Top

Cao ốc khiến hạ tầng đô thị “chết ngạt”

Cập nhật 08/11/2007 10:00

Cần có nhiều dự án đầu tư địa ốc đúng chỗ và hợp lý hơn để giải quyết bài toán hạ tầng đô thị đang quá tải của TP.HCM.

  Những bất cập của hạ tầng đô thị TP.HCM đang bày ra trước mắt. Ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông, hạ tầng xuống cấp... vấn đề nào cũng khẩn cấp, cũng khó giải. Vì thế, việc phát triển các dự án địa ốc cần hết sức thận trọng, nếu không, hạ tầng đô thị sẽ bị “chết ngạt”.

  Cao ốc “đè” hạ tầng

TP.HCM hiện khoảng 3,5 triệu xe gắn máy (chưa kể nửa triệu xe từ các tỉnh lân cận) và 300.000 ô tô chen chúc nhau trên 1.713 tuyến đường nhỏ hẹp (chỉ có 14% trong số này có lòng đường rộng hơn 12 mét) thì không thể tránh khỏi hiện tượng kẹt xe, nhất là khi một số tuyến đường bị ngập nước vì mưa và triều cường. Có thể nói số người chết và bị thương do tai nạn giao thông hiện nay một phần là do mạng lưới giao thông quá tải và xuống cấp.

  Hơn nữa, hạ tầng đô thị quá tải cũng đe dọa sự phát triển kinh tế của thành phố. Làm sao thu hút được đầu tư khi tốc độ đi lại của xe gắn máy vào giờ cao điểm chỉ từ 8-10 ki lô mét/giờ, còn ô tô khoảng 6-8 ki lô mét/giờ? Nhưng thật khó hiểu là chính quyền thành phố vẫn thản nhiên cấp phép cho các dự án cao ốc trong khu trung tâm trong khi bài toán về hạ tầng chưa có hướng giải. Cao ốc càng nhiều, mất độ dân số càng cao thì đường phố càng chật hẹp, xe cộ dễ va quẹt hơn.

Nhiều cao ốc đang ùn ùn mọc lên như nấm sau mưa trong khu trung tâm của thành phố. Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, hiện có trên 150 cao ốc đã và đang xây dựng trong khu trung tâm chỉ rộng khoảng 930 héc ta. Đáng buồn là các dự án này không mấy quan tâm đến hạ tầng đô thị chung. Nhiều cao ốc xây thiếu khoảng lùi. Xây cao ốc mà như xây nhà phố! Các cơ quan chức năng xét duyệt hồ sơ đầu tư cao ốc chưa lường được những đòi hỏi về hạ tầng khi các cao ốc đưa vào sử dụng...

  Vì vậy, đã đến lúc phải nghiên cứu sâu sắc hơn những vấn đề mà các dự án cao ốc gây ra để có cách xử lý phù hợp. Các cao ốc mới làm cho dân số trong khu trung tâm tăng, kéo theo lượng xe cộ, điện, nước, bãi đậu xe, chất thải... tăng; trong khi hệ thống hạ tầng đô thị chưa được đầu tư tương xứng. Tại sao chính quyền thành phố không bắt nhà đầu tư địa ốc đóng góp vào quỹ xây đường mới, đóng góp vào việc đầu tư phương tiện chuyên chở công cộng, chỗ đậu xe nhiều hơn nhu cầu của dự án để góp phần giải quyết nạn kẹt xe và nâng cấp hạ tầng đô thị?

  Bãi đậu xe - vấn đề lớn

Bãi đậu xe chỉ là một trong nhiều vấn đề của hạ tầng đô thị nhưng nó đang là vấn đề lớn của hiện tại và tương lai gần. Tỷ lệ sở hữu xe ở TPHCM đang tăng rất nhanh. Năm 2000, tổng số ô tô và xe máy chưa đến 2 triệu chiếc nhưng đến tháng 10 - 2007 con số này đã hơn 3,5 triệu chiếc. Mỗi tháng có thêm khoảng 35.000 xe gắn máy và 2.500 ô tô được đăng ký mới. Trong khoảng 10 năm tới, với đà phát triển kinh tế như hiện nay, số xe gắn máy sẽ tiếp tục tăng gấp hai, ba lần, còn ô tô sẽ tăng vọt gấp nhiều lần, có thể gấp 5, thậm chí là 10 lần. Rồi đây đô thị TPHCM sẽ mịt mù trong khói xe cá nhân.

  Vậy có nên giới hạn xe cá nhân? Không thể. Vì hiện nay phương tiện công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Vậy làm sao giải được bài toán khó đó, để tránh giao thông bị tắc nghẽn thường trực trong tương lai gần?

  Cứ mở rộng đường ra mãi? Đó không phải là giải pháp hay, vì về lâu dài số lượng xe cũng sẽ tăng mãi. Trong cuộc rượt đuổi này bên thua chính là đô thị. Bài học từ những đô thị lớn như Bangkok, Kuala Lumpur... cho thấy họ đã cực nhọc như thế nào trước vấn đề này!

  Chớ nên đánh giá thấp nạn thiếu chỗ đậu xe gây ra. Thực tế đô thị TPHCM đã bắt đầu trả giá trong vấn đề này. Do thiếu tầm nhìn trong quy hoạch và chính sách xây dựng, hiện nay khu trung tâm thành phố đã không còn đất để làm bãi đậu xe. Vì thế, nhiều vỉa hè đã bị lấn chiếm làm chỗ để xe gắn máy, ô tô thì cứ “đậu ngay trên đường”, gây ách tắc giao thông.

  Nên xây đô thị ở ngoại thành

Ở những nước láng giềng, mấy thập niên qua, người ta phá nhà cũ để xây lại to hơn, cao hơn trong các đô thị rồi khi cần, họ lại phá đi xây cao hơn, to hơn nữa... Việc làm này có thể đem lại nhiều lợi nhuận cho những nhà đầu tư, tuy nhiên đó lại là một sự phí phạm về mặt kinh tế cũng như tạo gánh nặng cho hạ tầng đô thị.

  Sự phát triển đô thị ở các nước láng giềng là bài học cho TP.HCM: đừng thay thế khu chật chội bằng khu chật chội hơn (vì xây cao hơn thì dân số sẽ tăng lên)! Nên đi ra khỏi khu chật chội! Vì vậy, chính sách phát triển đô thị của TP.HCM trong thời gian tới cần theo hướng: xây nhiều khu trung tâm đô thị ở ngoại thành như Củ Chi, quận 9, Thủ Đức, Bình Chánh... Làm được điều này sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề về hạ tầng cho khu nội thành TPHCM.

  Tại sao không xây đô thị mới ở ngoại thành - giá nhìn chung là rẻ bằng một nửa giá chỉnh trang toàn diện đô thị cũ trong nội thành - mà lại có thêm một đô thị mới?

  Ngay từ bây giờ nên đưa bớt các chức năng văn phòng, dịch vụ... ra ngoại thành. Gần đây, TP.HCM có nhiều dự án địa ốc lẻ tẻ và cả một số dự án quy mô ở ngoại thành. Tuy nhiên, các dự án này còn quá rải rác vì vẫn do các nhà đầu tư tự chọn địa điểm, chức năng và hình thù của dự án. Việc hình thành các đô thị ngoại thành (theo quy hoạch một cách khoa học) sẽ khuyến khích dân chúng ra ngoại thành, với giá nhà rẻ hơn, rộng hơn, tiện nghi hơn.

  Đô thị ngoại thành chính là câu trả lời cho vấn đề của nội thành đông đúc và hỗn độn.

Làm sao thu hút được đầu tư khi tốc độ đi lại của xe gắn máy vào giờ cao điểm chỉ từ 8 - 10 km/h, còn ô tô khoảng 6 - 8 km/h? Nhưng thật khó hiểu là chính quyền thành phố vẫn thản nhiên cấp phép cho các dự án cao ốc trong khu trung tâm trong khi bài toán về hạ tầng chưa có hướng giải.


Theo TBKT Sài gòn