Top

Cần sớm kết nối Thủ Thiêm

Cập nhật 03/11/2018 10:18

Hạ tầng giao thông không theo kịp tốc độ phát triển đô thị đang đẩy các tuyến đường thuộc các quận phía Đông TP HCM, trong đó khu Thủ Thiêm rơi vào quá tải

Sự cố xe tải tông sập khung giàn giáo trước đường hầm sông Sài Gòn hôm 15-10, gây kẹt xe nghiêm trọng ở hàng loạt tuyến đường xung quanh, ngoài bộc lộ những hạn chế trong xử lý sự cố còn cho thấy khu vực phía Đông TP HCM, mà cụ thể là Thủ Thiêm (quận 2), đang thiếu cầu, đường kết nối với khu trung tâm TP một cách trầm trọng.

Mong ngóng những cây cầu

Sau sự cố trên, 3 ngày cuối tháng 10, đi khắp các quận phía Đông TP - gồm quận 2, 9, Thủ Đức - hình ảnh hiện lên rõ nét nhất là tốc độ phát triển đô thị ở nơi đây quá nhanh trong khi hạ tầng kết nối giữa khu vực này với khu trung tâm TP còn tương đối hạn chế. Ngoài các trục chính là tuyến xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 13, lưu lượng xe đang ngày càng tăng cao trên đường Mai Chí Thọ - được xem như "xương sống" trên hành lang Đông - Tây của TP. Tuy nhiên, ở "xương sống" này, ngoài hướng lưu thông thuận tiện nhất là qua hầm sông Sài Gòn, trên trục đường Mai Chí Thọ hiện chỉ có các nhánh kết nối để vào khu trung tâm là đường Trần Não, Lương Định Của và Nguyễn Cơ Thạch.

"Chính vì quá ít đường nhánh, thiếu cầu nên hôm sập khung giàn giáo trước đường hầm sông Sài Gòn, giao thông cả khu vực rối loạn là điều hiển nhiên. Bởi tất cả loại xe phải dồn tới các hướng đi còn lại và kéo theo nhiều tuyến đường trong nội đô tê liệt như Nguyễn Hữu Cảnh, Ngô Tất Tố, Điện Biên Phủ..." - TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế - đô thị, nhận xét. Theo TS Đinh Thế Hiển, bằng chứng của việc hạ tầng không theo kịp dân cư ở khu Đông thể hiện rõ nhất qua việc hàng loạt cao ốc, chung cư..., đang mọc lên dày đặc dọc đường Mai Chí Thọ, Nguyễn Cơ Thạch (quận 2) với quy mô hàng chục ngàn căn hộ cùng các văn phòng, trụ sở các công ty..., đã và đang chuẩn bị đưa vào hoạt động nhưng đường và cầu thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Từ đây, TS Đinh Thế Hiển cho rằng để giảm áp lực giao thông tại khu vực trên cũng như tạo đà phát triển kinh tế, ít nhất cần 3 cây cầu và phải nhanh chóng thực hiện. Trong đó, với 2 dự án cầu Thủ Thiêm 2 và 4, ông Hiển đánh giá là thực sự cấp bách bởi sẽ tạo ra sự kết nối giao thông với khu trung tâm trong điều kiện tốc độ đô thị hóa ở quận 2, 7 đang rất nhanh.

Là người mỗi ngày 2 lượt đi làm trên con đường Mai Chí Thọ, anh Quân (ngụ quận 9) lo ngại: "Thử đặt phép tính với số căn hộ như trên, một gia đình có 3 người và nếu cùng đổ ra đường để đi làm, tới trường rồi trở về nhà vào các khung giờ cố định sáng - chiều mỗi ngày, áp lực giao thông sẽ rất lớn. Chưa kể, các công ty, văn phòng, trung tâm thương mại... khi đưa vào hoạt động, số nhân viên làm việc tại đó cũng đi về mỗi ngày thì áp lực giao thông trên những tuyến đường này sẽ càng nặng nề".

Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn thừa nhận lưu lượng giao thông qua đường hầm này ngày càng tăng nhanh, nhiều thời điểm quá tải. Một số giải pháp đang triển khai tại đây như tăng cường điều tiết, phân làn giao thông, linh hoạt điều khiển đèn tín hiệu giao thông ở các nút giao trên đường Mai Chí Thọ, Võ Văn Kiệt… nhưng cũng chỉ là giải pháp trước mắt. Còn để giải quyết căn cơ thì phải nhanh chóng thực hiện các dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2, 3 và 4 và dần hoàn thiện quy hoạch đã được phê duyệt.

Chỉ với sự cố sập giàn giáo trước đường hầm sông Sài Gòn ngày 15-10 cũng đủ khiến giao thông ở Thủ Thiêm bị ảnh hưởng

Muốn nhưng vướng

Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, tại khu vực Thủ Thiêm, các dự án đã được khởi động từ lâu, như xây dựng cầu Thủ Thiêm 2, 3, 4 chứ không phải cơ quan chức năng không quyết liệt, không tìm mọi cách tăng tốc. Thế nhưng đến nay, các dự án xây cầu để kết nối Thủ Thiêm vẫn chậm tiến độ là do vướng giải phóng mặt bằng, vướng mắc ở một số thủ tục trong việc lựa chọn nhà đầu tư, phương án hoàn vốn, thực hiện đồng bộ với các công trình khác...

Sở GTVT thông tin trong 3 dự án cầu Thủ Thiêm 2, 3 và 4 hiện chỉ cầu Thủ Thiêm 2 đang được thi công. Dự án cầu Thủ Thiêm 2 do Công ty CP Đầu tư Đại Quang Minh làm chủ đầu tư, với tổng vốn 4.260 tỉ đồng. Cây cầu này nối từ đường Tôn Đức Thắng (quận 1) tới khu đô thị mới Thủ Thiêm, chiều dài khoảng 1.465 m và theo kế hoạch trước đó là sẽ hoàn thành trong năm 2018 nhưng hiện đang dự kiến lùi lại tới năm 2020. Lý do là tuy đã khởi động từ 3 năm trước nhưng đến nay, khối lượng thực hiện chỉ đạt 16%. Tuy nhiên, để hoàn thành trước ngày 30-4-2020, chủ đầu tư cho biết công tác bồi thường giải phóng mặt bằng phải được hoàn thành trong tháng 10-2018, với khoảng 13.000 m2 nhưng hiện vẫn chưa hoàn thành nên dự báo lại tiếp tục chậm tiến độ.

Trước thực tế trên, để gỡ vướng cho dự án cầu Thủ Thiêm 2, Sở GTVT TP đã có văn bản kiến nghị UBND TP chỉ đạo Hội đồng Thẩm định bồi thường, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên - Môi trường cùng UBND quận 1 và các sở - ngành liên quan gấp rút tham mưu, đề xuất phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ di dời, thu hồi đất để phục vụ thi công.

Trong khi đó, đối với dự án cầu Thủ Thiêm 3 (nối quận 4 với khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2), đang vướng mắc một số quy định nên hiện chưa xác định thời gian thi công và hoàn thành. Còn dự án cầu Thủ Thiêm 4 (nối từ khu vực cảng Tân Thuận Đông, quận 7 qua quận 2), đang trong giai đoạn đề xuất đầu tư. Theo ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM, với dự án cầu Thủ Thiêm 3 và 4, trước đây dự kiến đầu tư theo hình thức BT, tuy nhiên, hình thức này hiện đang bị khó khăn trong các cơ chế, chính sách và chưa có nghị định hướng dẫn thanh toán hợp đồng BT nên UBND TP HCM đang phải tạm ngưng.

DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ