Diễn biến từ thị trường BĐS những tháng đầu năm 2015 cho thấy, tiếp tục có dấu hiệu hồi phục, nguồn cung lớn, thanh khoản tăng, sản phẩm đa dạng, giá trị tồn kho giảm...
Điều đó "bỗng dưng" làm dấy lên lo ngại về nguy cơ tái diễn "bong bóng" như đã xảy ra cách đây khoảng 7 - 8 năm. Tuy nhiên, theo ý kiến các chuyên gia, đó chỉ là những "nỗi lo hão huyền". Thậm chí, có không ít người cho rằng, nỗi lo ấy chẳng qua chỉ là "chiêu trò PR" của một số chủ đầu tư.
Tín hiệu tốt chưa phản ánh đầy đủ thị trường
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong quý I/2015, lượng giao dịch BĐS tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, tại Hà Nội, có 4.250 giao dịch thành công, tăng gấp gần 3 lần so với cùng kỳ. Tại TP Hồ Chí Minh, có 3.950 giao dịch thành công, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ. Trong đó, chỉ tính riêng trong tháng 3/2015, TP Hồ Chí Minh có đến 1.400 giao dịch.
Khách hàng tham dự lễ mở bán Dự án căn hộ Dream Home Residence của Địa ốc Danh Khôi.
|
Sự khởi sắc của thị trường còn được thể hiện qua chính sách bán hàng hiệu quả ở phân khúc căn hộ trên thị trường thứ cấp. Tại một số dự án có vị trí tốt, giá tăng khoảng 1 - 3%, thậm chí một số dự án giá tăng 5 - 10%. Giá trị tồn kho BĐS giảm 57.845 tỷ đồng (khoảng 45%) so với quý I/2013. Tại TP Hồ Chí Minh, chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm, nguồn cung căn hộ đã tăng đến 40% so với cùng kỳ năm 2014.
Chính những tín hiệu đáng mừng này đã khiến một số người tỏ ra quan ngại thị trường tăng trưởng “nóng”, dẫn đến nguy cơ “bong bóng tái diễn". Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đực – Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, những tín hiệu khả quan nói trên chưa phản ánh đầy đủ thị trường trong giai đoạn hiện nay. Bởi vào giai đoạn nửa cuối năm 2014, thị trường BĐS ghi nhận một làn sóng mua bán, sáp nhập các dự án khá sôi nổi. Cùng với đó là "sự mở rộng hoạt động kinh doanh của những DN phát triển dự án, tuy mới nổi nhưng có uy tín như Hưng Thịnh, Novaland, Đất Xanh, An Gia... Vì vậy, đến đầu năm 2015, các DN này bắt đầu bung hàng, tạo nên sự sôi động cho thị trường là chuyện hết sức bình thường. Mặc dù vậy, số lượng sản phẩm mà những “đại gia” này tung ra thị trường chỉ một góc nhỏ trong cả một “kho” hàng tồn. "Đừng vội thấy nắng sớm mà ngỡ đã tưng bừng” - ông Đực thẳng thắn chia sẻ và cho biết, cho đến hiện nay, chỉ tính riêng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn còn không dưới 700 dự án BĐS đang "trùm mền - ngủ nướng", giá trị tồn kho còn rất lớn...
Khách hàng không phải... “gà mờ”
Chia sẻ tại một cuộc hội thảo về đầu tư BĐS mới đây, TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng, rất khó để thị trường có thể tái diễn tình trạng "bong bóng" như cách đây vài năm. Người tiêu dùng, nhà đầu tư lúc này đã “khôn ngoan” hơn rất nhiều, bởi họ có đủ thông tin, kinh nghiệm và có thừa sự cẩn trọng trước khi quyết định xuống tiền. Chủ đầu tư cũng chuyên nghiệp hơn. "Và nếu chủ đầu tư có muốn không chuyên nghiệp thì khung khổ pháp lý cũng "bắt buộc" họ phải chuyên nghiệp hơn trong hoạt động kinh doanh..." - ông Thành nói.
Còn ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh cho rằng: Có thực trạng các chủ đầu tư đang được nhà môi giới BĐS, sàn giao dịch “đánh bóng” đẩy giá dự án tăng lên để trục lợi. Những diễn biến thị trường cho thấy, để giải quyết được một phần hàng tồn kho đã là vô cùng vất vả, khó khăn, nói chi đến chuyện “bong bóng" thị trường.
Theo đánh giá của các chuyên gia, không loại trừ khả năng việc tăng giá ở một số dự án thời gian qua chỉ là một hình thức "đón lõng" thị trường của chủ đầu tư, khi mà thời điểm Luật Kinh doanh BĐS 2014 chính thức có hiệu lực (1/7/2015) đang đến gần, theo dự báo, với các chế định như ký quỹ, bảo lãnh... giá BĐS sẽ tăng. Vì vậy, người tiêu dùng cần hết sức tỉnh táo trước "bẫy thông tin" thị trường. Bởi không loại trừ khả năng nỗi lo “bong bóng" chỉ là một "chiêu PR" nhằm tạo sốt giả để bán hàng của một số nhà đầu tư.
DiaOcOnline.vn - Theo KTĐT
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: