫn đến tăng lượng dân số cơ học rất nhanh, đặc biệt là tại hai đô thị Hà Nội và TP. HCM. Để đáp ứng chỗ ở cho lượng lớn người đổ về các đô thị, nhiều nhà cao tầng mọc lên, tuy nhiên, trong khi khu vực nội đô cần hạn chế các tòa nhà cao tầng thì hiện nay nhiều dự án nhà ở lại luồn sâu vào vùng lõi đô thị dẫn đến mật độ dân số tại một số đô thị ngày càng dày đặc, gây nhiều áp lực lên hạ tầng kỹ thuật cũng như đời sống xã hội.
Đi dọc các tuyến đường ở Thủ đô Hà Nội, hình ảnh dễ bắt gặp nhất là các dự án nhà ở, trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng đã và đang được triển khai, ngay tại các khu vực thuộc các quận nội đô như Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm... Đơn cử, tại phố Thái Hà (Đống Đa), vốn là tuyến phố chịu nhiều áp lực bởi tình trạng tắc đường, nhưng hiện nay nằm cách không xa tổ hợp dự án chung cư, tòa nhà văn phòng Sông Hồng Land là các dự án cao ốc tại số 2, số 131 Thái Hà... đang trong quá trình xây dựng. Đường Trường Chinh cũng chịu cảnh tương tự. Trong khi Nhà nước phải đầu tư hàng nghìn tỷ đồng mở rộng đường nhằm giải quyết nạn ùn tắc nghiêm trọng cho tuyến đường này còn chưa xong, thì hàng loạt dự án cao tầng cứ vù vù mọc lên như nấm.
Tại quận Thanh Xuân, một số tuyến phố như Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương, Nguyễn Huy Tưởng, đường vành đai 3... cũng trong tình trạng tương tự. “Trên đường Lê Văn Lương, nhìn hai bên đường đâu đâu cũng có nhà cao tầng đang xây. Tới đây tình trạng tắc đường kéo dài tại khu vực này sẽ ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt và công việc của người dân”, chị Nguyễn Bích Thủy, phường Quan Nhân (Thanh Xuân) cho biết. Bên cạnh hàng loạt dự án đang triển khai xây dựng, trên đường Nguyễn Trãi một khu siêu đô thị rộng khoảng 110 ngàn ha cũng vừa được phê duyệt, là khu đô thị lớn thứ 2 tọa lạc trên đường Nguyễn Trãi, sau Royal City.
Nhà cao tầng mọc lên san sát tại khu Trung Hòa, Nhân Chính. (Ảnh: T.HIỀN)
|
Đường Lê Văn Lương như “đại công trường”
|
Trong khi đó, tại phía Nam thành phố, nhiều tuyến đường như Minh Khai, Lĩnh Nam... hiện có khá nhiều dự án cao ốc đang được xây dựng, dù tại các khu vực này, mật độ dân số cao, hạ tầng giao thông hạn chế nên thường xuyên tắc đường.
Cùng chung cảnh ngộ là các tuyến đường phía Tây thành phố. Khu đô thị (KĐT) Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, Q.Hoàng Mai, Hà Nội) cũng đang là KĐT phát triển “nóng”. Nếu trước đây Linh Đàm được đánh giá là KĐT có môi trường, cảnh quan tốt thì hiện nay danh hiệu này dường như đang có nguy cơ bị phá vỡ khi hàng chục dự án chung cư cao tầng đã và đang đổ bộ vào khu vực này với mật độ dày đặc khiến cho bộ mặt KĐT đang bị “băm nát”. Khi hàng loạt dự án này hoàn thành, cùng với số lượng người khổng lồ về sinh sống tại các toàn nhà, dự kiến sẽ kéo theo các dịch vụ phục vụ đời sống của người dân như cửa hàng, chợ, nhà hàng, cắt tóc gội đầu, rửa xe... mọc lên như nấm, lượng người đổ về đây sẽ ngày càng đông đúc, mật độ dân số tăng vọt.
Quản lý chưa nghiêm
Theo các chuyên gia, mật độ dân số không chỉ liên quan đến vấn đề hạ tầng cơ sở như trường học, bệnh viện, chợ mà còn gây áp lực lên hạ tầng kỹ thuật cấp điện, cấp nước, thoát nước, giao thông... Đặc biệt, vấn đề đáng lo ngại chính là nạn tắc đường do tốc độ gia tăng dân số gây ra.
Những tuyến đường như Cầu Giấy, Nguyễn Chí Thanh, Chùa Bộc... đang chịu nhiều áp lực do mật độ dân số ngày càng gia tăng, nhất là khi dự án chung cư mọc lên ngày càng nhiều tại các khu vực này. Không chỉ nội đô, tuyến đường Thanh Liệt (Thanh Trì, Hà Nội) mới hoàn thành được khoảng 3 năm trở lại đây nhưng ngay sau khi mở đường, con đường này đã thường xuyên rơi vào tình rạng ùn tắc. Một trong những nguyên nhân là do trong thời gian này, dự án chung cư Đại Thanh tại đường Phan Trọng Tuệ đi vào hoạt động. Với 6 tòa nhà cao 32 tầng, lượng dân cư sinh sống tại dự án này không hề nhỏ đã góp phần làm tăng lưu lượng xe qua lại trên tuyến đường này.
Bên cạnh áp lực lên hạ tầng kỹ thuật, việc xây dựng ồ ạt các dự án nhà ở với mục tiêu lợi nhuận cũng làm thu hẹp không gian công cộng, bãi đỗ xe, trường học... dẫn đến nhiều hệ lụy. Đơn cử, dù là KĐT kiểu mẫu nhưng KĐT Linh Đàm lại không có hệ thống trường học công lập, vì vậy, hiện nay đa phần trẻ em trong KĐT phải học tại trường tiểu học, THCS Hoàng Liệt gây quá tải cho các trường học này. Anh Hà Huy Linh, một người dân sống tại KĐT Linh Đàm cho biết, gia đình anh mua nhà tại đây từ 2006, tuy nhiên hiện anh đang có ý định mua nhà ở nơi khác. Một trong những nguyên nhân khiến anh có quyết định này là do lo ngại khi các dự án này đi vào sử dụng, ùn tắc giao thông và môi trường sống ngột ngạt là điều không tránh khỏi. Tại KĐT Trung Hòa Nhân Chính, các tòa nhà cao tầng mọc lên san sát, trong khi đó diện tích dành cho bãi đỗ xe hạn chế dẫn đến nhiều tuyến đường nội đô, vỉa hè bị chiếm dụng làm chỗ để xe.
Về vấn đề này, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, từ năm 2011 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phân vùng để kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng nhà cao tầng, theo đó, các công trình nằm trong khu vực nội đô lịch sử cần hạn chế chiều cao, do vậy, hầu hết dự án trong khu vực này chỉ cấp phép xây dựng tối đa 9 tầng, cùng với đó là việc di dân ra ngoại thành để giảm dân số nội đô từ 1,2 triệu người xuống 800.000 người.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, bên cạnh việc chế tài không nghiêm, dưới áp lực mạnh mẽ của cơ chế thị trường, các khu đất vàng ở Thủ đô xây càng cao càng lãi nên bất cứ chủ đầu tư nào cũng muốn xây cao tầng, vì thế cơ chế xin cho tiếp tục diễn ra. Lấy dẫn chứng vụ tòa nhà số 8 Lê Trực (Ba Đình) với chiều cao được cấp phép xây dựng là 53 m, ông Hùng cho rằng đây là một sự “nhân nhượng” rất lớn giữa chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước với DN. “Tất cả những điều này đều do các nhà quy hoạch, các nhà quản lý. Trước hết, do chúng ta không làm quy hoạch chi tiết kịp thời, dẫn đến chỗ nào chưa có quy hoạch chi tiết 1/500 là lại “xin và cho”. Bên cạnh đó là do quản lý không nghiêm. Hà Nội hiện có nhiều công trình sai phép, tất cả do công tác quản lý đô thị của chúng ta “yếu kém”. Nhưng “yếu kém” này không phải là do trình độ, mà là muốn phạt cho tồn tại. Với mức phạt bằng 50% giá trị xây dựng thì chủ đầu tư vẫn lãi lớn”, ông Hùng phân tích.
Theo lãnh đạo Tổng hội Xây dựng Việt Nam, bức tranh toàn cảnh này đòi hỏi phải khẩn trương quy hoạch chi tiết 1/500 toàn bộ các tuyến phố, khu vực. Việc này không có gì khó khăn, vì có 3 chỉ tiêu quan trọng cần quan tâm là hạn chế chiều cao, chỉ giới đỏ và phần trăm hệ số sử dụng đất. Khi có quy hoạch rồi thì phải quản lý chặt chẽ. “Tôi cho rằng thời gian qua chính quyền đô thị quản lý không tốt, nếu cứ để như thế này thì còn tắc đường, còn thiếu nước, còn bị úng ngập và nhiều hậu quả xã hội to lớn. Đây là trách nhiệm của chính quyền đô thị. Chúng ta không thiếu lực lượng, vì thế cần phải kiên quyết và có chế tài nghiêm khắc hơn”, ông Hùng kiến nghị.
DiaOcOnline.vn - Theo Hải Quan
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: