Năm 2015, thị trường BĐS có sự chuyển biến rõ nét, tạo đà cho những cơ hội rộng mở phía trước.
Ảnh minh họa
|
Theo báo cáo của Công ty CBRE, trong năm 2015, toàn thị trường BĐS chào đón gần 42.000 căn hộ từ 78 dự án, tăng 122% so với năm trước. “Năm 2015 cũng ghi dấu ấn với tổng lượng giao dịch cao nhất từ trước đến nay, đạt kỷ lục hơn 36.000 căn hộ”, một chuyên gia nghiên cứu của CBRE cho biết thêm.
Giao dịch khởi sắc ở hầu hết các phân khúc. Tuy nhiên, thị trường vẫn ghi nhận sự “lệch pha” lớn giữa giá bán sản phẩm và khả năng chi trả của đa số hộ gia đình.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, vấn đề này cũng đã có sự cải thiện đáng kể trong năm qua. Bằng chứng là các chủ đầu tư đã có sự chuyển hướng tập trung vào phân khúc bình dân, đưa ra thị trường loại căn hộ với mức giá trên dưới 1 tỷ đồng. Điều này đã giúp cho nhiều người có cơ hội sở hữu nhà hơn.
Nhưng, thị trường BĐS vẫn còn tồn tại nhiều yếu điểm khó có thể thay đổi một sớm một chiều như thiếu tính minh bạch, chủ đầu tư dựa quá nhiều vào nguồn vốn vay ngân hàng để phát triển dự án dẫn đến khó cơ cấu giá thành... Tất cả đều ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sở hữu nhà của người dân, cũng như tính bền vững của thị trường.
Một vấn đề khác cũng đang nổi lên khi thị trường có cải thiện về giao dịch, đó là hoạt động đầu cơ BĐS đang có xu hướng phát triển mạnh. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh lưu ý, hoạt động đầu tư, kinh doanh thứ cấp trên thị trường BĐS dù luôn là một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế thị trường, giúp kết nối cung cầu, nhưng nếu nó chiếm tỷ lệ quá cao thì hệ quả kéo theo có thể dẫn đến sự bất ổn trên thị trường.
Trong năm 2015, tại TP. Hồ Chí Minh, giao dịch BĐS của các nhà đầu tư, kinh doanh thứ cấp chiếm tỷ lệ khoảng 15%, tăng gấp 3 lần so với năm 2014. Giao dịch loại này chủ yếu tập trung vào phân khúc cao cấp với mục đích hưởng chênh lệch giá. “Nếu nhà đầu tư, kinh doanh thứ cấp đầu tư trên 50% giá trị hợp đồng mua nhà bằng chính nguồn vốn của mình thì có thể yên tâm.
Nhưng trên thực tế, nhiều nhà đầu tư, kinh doanh thứ cấp đã sử dụng đòn bẩy tài chính đến 70 - 80%, trong đó có người vay ngoài xã hội với lãi suất cao thì độ rủi ro rất lớn, là nhân tố tiềm ẩn làm phát sinh nguy cơ bất ổn trên thị trường BĐS”, ông Châu phân tích.
Thực tế, do giao dịch khởi sắc, do hoạt động đầu tư phát triển, thị trường bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng. Ở một số dự án, chủ đầu tư có kế hoạch tăng giá bán. Trong năm qua, giá bán trên toàn thị trường sơ cấp tăng 4,4% so với năm trước; riêng giá bán của sản phẩm cao cấp tăng vọt 8,3%, chủ yếu nhờ các dự án đang chào bán tại các “điểm nóng” đô thị. Cá biệt có những dự án ở vị trí đẹp, chủ đầu tư có tên tuổi, thì giá tăng cao từ 10-15%.
Những diễn biến thị trường như vậy khiến nhiều người đặt câu hỏi, liệu có đang bắt đầu một cuộc chạy đua mới đẩy giá lên? Có biểu hiện nào của tình trạng bong bóng BĐS như những năm 2007 - 2008, khiến người mua quay lưng lại với thị trường?
Bên cạnh đó, khi nguồn cung dồi dào được bán với giá cao, chắc chắn diễn biến cạnh tranh sẽ ngày càng căng thẳng, ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêu thụ tại các dự án, nhất là những dự án nằm ở vị trí không đắc địa và câu chuyện hàng tồn kho sẽ lại tiếp tục tái diễn... Đó chính là hai mặt của một vấn đề, luôn tồn tại song hành đối với thị trường BĐS, nhưng đang có những dấu hiệu trở nên rõ ràng hơn, cả ở phía cơ hội và rủi ro.
Trong bối cảnh đó, ông Marc Townsend, Tổng giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cảnh báo: “Khi thị trường tăng trưởng quá nhiều, quá nhanh, quá nóng thì con tàu BĐS rất dễ đi trật đường ray. Chúng ta cần tỉnh táo và nhanh nhạy nắm bắt trước vận hội này để bước vào một chu kỳ mới của thị trường mang tính chắc chắn và bền vững hơn”.
DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: